Lý giải về nợ xấu

25/04/2015 06:15 GMT+7

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 diễn ra hôm qua (24.4), một vấn đề được nhiều ý kiến thảo luận là nợ xấu.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015 diễn ra hôm qua (24.4), một vấn đề được nhiều ý kiến thảo luận là nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định nợ xấu đang dần giảm xuống Ngân hàng Nhà nước khẳng định nợ xấu đang dần giảm xuống - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  (UBKT) QH Nguyễn Văn Giàu, những số liệu nợ xấu qua các năm là “không thể hiểu được”, đến mức khiến cả ông và ông Cao Sĩ Kiêm (cả hai đều là nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cảm thấy “ngỡ ngàng” vì có năm nợ xấu đưa ra là 2,36% (cuối năm 2010), rồi năm sau lên đến 17%, năm 2014 lại đưa xuống 3,22%. Ông Giàu cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nghi ngờ về con số nợ xấu của VN. “Cách đây 10 ngày làm việc với Ngân hàng Thế giới, họ cũng đặt vấn đề nợ xấu thực của ngân hàng là bao nhiêu? Tôi nói nợ xấu không đến nỗi quan ngại. Nếu thật sự 5% hay 7% cũng không có vấn đề nhưng phải giải thích cho xã hội thông”, ông Giàu nói.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, nợ xấu đang dần giảm xuống. “Trong báo cáo trình QH có hai con số: một con số do các tổ chức tín dụng báo cáo và một con số NHNN thanh tra, giám sát. Cụ thể tháng 1.2015, theo con số các tổ chức tín dụng báo cáo thì nợ xấu là 3,49% nhưng theo con số đánh giá của cơ quan giám sát là 4,75%. Cuối năm 2014, hai con số này lần lượt là 3,25% và 4,83%… Khoảng cách hai con số này đang dần thu hẹp, phản ánh thực chất hơn. Thật ra con số nợ xấu của NHNN rất rõ ràng, cách tính toán NHNN cũng không ngại gì đưa ra một con số lớn hơn để đánh giá, xử lý thực chất hơn”, bà Hồng giải thích.

Ì ạch tái cơ cấu nông nghiệp

Cũng trong phiên họp, nhiều ý kiến thành viên của UBKT QH và một số ĐBQH đã cho rằng, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang diễn ra quá chậm chạp. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ cho rằng, sự trì trệ trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thấy rõ nhất ở các tỉnh ĐBSCL. “Một điều đáng nói là hiện nay, nhiều địa phương chạy theo phong trào xã nông thôn mới, đầu tư nhiều nhưng chỉ thấy có xây dựng mà đời sống người dân không có tăng lên. Đề nghị Bộ NN-PTNT báo cáo rõ hơn về các vấn đề này”, ông Tiếp nói. Cùng ý kiến về vấn đề này, ông Lò Văn Muôn, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, cho rằng hiện nay có thực tế là nơi nào đăng ký làm “nông thôn mới” mới có vốn đầu tư cho hạ tầng nên thực tế, ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, trước đây vẫn được ngân sách cấp vốn đầu tư thì nay, không làm “nông thôn mới” thì không có gì cả, nên tạo ra sự mất công bằng.

Theo ông Trần Du Lịch, Ủy viên thường trực UBKT QH, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp tuy đã triển khai nhưng mới có đề bài mà chưa thấy những hoạt động cụ thể. “Có những vấn đề đáng lo ngại như hiện nay, nông dân trồng cây mắc ca với quy mô lên đến hàng trăm ngàn héc ta, trong khi ở các nước quy mô của họ mới chỉ dừng lại ở vài chục ngàn héc ta. Nếu không cẩn thận, nó thành tai họa, có khả năng đây như việc bán giống cây thôi. Bộ NN-PTNT cần sớm vào cuộc việc này”, ông Lịch cảnh báo. Cũng theo ông Lịch, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chuyển hướng, đầu tư vào nông nghiệp, đó là xu hướng tới để thay đổi cơ cấu ngành. Nhưng theo ông, cũng cần phải có chính sách để đảm bảo, cân bằng lợi ích của người nông dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.