Liệu có "đáy" mới ?

08/10/2008 23:39 GMT+7

Nếu với tốc độ giảm như những ngày qua, thì cũng chỉ cần khoảng 3 phiên là "xuyên thủng" "đáy" cũ. Đã xuất hiện đây đó dự đoán chỉ số giá chứng khoán trên cả hai sàn như đang muốn lập "đáy" mới!

Trái với dự đoán trước đây, chỉ số giá chứng khoán trên cả hai sàn đã không tăng trong tháng 9, mà còn giảm tiếp trong những ngày đầu tháng 10. VN - Index tháng 9 giảm 82,4 điểm hay giảm 15,28%; ngày 8.10 so với 30.9 giảm tiếp 55,37 điểm, hay giảm 12,12%. HaSTC - Index tháng 9 giảm 43,6 điểm hay giảm 22,69%; ngày 8.10 so với 30.9 giảm tiếp 21 điểm, hay giảm 14,14%. VN - Index ngày 8.10 đã ở mức 401,33 điểm, chỉ còn cách mức "đáy" 366 điểm vào ngày 20.6 có 35 điểm. Nếu với tốc độ giảm như những ngày vừa qua, thì chỉ cần vài ba phiên là "xuyên thủng" "đáy" cũ.

HaSTC - Index ngày 8.10 đã ở mức 127,53 điểm, chỉ còn cách mức "đáy" 107 điểm vào ngày 23.6 có 20 điểm. Chỉ số giá chứng khoán trên cả hai sàn "rơi tự do" và như đang muốn lập "đáy" mới do cả các yếu tố ở trong nước và cả các yếu tố ở nước ngoài.

Ở trong nước, cung chứng khoán tăng nhanh, trong khi cầu chứng khoán tăng thấp hơn, thậm chí còn bị giảm, cung tăng do 6 nguyên nhân. Số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đã và sắp bán cổ phần ra công chúng (IPO) bắt đầu gia tăng trở lại, đặc biệt là Ngân hàng Công thương Việt Nam, với hàng chục nghìn tỉ đồng. Số công ty niêm yết phát hành bổ sung chứng khoán với khối lượng khổng lồ. Nhiều cổ đông nội bộ, kể cả cổ đông là các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát - những người biết rõ nhất giá trị thực và xu hướng tăng, giảm các chỉ số cơ bản của công ty - đã đẩy mạnh bán ra. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng và bán ròng. Các nhà đầu tư trong nước bán tháo theo. Tăng cung vào lúc này chẳng khác gì tự sát. 

Trong khi chỉ riêng các yếu tố trong nước đã làm cho chỉ số giá chứng khoán đao xuống, lại cộng hưởng thêm những yếu tố tác động trên thị trường thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Mỹ đã lớn hơn mọi dự đoán làm cho nhiều "đại gia" tài chính Mỹ bị lâm nạn; mặc dù Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã đồng thuận giải cứu bằng gói giải pháp 700 tỷ USD, nhưng tác động chưa nhiều, ngay cả về mặt tâm lý.

Cuộc khủng hoảng này đang lan rộng sang các nước phát triển từ Mỹ sang u và Á, làm rung động thị trường tài chính thế giới, làm cho kinh tế Mỹ và thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái. Tác động của cuộc khủng hoảng trên đối với nước ta không lớn, không nhiều, nhưng đến nay đã có; những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều hơn là xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và thị trường chứng khoán.

 Đối với thị trường chứng khoán, tác động được thể hiện trên ba mặt. Một mặt là tác động về tâm lý. Những ngày này, khi thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể "một mình một chợ" nên "co lại" bằng cách bán ra đầu tư vào kênh khác cho an toàn hơn. Mặt khác, các quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn ở nước ngoài do tác động của cuộc khủng hoảng trên thế giới, nên không còn "phong độ" như trước đối với việc đầu tư vào thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Mặt khác nữa, do việc kiềm chế lạm phát tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý; nay lại thêm việc rà soát để ứng phó với tác động của khủng hoảng trên thế giới nên việc nới lỏng tiền tệ cho chứng khoán (cách đây một tháng đã xuất hiện như tiếp tục cho vay cầm cố chứng khoán, kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng…) sẽ khó xảy ra hoặc khó mà mở rộng được. 

Tuy nhiên, chứng khoán của Việt Nam có những đặc thù riêng; những phiên giao dịch gần đây, đặc biệt là phiên 8.10, cho thấy rõ VN - Index đã cố gượng dậy để không xuyên thủng mức 400 điểm và HaSTC - Index cũng đã cố gượng để không xuyên thủng mức 125 điểm.                               

 Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.