Lãnh đạo UBND Phú Yên đẩy nhà đầu tư vào cảnh khó

29/03/2013 03:20 GMT+7

Công ty CP Hiệp Hòa Phát vừa có đơn thư trình bày việc lãnh đạo tỉnh này đơn phương thay đổi dự án, giao đất cho doanh nghiệp khác, vi phạm những nội dung đã cam kết.

Đơn phương thay đổi

Theo trình bày của Công ty CP Hiệp Hòa Phát trụ sở tại TP.HCM (sau đây gọi tắt là HHP) gửi đến Báo Thanh Niên, công ty được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư số 3622000036 ngày 26.11.2010 đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Tâm, KCN đa ngành và khu cảng Bãi Gốc với tổng diện tích 2.155 ha, diện tích mặt nước được giao là 1.300 ha. Sau khi được cấp phép, HHP đã tích cực triển khai dự án theo đúng quy trình. Trong thời gian triển khai lập quy hoạch dự án, HHP đã kêu gọi một nhà đầu tư (NĐT) khác tại Phú Yên là Công ty TNHH dầu khí Vũng Rô (VRP) tham gia. VRP có dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép ở gần đó) và HHP đã đề nghị VRP điều chỉnh vị trí dự án của mình, dời về KCN Hòa Tâm để tận dụng những lợi thế tại đây. Từ ngày 3.10.2011 đến ngày 20.6.2012, hai bên đã có nhiều cuộc làm việc.

Chuyên gia Hà Lan và công nhân của HHP khảo sát biển để lập quy hoạch KCN Hòa Tâm
Chuyên gia Hà Lan và công nhân của HHP khảo sát biển để lập quy hoạch KCN Hòa Tâm
- Ảnh: H.H.P
 

Tuy nhiên, vào tháng 7.2012, UBND tỉnh Phú Yên lại báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xin được giao đất trực tiếp cho  VRP với diện tích 450 ha để điều chỉnh vị trí Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Toàn bộ khu đất này lại nằm ngay trong phần dự án KCN Hòa Tâm và cảng Bãi Gốc đã cấp phép cho HHP. Thế nhưng, UBND tỉnh Phú Yên đã không hề có sự bàn bạc, thỏa thuận nào với HHP về thay đổi này. Cho nên, HHP đã gửi đơn kiến nghị khắp nơi. Trong khi vụ tranh chấp này chưa được giải quyết thì UBND tỉnh Phú Yên ngày 26.2.2013 đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất thủ tục để cấp giấy chứng nhận điều chỉnh dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô trước ngày 15.3.2013; các công tác chuẩn bị khác đều phải hoàn thành trong tháng 4.2013.

HHP thiệt hại lớn

Ngay khi UBND tỉnh Phú Yên gửi báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ xin phép được giao đất trực tiếp cho dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị các bộ có liên quan cho ý kiến. Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng... đều nói rõ: “Do diện tích 450 ha đề nghị di dời dự án tại KCN Hòa Tâm đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty HHP, do vậy Công ty VRP nếu có nhu cầu đầu tư nhà máy lọc dầu tại KCN Hòa Tâm cần phải làm việc và được sự thống nhất, chấp thuận của Công ty HHP theo đúng quy định hiện hành hoặc thuê lại đất trong KCN để làm nhà đầu tư thứ cấp”.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngay trong lúc dự án KCN Hòa Tâm được HHP tích cực triển khai, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đàm phán riêng với VRP từ tháng 7.2012, theo đó VRP cam kết sẽ chuyển khoản số tiền 5 triệu USD kinh phí đền bù giải tỏa cho tỉnh ngay sau khi UBND tỉnh Phú Yên đồng ý thỏa thuận di dời địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đến KCN Hòa Tâm. Nếu VRP không triển khai thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô thì số tiền này được sung vào ngân sách. Chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự cũng đã ký cam kết sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện cho VRP hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh, ngay trong tháng 10.2012 sẽ giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo tiến độ dự án, đồng thời cam kết sẽ trực tiếp giao 450 ha đất tại KCN Hòa Tâm và một phần diện tích bờ biển, diện tích mặt nước cần thiết để bố trí xây dựng cảng…

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Phó tổng giám đốc HHP - bức xúc: “Hơn 8 tháng nay công ty chúng tôi không nhận được bất kỳ một thỏa thuận hay thông tin gì hoặc trao đổi thấu đáo của UBND tỉnh Phú Yên, mặc dù công ty đã nhiều lần kiến nghị và gửi văn bản giải trình những quan ngại liên quan đến tính khả thi của dự án. Đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 KCN Hòa Tâm của HHP đã được nghiên cứu đồng bộ và tổng thể, không thể xé lẻ giao cho các NĐT tự lập quy hoạch, tự xây dựng hạ tầng mà không quan tâm đến kết nối và phát triển hạ tầng đồng bộ chung. Việc bội ước của lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã  khiến chúng tôi thất tín với các tập đoàn quốc tế đang đồng hành với HHP, gây tổn thất cho các tập đoàn này về tài chính và uy tín đầu tư, đặc biệt trực tiếp làm phương hại đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty HHP do đã dồn hết công sức, chi phí và trí tuệ trong suốt quá trình triển khai dự án”.

Để đảm bảo có ý kiến từ nhiều phía, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự để hẹn phỏng vấn về vấn đề này. Tuy nhiên, ông Cự đã đề nghị chúng tôi làm việc với ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh. Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Trúc nhưng bị từ chối với lý do ông đang công tác xa. 

Quang Thuần

>> Nghị định 69 làm khó doanh nghiệp BĐS
>> Quy định làm khó du lịch
>> Sở GD-ĐT Đồng Nai làm khó người điều chỉnh bằng cấp
>> Ngư dân bị ngân hàng “làm khó”
>> Một quy định làm khó báo chí
>> Quy định làm khó xây dựng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.