Lãng phí đầu tư công

01/04/2014 03:25 GMT+7

Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công có khi lên đến 100% giá trị công trình. Điều này dẫn tới bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát...

Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công có khi lên đến 100% giá trị công trình. Điều này dẫn tới bội chi ngân sách, tăng nợ công, tăng lạm phát...

Lãng phí đầu tư công
Đường cao tốc Việt Nam được xem là đầu tư đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: Đình Sơn

Đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến dự án luật Xây dựng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 31.3 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tính toán chỉ riêng hoang phí nền móng đã lên đến 70 - 80%, chưa kể thời gian thi công bị kéo dài thêm từ 3 - 9 tháng. Nguyên nhân do luật quy định chi phí cho thiết kế, tư vấn, giám sát, quản lý “ăn” phần trăm trên tổng vốn đầu tư công trình. Nên vốn đầu tư càng lớn, chi phí được hưởng càng nhiều. Do đó, đơn vị thiết kế chăm chăm “vẽ” dự án càng kiên cố, càng hoành tráng càng tốt.

Một chuyên gia cho biết đầu năm 2011 ông đã từng gửi văn bản đến các cơ quan nhà nước phản ánh về việc lãng phí ở nhiều dự án tại TP.HCM và thực tế hiện nay đúng như vậy. Công trình Trung tâm thể dục thể thao Hồ Xuân Hương có thể sử dụng móng đơn thay vì móng cọc ép, công trình văn phòng số 58 Trương Định có thể sử dụng móng bè thay vì móng cọc nhồi và công trình số 13 Trần Quốc Thảo có thể sử dụng móng băng thay cho phương án móng cọc nhồi như hiện nay vốn đầu tư sẽ giảm rất nhiều. Bởi đối với nền đất tốt như vị trí của các công trình nêu trên, việc sử dụng phương án móng đơn, móng băng hoặc móng bè sẽ làm giảm chi phí, không kéo dài thời gian thi công.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, luật Xây dựng được Quốc hội thông qua năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế và cần phải xem xét. Luật chưa phân biệt rõ phương thức, nội dung đầu tư, phạm vi quản lý cũng như trách nhiệm các chủ thể trong quản lý dự án sử dụng vốn các nguồn vốn khác nhau. Mặc dù các nguồn vốn khác nhau nhưng phương thức quản lý giống nhau. Trong khi các nguồn vốn khác do chính chủ đầu tư bỏ tiền nên họ quản lý rất chặt chẽ. Còn vốn nhà nước quản lý theo chế độ ủy quyền, thiếu giám sát chặt chẽ nên dẫn đến việc thông đồng giữa nhà tư vấn, nhà thầu, làm đội giá công trình lên.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng thiết kế cơ sở là nội dung cốt lõi của dự án đầu tư xây dựng và quyết định tính khả thi hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành thiếu quy định về sự tham gia kiểm soát của cơ quan quản lý chuyên ngành trong khâu này và đây là nguyên nhân gây sự thất thoát, lãng phí trong các dự án.

Đình Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.