Làm giàu nhờ trồng cây hiếm - Mác-ca trên cao nguyên

05/06/2009 00:26 GMT+7

Loạt bài Làm giàu nhờ nuôi thú lạ của Thanh Niên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều người cho biết, qua đó đã tìm được ý tưởng phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện của mình. Theo yêu cầu của độc giả, Thanh Niên xin tiếp tục giới thiệu các mô hình trồng cây hiếm, lạ, độc đáo.

 Cây mác-ca, tên gọi tắt của cây macadamia, đang thu hút sự chú ý của nông dân ở Tây Nguyên bởi triển vọng làm giàu từ nó.

Thu nhập cao hơn trồng cà phê

Được trồng thử nghiệm từ năm 2002, đến nay, những cây mác-ca đầu tiên trên đất Tây Nguyên sinh trưởng khá tốt. Thạc sĩ Trần Vinh, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên - cho biết: Trong 6 năm qua, Viện đã nhập 5 giống mác-ca có nguồn gốc từ Trung Quốc, 6 giống từ Thái Lan và 8 giống từ Úc trồng thử nghiệm trên diện tích 1,5 ha, mật độ 400 cây/ha. Ngoài ra, Viện đã nghiên cứu trồng xen mác-ca với 3 loại cây cà phê vối, cà phê chè và ca cao với diện tích 3 ha; trồng thuần 2 ha mác-ca bằng cây thực sinh tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai. Nhiều vườn cây từ năm thứ 3 trở đi bắt đầu cho trái có hạt năng suất rất khá, từ 4-5 kg hạt/cây, có cây cho 7-8 kg hạt.

Để tìm hiểu thông tin về cây mác-ca, có thể liên hệ: - Ông Trần Vinh - Viện KHKTNLN Tây Nguyên - ĐT: 0500.3862604 - 0905174079

- Ông Nguyễn Văn Cúc - thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, H.Krông Năng (Đắk Lắk) - ĐT: 0975247241

Hiện hạt mác-ca thô trên thị trường thế giới có giá từ 1,5-2 USD/kg, giá trị thu được từ 4.500-6.000 USD/ha trở lên. So với cà phê hiện nay chỉ thu từ 3.500-4.000 USD/ha thì thu nhập từ cây mác-ca, với năng suất trên 3 tấn hạt thô/ha, cao hơn nhiều. Ông Vinh nhận xét: “Phát triển cây mác-ca không chỉ đem lại thu nhập cao cho nông dân Tây Nguyên mà còn có ý nghĩa tránh rủi ro khi độc canh cà phê. Với đặc điểm chịu hạn tốt, mác-ca vẫn sinh trưởng trong điều kiện đất trồng thiếu nước, hết sức có lợi cho môi trường; có thể làm cây che bóng cho cà phê, hoặc trồng thành rừng nhưng vẫn cho thu nhập không nhỏ hằng năm”.

Qua nghiên cứu tại Viện KHKTNLN Tây Nguyên, các giống mác-ca H2, 508 và OC có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Đặc biệt, giống OC khá phù hợp với điều kiện sinh thái ở Tây Nguyên, cho năng suất cao, cỡ hạt lớn, ít sâu bệnh, cây có bộ tán cân đối, vững chắc. Cây mác-ca trồng xen với cà phê chè tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) sinh trưởng tốt hơn so với trồng xen ca cao hoặc xen với cà phê vối tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Mác-ca có nguồn gốc từ Úc, là loại cây cho quả có nhân chứa chất dinh dưỡng khá cao, hàm lượng dầu tới 78%. Trong dầu mác-ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể... Nhân hạt mác-ca được dùng làm thực phẩm cao cấp, dầu được dùng trong các loại mỹ phẩm, rất được ưa chuộng ở thị trường u Mỹ. Sản lượng mác-ca trên thế giới hiện chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu thị trường.

Cơ hội mới

Ông Nguyễn Văn Cúc, trú tại thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, H.Krông Năng là nông dân đầu tiên ở Đắk Lắk trồng cây mác-ca, với diện tích 1 ha xen với cà phê vối từ năm 2004. Theo ông Cúc, kết quả “trên cả tuyệt vời”, hai năm nay mác-ca cho những lứa trái đầu tiên, ông thu được hơn 400 kg hạt. “Hiện có hai nhà máy chế biến hạt điều và mác-ca ở Thái Bình và Đồng Nai hỏi mua nguyên liệu nhưng tôi không bán vì để dành ươm giống. Khá nhiều nông dân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thăm vườn mác-ca của tôi, đặt vấn đề mua cây giống. Tôi dự tính trồng thêm vài héc-ta nữa”- ông Cúc thổ lộ. Đến nay, ông Cúc đã ươm bán cho các nơi hơn 4.000 cây mác-ca giống, với giá mỗi cây 40.000 đồng, quy ra trồng trên diện tích 12 ha.

Trồng mác-ca đang mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên, nhất là ở những địa bàn thiếu nước hoặc thổ nhưỡng không phù hợp trồng cà phê, hồ tiêu. Thời gian qua, Viện KHKTNLN Tây Nguyên đã tư vấn cho nhiều đơn vị, cá nhân đến tìm hiểu về khả năng phát triển cây mác-ca. Gặp chúng tôi khi đang tham quan vườn mác-ca thử nghiệm tại Viện, ông Lê Ngọc Hạ, Giám đốc Nông trường cà phê Cư Pun (Đắk Lắk) cho biết, nông trường dự định đầu tư trồng mác-ca với quy mô lớn, hiện đang tiến hành khảo sát, làm thủ tục xin đất trồng khoảng 400 ha cây mác-ca tại các xã Ea Ô, Cư Elang thuộc H.Ea Kar. Nông trường có một số diện tích cà phê già cỗi phải thanh lý để trồng loại khác, cũng đang tính đến trồng mác-ca thay thế. Một doanh nghiệp đến từ Hà Nội cũng đang tìm kiếm cơ hội trồng 300 ha mác-ca tại khu vực đất rừng phòng hộ Ea Tam, H.Krông Năng. Theo ông Trần Vinh, tại Lâm Đồng có ông Huỳnh Công Nhân đến từ TP.HCM cũng đang triển khai trồng 100 ha cây mác-ca tại H.Lâm Hà.

Phát triển cây mác-ca hứa hẹn triển vọng làm giàu cho người nông dân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện KHKTNLN Tây Nguyên, việc đưa vào trồng đại trà loại cây này cũng cần có bước khảo sát, xem xét kỹ lưỡng điều kiện thời tiết, khí hậu từng vùng cụ thể. Qua khảo nghiệm, vào mùa cây mác-ca ra hoa, đậu quả từ tháng 1 đến tháng 3, những vùng có thời tiết mát mẻ, nhiệt độ từ 18 - 23oC là phù hợp, nếu nóng trên 30oC thì quả rụng nhiều.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.