Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 7: Sự đồng hành chuyên nghiệp

31/07/2015 06:09 GMT+7

Câu chuyện về anh Dương Văn Beo mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước chỉ là một chi tiết nhỏ trong sự vận hành nhất quán của một tổng thể. Nó còn là một bài học về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Câu chuyện về anh Dương Văn Beo mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước chỉ là một chi tiết nhỏ trong sự vận hành nhất quán của một tổng thể. Nó còn là một bài học về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 7: Sự đồng hành chuyên nghiệpLâu đài Tajmasago - Ảnh: khải silk cung cấp
Như đã nói, trước khi xây dựng tòa nhà của mình, anh Beo đã bị buộc phải “ký quỹ” 300 triệu đồng cho Phú Mỹ Hưng, nếu anh vi phạm bất cứ vấn đề gì, từ thiết kế cho đến vệ sinh, an toàn, đều sẽ bị phạt và trừ dần vào số tiền đó. Kết quả là sau 3 năm xây dựng, anh đã thu lại số tiền ấy về, không mất một đồng nào. Anh Beo bảo thời kỳ đó Phú Mỹ Hưng tự quản lý việc xây dựng nên nghiêm ngặt lắm, còn bây giờ thì việc quản lý này được giao cho chính quyền, nên “không được như hồi trước”.
Nếu bạn là một nhà đầu tư, bạn sẽ không dám đầu tư xây dựng công trình để đời của bạn tại những nơi bạn không biết tương lai của chúng sẽ thay đổi như thế nào. Chắc chắn bạn sẽ chọn nơi mà bạn có thể nhìn thấy được diện mạo của tương lai, mặc dù hiện tại chưa được như mong muốn. Nhìn các “đại gia” đồng hành với Phú Mỹ Hưng ta có thể nhận ra điều đó. Một trong những “đại gia” đó là ông Hoàng Khải (Khải Silk), ông chủ của một hệ thống các trung tâm thương mại, lâu đài, resort và nhà hàng, cửa hàng sang trọng tại nhiều nơi trong cả nước.
Lâu đài Tajmasago ảnh: khải silk cung cấpÔng Hoàng Khải
Sài Gòn Paragon là trung tâm thương mại và giải trí sang trọng của ông Hoàng Khải được khai trương tại Phú Mỹ Hưng vào tháng 7.2009. Tòa nhà trị giá 35 triệu USD này được thiết kế tráng lệ như một lâu đài, gồm 19.000 m2 dành cho mua sắm, 4.000 m2 giải trí, 15.000 m2 là văn phòng cho thuê theo phong cách châu Âu và 3.000 m2 tổ chức hội nghị. Tất cả đều mang đẳng cấp quốc tế. Từ khi khai trương đến nay, Sài Gòn Paragon bao giờ cũng tấp nập, ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn hiện tại các mặt bằng của trung tâm cũng phủ kín.
Vài năm sau cũng tại Phú Mỹ Hưng, ông Khải lại cho khai trương một công trình độc đáo không kém, đó là tòa lâu đài trắng Tajmasago cạnh Hồ bán nguyệt. Tòa lâu đài trị giá 15 triệu USD này là một hotel resort siêu sang trọng gồm 19 phòng được thiết kế với các phong cách khác nhau và một phòng 260 m2 lộng lẫy dành cho tổng thống.
Công trình lớn thứ ba của Khải Silk tại đây là nhà hàng Charm Charm nổi tiếng. Nhà hàng trị giá hàng triệu USD này với diện tích 5.000 m2 có thể chứa tới 600 khách, được biết đến như một gallery ẩm thực độc đáo với 1.300 loại rượu cùng nhiều món ăn sang trọng và đa dạng.
Bài này không có ý định mô tả những vẻ đẹp các công trình của ông Hoàng Khải cũng như phong cách kinh doanh và hiệu quả đầu tư của ông, nhiều người đã nói về những chuyện đó. Chuyện đầu tư kinh doanh thành hay bại của ông cũng không liên quan với sự thành bại của Phú Mỹ Hưng. Nhưng ở đây có mối quan hệ tương hỗ. Trao đổi với nhóm làm ký sự chúng tôi, ông Khải bảo rằng hơn 10 năm đầu tư tại đây, nói chung cái gì cũng thành công, có những cái có lợi nhuận hữu hình và có những cái có lợi nhuận vô hình, ông hoàn toàn hài lòng về điều đó.
Điều ông Hoàng Khải tâm đắc nhất ở đây là quy hoạch chuẩn. Ông bảo sự chuẩn mực của quy hoạch ở đây khiến cho người ta thấy nó như một khu đô thị của một nước phát triển nào đó trên thế giới. Ông đã chấp nhận đầu tư vào đây hàng chục triệu USD từ rất sớm để cùng với Phú Mỹ Hưng “đi lên từ đầm lầy” là bởi ông đã nhìn thấy tương lai từ bản quy hoạch đó. Cái chỗ mà ba công trình lớn của ông đang hiện diện khi ấy còn là chốn đồng không mông quạnh. Tất nhiên thành công nào cũng phải trả giá, ông đã phải chấp nhận bù lỗ từ 4 - 5 năm do khu đô thị chưa phát triển, lại cách xa trung tâm nên chưa thu hút được khách. Và ông Khải đã được đền bù xứng đáng khi Phú Mỹ Hưng phát triển rất nhanh, nay đã có tới 4 trung tâm thương mại, ông Khải còn tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều trung tâm thương mại hơn nữa. Nếu như không có sự quy hoạch chuẩn mực và không nhìn thấy những tiềm năng thương mại to lớn của khu vực, có lẽ ông Khải đã không bỏ vào đây những khoản đầu tư lớn đến như vậy.
Sự đồng hành của những nhà đầu tư như ông Khải với Phú Mỹ Hưng là hoàn toàn thuận lợi, nhịp nhàng, không có bất cứ vướng mắc, cản trở nào. Các đối tác thiện chí và chuyên nghiệp gặp nhau bao giờ cũng tạo được những hiệu ứng tốt đẹp cùng phát triển.
Sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước về căn bản đã chuyển sang kinh tế thị trường. Một bộ phận dân cư giàu lên, những người nghèo ít đi, đó cũng là nguyện vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ từ 67 năm về trước, “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”. Nói đến Phú Mỹ Hưng người ta thường nghĩ đến cung cách quản lý của nước ngoài, phong cách sống của nước ngoài. Nhưng ông Khải bảo rằng người nước ngoài ở Phú Mỹ Hưng đúng là nhiều nhưng không thể nhiều bằng người trong nước sống ở đây. Với những trường hợp như Khải Silk, người ta lại nghĩ đến đẳng cấp trong nước. Những nhà đầu tư trong nước, lớn như ông Khải, trung bình như anh Beo, không chỉ có thể “sánh vai” với các nhà đầu tư trên thế giới mà hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất mà thế giới có thể làm được.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.