Kinh tế phục hồi nhưng nổi lên khó khăn mới

Mặc dù ghi nhận những kết quả điều hành kinh tế - xã hội khá tích cực của Chính phủ trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, nhưng tại phiên họp tổ hôm qua (25.5), nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về một loạt vấn đề.

Mặc dù ghi nhận những kết quả điều hành kinh tế - xã hội khá tích cực của Chính phủ trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, nhưng tại phiên họp tổ hôm qua (25.5), nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về một loạt vấn đề.

Kinh tế phục hồi nhưng nổi lên khó khăn mớiĐại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
Nông nghiệp gặp khó
Đại biểu (ĐB) Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH (đoàn Đà Nẵng), nói: “Sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn cả về tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu. Giá cả nông sản giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm khiến nông dân gặp khó khăn”. Ông Nam cho rằng cần đánh giá đầy đủ tình hình thực tế về cơ cấu sản xuất cây lương thực và thực phẩm, kể cả diện tích đất trồng lúa.
Cũng về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: “Tình trạng người dân bức xúc vì không bán được sản phẩm, thương lái Trung Quốc thu mua trực tiếp, lũng đoạn thị trường là có tình trạng quản lý nhà nước bị buông lỏng. Vì vậy, Chính phủ cần xác định trách nhiệm và có giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng này”. Cũng theo ĐB Khá, Chính phủ cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh lo lắng: “Vừa qua, tỉnh Bình Thuận cho biết sản lượng thanh long đang tăng rất mạnh, vì dân thấy có lợi nên làm. Cứ làm như vậy, không theo quy hoạch, sao không ế?”. Theo Bộ trưởng Vinh, “vấn đề nông nghiệp cần bàn căn cơ hơn, ngay trong năm nay để có nhìn nhận đầy đủ về thị trường, về sản xuất trong nước, phải xem những khu vực thường xuyên hạn như Bình Thuận, Ninh Thuận, có nên trồng lương thực không?”. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa nhận: “Xuất khẩu nông sản phụ thuộc rất nhiều vào chính sách. Vai trò của các cơ quan nhà nước rất quan trọng trong định hướng thị trường nhưng vẫn có những rủi ro ngoài ý muốn”.
Chưa có “bài thuốc” nào hiệu nghiệm
ĐB Thân Đức Nam cũng tỏ ý lo ngại khi trong 4 tháng đầu năm, nhập siêu đã tăng mạnh trở lại, tương ứng với 6% kim ngạch xuất khẩu, vượt ngưỡng 5% mà QH đề ra. “Nguyên nhân cơ bản vẫn do chúng ta chưa thay đổi tình trạng công nghiệp gia công kéo dài quá lâu. Tôi e rằng, trong những tháng cuối năm, nhập siêu sẽ tăng cao hơn nữa, tác động đến tỷ giá VND”, ông Nam cảnh báo.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, ĐB Trần Du Lịch tham gia ý kiến: “Đây là bệnh trầm kha của cơ cấu kinh tế chứ không phải do điều hành giỏi hay dở”. “Nhiều năm chúng ta đặt vấn đề tái cấu trúc, công nghiệp hỗ trợ, không phụ thuộc quá nhiều tất cả nguồn nguyên liệu... Trước Đại hội 11 còn đặt ra cả một chương trình để giảm nhập siêu nhưng tới nay chúng ta đều thấy rằng chưa có “bài thuốc” nào hiệu nghiệm cả. Tới đây nếu đầu tư trở lại, kinh tế tăng thì nhập siêu cũng sẽ tăng nhanh”, ĐB Lịch nói.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Nhiều ĐB lo lắng về tình trạng Trung Quốc tiến hành cải tạo trên phần đảo chiếm của VN, tiếp tục xua đuổi tàu cá của ngư dân. ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) nói: “Hiện nay Trung Quốc mở rộng lấn chiếm đảo làm người dân không an tâm, đề nghị Chính phủ thường xuyên thông tin cho dân biết chủ trương quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền”. Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) tỏ ý sốt ruột: “Trung Quốc đã làm như thế, ngư dân bị tấn công như thế mà ta, cái chương trình đóng tàu vỏ sắt hơn 1 năm rồi chưa làm được”. Sự chậm trễ này, theo ông Hoàng là rất đáng trách, cần làm rõ trách nhiệm, phê bình, kể cả cấp bộ trưởng.
Cũng theo trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính phủ cần dành nguồn lực thích đáng để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ: "Bế tắc đầu ra nông sản không phải vấn đề quy hoạch"
Mặc dù khá nhiều ý kiến thảo luận của ĐBQH, kể cả Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư và Bộ trưởng Công thương cho rằng, việc giải quyết đầu ra cho nông sản như dưa hấu, thanh long... khó khăn có phần do sản xuất vượt quy hoạch, nhưng Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ lại không cho là như vậy. Ông nói: “Nhiều người nói rằng chuyện dưa hấu, hành tím vừa rồi chủ yếu là do vấn đề quy hoạch, kế hoạch. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Ví dụ như với đất cát của bà con Quảng Nam thì chỉ trồng dưa hấu thôi chứ có trồng được cây gì khác nữa đâu, trồng dưa hấu là tối ưu rồi. Chúng tôi lên cửa khẩu thì thấy bán dưa hấu sang Trung Quốc (TQ) cũng chưa đáng bao nhiêu, trong khi thị trường TQ còn rộng lớn lắm".
"Trong khi đó vải thiều, nhãn Hưng Yên người ta mua hết từ lúc mới ra hoa, khi thu hoạch được phân loại tại vườn, đóng gói và lên xe chở sang TQ rất ngon lành. Thanh long cũng được thu hoạch, phân loại tại vườn nên không ách tắc lắm. Riêng dưa hấu khối lượng vận tải lớn mà giá trị thì cực nhỏ, chở cả xe sang chợ của TQ người ta lại vỗ từng quả dưa để chọn. Thông quan cũng khó khăn. Cho nên vấn đề đâu chỉ là sản xuất, mà còn là công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận tải, tiêu thụ..., tôi nghĩ những chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể làm được”, ông Huệ lập luận.
Cũng theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. "Nơi nào nông dân có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn. Ví dụ như những cánh đồng mẫu lớn của bà con nông dân gắn với Công ty bảo vệ thực vật An Giang, hoặc sữa gắn với Vinamilk thì sản xuất rất ổn định, thị trường bền vững”, ông Huệ nói. Theo ông, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với các hợp đồng nông sản.
Cũng theo ông Huệ, cần có chính sách đầu tư hạ tầng tại các cửa khẩu thương mại, đặc biệt là các khu trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng hóa.
Ông Huệ thừa nhận “đây không phải là vấn đề quy hoạch, cũng đừng đổ lỗi cho bà con, đây là lỗi của chúng ta”. Cần phải tổ chức lại thương mại trong nước, gắn với thương mại biên giới.
M.Q
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.