Kinh doanh trên mạng tăng mạnh

01/06/2012 03:10 GMT+7

Trong cơn lốc khó khăn kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng tìm kiếm các kênh bán hàng hiệu quả hơn thay vì cắt giảm hoặc “án binh bất động” chờ kinh tế phục hồi...

Cùng online

Một hình thức đang được DN lựa chọn đó là mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử để tiết giảm chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, điện, nước… Có DN đạt tăng trưởng 30% sau khi mở bán trên sàn trong thời gian ngắn. Ông C.N.H, Giám đốc một công ty chuyên về sản phẩm cách âm, cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn buộc tôi phải cắt giảm nhiều chi phí, kể cả khâu marketing, tiếp thị. Trước yêu cầu phải tồn tại, chúng tôi mở gian hàng trên một sàn giao dịch online. Bất ngờ là doanh thu sau 2 tháng tăng trưởng đến 30%”.

Kinh doanh trên mạng tăng mạnh  - nd 
Kinh doanh trên mạng đang là xu hướng mới - Ảnh: Q.T

Không chỉ DN, hiện nay nhiều tiểu thương cũng tìm đến với việc kinh doanh online bằng cách ưu đãi hay giảm giá sản phẩm đối với hình thức mua theo nhóm. Nếu như mua bán bình thường, khách hàng được hưởng giảm giá theo kiểu phần trăm, thì tại các diễn đàn mua bán online, mức chiết khấu được ghi cụ thể, đơn vị tính là nghìn đồng. Càng nhiều người cùng mua, sản phẩm càng được giảm giá nhiều. Chẳng hạn, một sản phẩm có giá 70.000 đồng, nếu có 5 khách mua trở lên, giá sẽ chỉ còn 65.000 đồng... Chủ một gian hàng online có nickname mebecongxxx, chuyên kinh doanh mật ong Lục Ngạn, cho biết: “Việc kêu gọi các thành viên tham gia mua bán chung một món hàng, một phần vì kinh doanh ế ẩm, song cũng là cách để quảng cáo cho sản phẩm, bán được nhiều hàng hơn. Qua đó, người mua cũng dễ tìm được hàng giá rẻ”.

Theo Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB - đại lý ủy quyền tại VN của website thương mại trực tuyến Alibaba.com, hiện số lượng thành viên VN đã lên đến 200.000 DN, chiếm gần 1% trong tổng số hơn 25 triệu thành viên quốc tế trên Alibaba.com đến từ 240 quốc gia. Tốc độ tăng trưởng hằng năm về số lượng thành viên VN trên Alibaba.com vào khoảng 27% và trung bình mỗi tháng có hơn 3.500 thành viên VN mới tham gia. Đây là con số ấn tượng, thể hiện sự nhạy bén của DN VN trong việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ xuất khẩu.

Khan hiếm nguồn nhân lực

Mặc dù DN sẵn sàng dành ngân sách cho một vị trí chuyên về TMĐT hay marketing trực tuyến  quốc tế, nhưng thực tế vẫn phải để các nhân sự hiện tại đảm nhiệm luôn các công việc này, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Theo thống kê của VietnamWorks.com, một trong những website việc làm phổ biến hiện nay, tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng của ngành internet/Online Media trong 3 năm 2009-2011 đạt 2043%. Đến tháng 5.2012, nhu cầu tuyển dụng của ngành này chiếm gần 4,9% trong tổng số nhu cầu trên VietnamWorks.com. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển dụng trong các ngành nghề cơ bản như bán hàng là 17,5%, marketing là 12,5% và kế toán/kiểm toán 7,8%. Như vậy, dù chỉ mới bắt đầu phát triển trong một vài năm trở lại đây nhưng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực TMĐT đang giữ một tỷ trọng không nhỏ trên thị trường tuyển dụng và đang có xu hướng gia tăng.

Trong một báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào tháng 5.2012, cả nước hiện có 468.300 DN đang hoạt động, với mục tiêu 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của DN, nếu mỗi DN cần ít nhất 1 kỹ thuật viên TMĐT, tổng số kỹ thuật viên cần có đến năm 2015 vào khoảng gần 380.000 người. Tuy nhiên, mức cung hiện nay lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc điều hành Công ty Nhân Minh, chia sẻ: “Tiêu chí tuyển dụng nhân viên TMĐT quốc tế của DN hiện nay không chỉ thông thạo về ngoại ngữ để thực hiện các thao tác giao dịch trực tuyến với các đối tác, mà còn phải có hiểu biết về các thị trường tiềm năng và kinh nghiệm giao thương quốc tế. Bên cạnh đó, kiến thức về dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố không thể thiếu. Chính vì yêu cầu ngày càng cao nên nguồn nhân lực khó đáp ứng đủ”. Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB kiến nghị: “Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc ứng dụng TMĐT của DN hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo trong các cơ sở trên cả nước thì các chương trình đào tạo ngắn hạn, bổ sung mang tính thực tế phù hợp với nhu cầu của các DN cần được khai thác tối đa”.  

Quang Thuần

>> Gửi Quà tặng âm nhạc trên chuyên trang của Thanh Niên Online 
>> Xử lý 3 người mua, bán thông tin cá nhân trái phép
>> Đường dây mờ ám về thương mại điện tử
>> Đường dây lừa đảo qua mạng Colony: Hàng trăm sinh viên Cần Thơ "nhúng chàm
>> Thêm một cầu nối thương mại điện tử
>> Đưa phim, ảnh riêng tư lên mạng: Các vấn đề pháp lý liên quan 
 

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.