Kiên trì siết nhập khẩu hàng xa xỉ

07/06/2011 01:56 GMT+7

Siết chặt nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô phù hợp với cam kết gia nhập WTO là biện pháp cần thiết để giảm nhập siêu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong buổi giao ban tháng 6 của Bộ Công thương sáng 6.6.

Biện pháp lâu dài

Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Thông báo 197 của Bộ Công thương (về việc điều chỉnh nhập khẩu với nhóm mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động chỉ được thông quan qua đường biển tại ba cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM) có hiệu lực từ 1.6, nhưng tính đến thời điểm này, Bộ chưa nhận được ý kiến phản ánh vướng mắc nào từ cơ quan hải quan trong việc làm thủ tục nhập khẩu.

 

 Thông tư 20 của Bộ Công thương có hiệu lực từ 26.6 sẽ siết chặt nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ - Ảnh: Đ.N.T

Riêng với Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô dưới 9 chỗ sẽ có hiệu lực từ 26.6 tới, Bộ Công thương vẫn sẽ kiên trì thực hiện, dù thông tư này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các DN nhập khẩu ô tô. Mới đây, các DN nhập khẩu ô tô đã gửi kiến nghị lên Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, cho rằng các quy định này sẽ làm nhiều DN phá sản, đồng thời đề xuất kéo giãn thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Chinh, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 5 đã có 18.000 xe ô tô dưới 9 chỗ nhập về VN, với tổng số 200 DN tham gia nhập khẩu, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp FDI, nên số DN nhập khẩu bị ảnh hưởng không nhiều. Chưa kể, trong số đó, hơn 100 DN nhập khẩu dưới 50 chiếc, trung bình nhập 10 - 20 chiếc/tháng.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, với việc mỗi năm VN nhập khoảng 30.000 xe ô tô mới dưới 9 chỗ, sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD, trong khi số lượng người tiêu dùng được phục vụ không nhiều. “Đại đa số người tiêu dùng VN không sử dụng xe ô tô, mà chỉ tập trung ở một số nhóm người, do đó việc hạn chế là cần thiết khi hạ tầng của VN còn nhiều bất cập, tình trạng ùn tắc giao thông ngày một tăng”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng khẳng định, Thông tư 20 không chỉ là việc làm trước mắt để thực hiện mục tiêu siết nhập siêu, mà sẽ được thực hiện lâu dài nhằm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tới đây, sẽ có nhiều văn bản tương tự do các bộ ngành khác ban hành để thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, theo ông Chinh, về dài hạn việc thắt nhập siêu vẫn rất khó khăn, với giá dầu và giá nguyên liệu thế giới cao như hiện nay, khó giữ kim ngạch nhập khẩu dưới 9 tỉ USD/tháng. Trong khi xuất khẩu đang không có nhiều khả quan do các DN xuất khẩu ngấm đòn lãi suất cao.

Theo quy định tại Thông tư số 20, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc về thị trường phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này phải do cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.

EVN lại đề xuất tăng giá điện

Tại buổi giao ban, ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết, khó khăn lớn nhất của EVN hiện nay là vốn. Dự án thủy điện Lai Châu thiếu vốn nên chưa thanh toán được cho nhà thầu, dự án Duyên Hải 2 do không thu xếp được 15% vốn đối ứng nên vẫn chưa giải ngân được khoản vay.

Đây là lý do ông Thành kiến nghị lên Bộ Công thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn Quyết định 24 điều chỉnh giá điện theo thị trường của Thủ tướng Chính phủ, đưa phần lỗ của EVN năm 2010 vào trong cấu thành điều chỉnh giá điện, vì phần lỗ này vẫn chưa được hạch toán. “Nếu không sớm điều chỉnh giá điện, sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn cho các nhà máy điện”, ông Thành nói.

Phó TGĐ EVN cũng cho biết, tháng 7, tháng 8 cung ứng điện sẽ khả quan hơn nữa. Hiện nước về các hồ thủy điện cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6 EVN lập kế hoạch không tiết giảm điện, nhu cầu điện tăng hơn 20 triệu kWh/ngày so với tháng 5, nhưng vẫn sẽ đáp ứng đủ do đưa vào vận hành một số nhà máy điện mới, và các nhà máy thủy điện hoạt động tốt nhờ nước về nhiều.

Cũng tại buổi giao ban, bà Đàm Thị Huyền, Phó TGĐ Petrolimex đề nghị Liên bộ Tài chính - Công thương cần đưa vào sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều tiết giá đầu ra. Hiện Lào, Campuchia đã có hai lần điều chỉnh giá xuống, chênh lệch biên giới gần bằng nhau, nhưng nguy cơ giá xăng dầu VN có thể cao hơn các nước trong khu vực dẫn tới tình trạng thẩm lậu ngược.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.