Kiểm tra các yếu tố hình thành giá gas

03/12/2013 03:00 GMT+7

Liên quan đến giá gas, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều qua 2.12, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu do giá gas thế giới tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Bộ Công thương cũng đồng tình với giải pháp để giảm giá gas mà Hiệp hội Gas đưa lên Bộ Tài chính là giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% hiện nay xuống 0%”. Ông Chiến cho biết Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas, làm rõ các yếu tố hình thành giá...

Liên quan đến giá gas, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều qua 2.12, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu do giá gas thế giới tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. Bộ Công thương cũng đồng tình với giải pháp để giảm giá gas mà Hiệp hội Gas đưa lên Bộ Tài chính là giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% hiện nay xuống 0%”. Ông Chiến cho biết Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas, làm rõ các yếu tố hình thành giá...

 Giá gas tăng cao
Giá gas tăng cao gây bức xúc trong dư luận - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hiện gas sản xuất trong nước chiếm gần 50% nhu cầu, hơn 50% còn lại từ nhập khẩu. 6 tháng/lần sẽ tiến hành đấu giá giữa các DN có quyền xuất nhập khẩu gas. Đại diện Bộ Công thương khẳng định “không có chuyện lợi dụng lợi ích trong việc đấu giá này” vì phải tuân thủ quy định của Bộ Tài chính.

Về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc (TQ), bà Nguyễn Việt Chi, Vụ phó Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương), cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ liên quan đưa ra nhiều biện pháp xử lý tình trạng này và đã đạt kết quả. Tốc độ nhập tăng nhập siêu từ 85% bình quân giai đoạn 2001 - 2008 xuống 17% từ 2009 - 2013, tỷ lệ giữa giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng giảm từ 25% giai đoạn 2000 xuống 3% hiện nay, cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển biến với tỷ trọng mặt hàng công nghiệp cao tăng từ 10 lên 40% vào năm 2012 (năm 2013 sẽ tăng trên 50%), nhóm nguyên nhiên liệu khoáng sản giảm từ 55% xuống 18%. Việc nhập khẩu nhiên, nguyên liệu sản xuất từ TQ chiếm tới 70 - 80% kim ngạch nhập khẩu, nên Bộ Công thương chỉ kiểm soát nhóm hạn chế nhập khẩu như trong nước đã sản xuất được và nhóm tiêu dùng. “Giải pháp kỹ thuật là hoàn thiện tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật đặc biệt với hàng hóa máy móc nhập khẩu, rau quả thực phẩm…”, bà Chi nói.

Tuy nhiên, dù mức tăng theo báo cáo có giảm, nhưng con số thực tế đang báo động. Nếu nhập siêu từ TQ năm 2012 là 16,7 tỉ USD thì 10 tháng đầu năm nay đã là 19,6 tỉ USD, cho thấy chênh lệch trong cán cân xuất nhập khẩu giữa VN và TQ đang ngày càng giãn rộng thêm; đồng thời cho thấy sự phụ thuộc nhiên, nguyên vật liệu từ TQ của sản xuất trong nước ngày càng tăng mạnh, trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Liên quan đến vụ việc giữa Hiệp hội Mía đường và Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: “HAGL đề xuất nhập khẩu đường của họ từ Lào về tinh luyện và xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bát Xát (Lào Cai) sang TQ, cũng tương tự phương án đường sản xuất trong nước xuất qua cửa khẩu này. Biên Hòa là nhà máy duy nhất có công nghiệp chế biến đường tinh luyện từ đường thô, HAGL cũng cam kết xuất khẩu toàn bộ, không để thẩm lậu ảnh hưởng đến đường trong nước, vì thế việc tạm nhập tái xuất này không ảnh hưởng gì đến tiêu thụ mía đường của nông dân cũng như sản xuất đường trong nước”.

Mai Hà

>> Gas tăng 78.000 đồng/bình 12 kg
>> Từ 1.11, gas tăng 18.000 đồng/bình 12 kg
>> Biến lục bình thành gas

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.