Không ôm mãi cây lúa

10/06/2013 03:30 GMT+7

Với thu nhập từ cây lúa ngày càng thấp, nông dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tự chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng thu nhập.

Với thu nhập từ cây lúa ngày càng thấp, nông dân nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tự chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng thu nhập.

Mức sống cải thiện rõ rệt

Vụ đông xuân 2012 - 2013, nông dân thị trấn Cái Dầu (H.Châu Phú, An Giang) đã chuyển đổi hơn 100 ha đất lúa sang trồng đậu nành rau. Nông dân Tống Hồ Thi Thơ phấn khởi nói: “Hiện giá đậu là 14.500 đồng/kg, tụi tôi lãi từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Nhiều nông dân trồng đậu năng suất rất cao, trên 1 tấn/ha, cá biệt có người từ 1,5 - 3 tấn/ha”.

Không ôm mãi cây lúa
Nhiều nông dân H.An Phú (An Giang) đã trồng các hoa màu khác để thay lúa - Ảnh: Anh Phan

Điều khiến người dân an tâm trồng đậu nành rau là HTX nông nghiệp Thành Lợi (thị trấn Cái Dầu) đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm cho nông dân. Ông Trần Minh Phương, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Dầu, cho biết cây đậu nành rau đã giải quyết việc làm hằng ngày cho từ 200 - 300 lao động, thu nhập bình quân 100.000 đồng/người/ngày. “Đây là cơ sở để thị trấn chuyển đổi 100% diện tích lúa theo mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu”, ông Phương khẳng định.

 

Tụi tôi quan tâm khâu tiêu thụ sản phẩm, có doanh nghiệp hợp đồng mới triển khai trồng cây, chứ không thể làm bừa. Ai cũng biết, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu là có lợi, song khâu tiêu thụ cũng không phải chuyện đơn giản

Ông Nguyễn Văn Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Văn Giáo, H.Tịnh Biên, An Giang

Ở cánh đồng đầu nguồn xã biên giới Phú Hữu (H.An Phú), ông Kiều Văn Liền, Chủ nhiệm CLB khuyến nông Phú Hữu, cho hay thế mạnh của xã là cây bắp lai gieo trồng chạy lũ tháng 8, mỗi năm diện tích dao động khoảng 2.000 ha. Kế đến có cây đậu phộng trên đất pha cát 150  - 250 ha ven bờ kinh Bảy Xã; rồi cây mè cũng vài chục héc ta. Việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu được nông dân các Vĩnh Trường, Khánh An, Khánh Bình... đã được ứng dụng từ nhiều năm nay.

Theo ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân H.Chợ Mới, thu nhập của dân địa phương hiện tại đạt 44,64 triệu đồng/người/năm, tăng 26,58 triệu đồng so với năm 2008. Kết quả này đạt được nhờ nông dân đã chủ động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, vừa giảm bớt diện tích 3 vụ lúa/năm, chuyển sang trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu/năm. Nhờ vậy, giá trị bình quân trên mỗi héc ta đất sản xuất của huyện đạt 100 - 150 triệu đồng/ha/năm, riêng cánh đồng rau màu chuyên canh ở xã Kiến An vượt 200 triệu đồng/ha/năm.

Khai thác thế mạnh đất đai

Toàn vùng Bảy Núi (An Giang) có trên 7.500 ha đất gò, ven triền núi, vùng đồng bào Khmer. Thông qua huấn luyện kỹ thuật và chuyển giao các mô hình sản xuất tiên tiến, nông dân các xã, thị trấn đã chuyển đổi trên 2.500 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng vườn cây ăn trái, như: xoài, mãng cầu, dừa, bơ, tre lấy măng... chuyên canh và xen canh. Ông Chau Pho La (ấp Soài Chếk, xã An Cư, H.Tịnh Biên) có 17 công ruộng lúa mùa đặc sản kể, do thời tiết làm mỗi năm chỉ có 1 vụ lúa, năng suất thấp, đời sống gia đình luôn gặp khó khăn. Từ ngày chuyển qua trồng rau dưa, 2 vụ lúa ngắn ngày thì thấy sinh hoạt đời sống gia đình đỡ hơn. “Bây giờ, đất ruộng lúa mùa ở đây đều mần 2 vụ lúa cộng 1 vụ màu, sau khi trừ chi phí vẫn còn dư. Mà, lao động không phải đi xa nhà”, ông La tính toán.

Các nhà nông vùng này nhẩm tính, mỗi công đất trồng dưa leo (trong 60 ngày) cầm chắc trong tay 2,5 triệu đồng; người nào làm giỏi, năng suất trúng hơn thì còn lời cao nữa. Sau đó, đón mưa già đổ xuống tiếp tục sạ lại 2 vụ lúa ngắn ngày, kiếm lời cũng được 1 - 1,5 triệu đồng/công. Đối với đồng bào Khmer, ai cũng quen thuộc “phép tính” đơn giản này, bởi được lợi cho gia đình, mà đất đai không bỏ trống như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Văn Giáo, cho hay xã hoạch định chọn 50 - 80 ha ở 2 ấp Mằng Rò và Đây Cà Hom để xây dựng “cánh đồng mẫu” rau màu và sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Cây màu ở đây, chú trọng đậu phộng, mè, bắp... và rau dưa; tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với kỹ thuật, chuyển giao biện pháp canh tác tốt, sẽ phát triển mô hình rộng rãi. Ông Huệ bày tỏ: “Tụi tôi quan tâm khâu tiêu thụ sản phẩm, có doanh nghiệp hợp đồng mới triển khai trồng cây, chứ không thể làm bừa. Ai cũng biết, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu là có lợi, song khâu tiêu thụ cũng không phải chuyện đơn giản”.

Xen canh mè trên đất lúa

Khoảng 5 năm trở lại đây, các nông dân vùng làm lúa 3 vụ ở Q.Ô Môn (TP.Cần Thơ) đã tăng hiệu quả kinh tế trên đồng đất của mình bằng cách trồng xen canh 1 vụ mè giữa 2 vụ lúa, thay vì làm 3 vụ lúa như trước đây. Ông Trần Thanh Sang, Phó chủ tịch UBND P.Thới Long (Q.Ô Môn), cho biết cây mè thích hợp với thổ nhưỡng ở đây nên rất dễ canh tác, lại cho năng suất cao. Bình quân mỗi công mè cho thu hoạch khoảng 180 - 200 kg, thương lái đến tận ruộng mua với giá 32.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư mỗi công mè gần 2 triệu đồng, nông dân lời từ 3 - 4 triệu đồng/công. Trong khi đó, nếu trồng lúa hè thu chi phí trên 2 triệu đồng/công, trúng lắm thì cũng chỉ thu hoạch được khoảng 600 kg lúa. Tính bình quân giá lúa khô 5.000 đồng/kg thì mỗi công lúa người dân chỉ còn lời chưa quá 1 triệu đồng. Toàn phường có 860 ha đất trồng lúa, đã có 619 ha được người dân chuyển sang trồng mè.

T.Trình

Ngành nông nghiệp không thể cứ chạy theo sự vụ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nói như vậy tại hội nghị về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức ở Hà Nội. Bộ trưởng Phát cho rằng, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn chẳng hạn như lúa của người nông dân các tỉnh ĐBSCL chín đầy đồng nhưng không có người mua, cá tra không bán được, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng nề... Các vấn đề nóng bỏng này sẽ không được giải quyết một cách căn cơ nếu ngành nông nghiệp tiếp tục chạy theo các tình huống, trong khi nông nghiệp và nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức lớn khi mà nông dân vẫn đang cần mẫn trên đồng ruộng nhưng hiệu quả thu về chưa cao, được mùa thì lại mất giá, dịch bệnh và thiên tai luôn rình rập, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tốc độ tăng trưởng giảm dần, tỷ lệ đói nghèo nhiều nơi còn cao, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn, ô nhiễm môi trường nhiều nơi ở mức nghiêm trọng... 

Quang Duẩn

Anh Phan

>> Đột phá ngành nông nghiệp: Thay thế cây lúa?
>> PGS-TS Võ Công Thành: Thoát hiểm cho cây lúa
>> Cây lúa và người nông dân
>> Xuống ruộng học về cây lúa
>> Tôn vinh nông dân và cây lúa
>> Cây lúa Việt Nam chuyển mình trong thuở đất nước thái bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.