Khổ vì quy định xây dựng chỏi nhau

24/03/2011 00:11 GMT+7

Quy định pháp luật về xây dựng (XD) liên tục thay đổi, chồng chéo, thậm chí “chỏi” nhau gây khó khăn cho cơ quan quản lý lẫn người dân... là những nội dung được bàn luận trong buổi tọa đàm do Bộ Tư pháp chủ trì, tổ chức tại TP.HCM ngày 22.3.

"Trói tay" lực lượng thực thi

Ông Đoàn Nhật - Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho rằng, Nghị định (NĐ) 23/2009 của Chính phủ (về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực XD) thay thế NĐ cũ đã tăng mức phạt tiền và điều chỉnh một số quy định không phù hợp. Tuy vậy, vẫn còn những điểm chưa rõ ràng, chưa sát thực tế. Chẳng hạn, NĐ quy định công trình vi phạm XD gồm nhà ở riêng lẻ và "công trình khác", trong đó mức phạt cho "công trình khác" từ 30 - 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nhà ở riêng lẻ. Song thực tế tại địa phương, "công trình khác" bao gồm cả các công trình XD tường rào, ki-ốt bán hàng hóa nhỏ lẻ... nên việc áp dụng mức phạt như trên là không phù hợp. Theo ông Nhật, cần quy định cụ thể khái niệm "công trình khác" với các mức độ vi phạm và mức phạt tương ứng phù hợp. Nếu không thì bao nhiêu công trình nhỏ lẻ khi xây sai phép đều áp mức phạt 30 - 40 triệu đồng và đều phải chuyển UBND TP xử phạt.

 
Nhiều quy định pháp luật về xây dựng còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho việc thực thi - Ảnh: D.Đ.Minh 

Mặt khác, NĐ 180/2007 (về xử lý vi phạm trật tự XD) quy định, nếu chủ đầu tư công trình vi phạm không chịu ngừng thi công thì được tiến hành cưỡng chế sau 3 - 10 ngày (tùy loại công trình) và trước khi cưỡng chế phải lập phương án tháo dỡ. Tuy nhiên, nhiều khi chỉ trong một đêm chủ đầu tư đã hoàn thiện công trình, gây khó khăn cho việc cưỡng chế. Ông Nhật kiến nghị tùy đặc thù địa phương có thể cho phép lực lượng thanh tra được tháo dỡ công trình vi phạm ngay khi lập biên bản. Theo ông Nhật, cần có quy định về các trường hợp "gây hậu quả nghiêm trọng" trong hoạt động XD và quản lý đất đai để truy tố hình sự các đối tượng đầu cơ đất có tổ chức.

Bà Hồ Thị Kim Loan - Chánh thanh tra Sở XD TP.HCM, cũng cho rằng quy định hiện nay đang "trói tay" các lực lượng kiểm tra và xử phạt. Chẳng hạn, tình trạng xây nhà sai phép, không phép xảy ra tại từng địa phương, song thực tế chủ tịch xã, phường, thị trấn lại không thể xử phạt, do chỉ có thẩm quyền phạt đến 2 triệu đồng vì vậy đều đẩy lên cấp quận, huyện gây quá tải. Tương tự, với mức xử phạt sai phép trên 30 triệu đồng thì cấp quận huyện và sở không đủ thẩm quyền xử phạt, phải dồn lên TP. Sau đó, TP lại ủy quyền cho Sở XD tham mưu, khiến cho hồ sơ xử phạt phải đi lòng vòng.

Luật mù mờ và bất cập

Đánh giá thực trạng XD sai phép, không phép thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở XD TP.HCM, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do quy định pháp luật chưa thực sự kín kẽ, rõ ràng và nghiêm minh. Theo ông Hiệp, thực tế hiện nay là luật có rồi nhưng NĐ, thông tư hướng dẫn chưa thấy đâu. Đồng thời, các văn bản (VB) luật quá nhiều, trong khi VB sau không cập nhật VB trước nên cùng một vấn đề, người dân phải tham khảo quá nhiều VB liên quan. "Đáng nói là, một VB đưa ra cũng nhanh chóng lạc hậu, nhiều trường hợp chỉ sau vài tháng đã phát sinh bất cập và phải sửa đổi. Điều này khiến việc thực thi trong thực tế trở nên lỡ dở giữa cái cũ và cái mới. Do đó, cần đặt trách nhiệm của cán bộ soạn thảo, ban hành các quy định pháp luật", ông Hiệp thẳng thắn.

Một bất cập khác, theo ông Hiệp, là tình trạng "đá nhau" giữa các VB luật, khiến cơ quan thi hành "không biết đâu mà lần". Chẳng hạn, Luật XD quy định nhà thầu chính phải thực hiện phần việc chính của gói thầu, trong khi Luật Đấu thầu chỉ yêu cầu nhà thầu chính là đơn vị đứng tên trong hợp đồng - nghĩa là cho phép nhà thầu chính chuyển hầu hết các công tác thực hiện (kể cả công tác phức tạp nhất) cho các thầu phụ ngay sau khi ký hợp đồng; nên dù Bộ luật Hình sự đã quy định về tội danh "bán thầu", song thực tế không xử lý được. Hay Luật XD bắt buộc công trình XD mua bảo hiểm tư vấn, song Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định việc mua bảo hiểm là tự nguyện... 

Bà Dương Thị Thanh Mai - chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp, thừa nhận, hệ thống luật về XD hiện còn rườm rà, thiếu chặt chẽ. Nguyên nhân do sự chưa chuyên nghiệp của bộ phận soạn thảo. "Sắp tới Bộ Tư pháp sẽ soạn thảo, kiến nghị ban hành Pháp lệnh về hợp nhất VB quy phạm pháp luật, trong đó rà soát, hợp nhất các VB liên quan theo hướng VB sau phải cập nhật VB trước, để người dân chỉ cần cầm một VB để thi hành", bà Mai nói.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.