Khó bình ổn giá thịt heo

02/08/2011 23:28 GMT+7

Ngày 2.8, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp bình ổn giá thịt heo, tuy nhiên, mục tiêu hạ nhiệt cấp thời mặt hàng này có vẻ như bất khả thi.

Giá thịt heo phía Bắc đang cao hơn phía Nam gần 10.000 đồng/kg - ảnh: H.V

Tuy số lượng thịt sản xuất so với cùng kỳ năm trước tăng 6,67% nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt trong tháng 6 và tháng 7, khiến giá thịt tăng cao. Mặt khác, sản lượng thịt sản xuất ra không đều giữa các vùng, ở miền Nam cung đủ cầu, nhưng ở miền Bắc cung lại thấp hơn cầu vì vậy các thương lái vẫn chuyển sản phẩm thịt từ miền Nam ra cung cấp cho thị trường miền Bắc do giá heo hơi ở các khu vực này chênh lệch gần 10.000 đồng/kg.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất giống

“Các cơ sở sản xuất giống hiện nay được Nhà nước dành cho rất nhiều ưu đãi, tại sao lại để xảy ra tình trạng khan hiếm giống và đẩy giá bán cao như vậy? Cục Chăn nuôi phải kiểm tra lại, nếu các cơ sở này làm không tốt thì phải có biện pháp xử lý”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nói.

Ông cũng phê bình Cục Chăn nuôi chưa có mối liên hệ chặt chẽ với DN, tham mưu cho Bộ chưa chính xác và hiện tại không có giải pháp nào để tháo gỡ một cách cụ thể và khả thi. Để kiềm chế giá thịt gia tăng, ông Diệp Kỉnh Tần kêu gọi các DN và trang trại tiếp tục vận chuyển heo ra phía Bắc để cung cấp cho thị trường này với mức giá hợp lý. Cục Chăn nuôi trong vòng một tháng phải tổ chức tiếp một cuộc họp về liên kết phát triển chăn nuôi, hình thành chuỗi sản xuất để giảm giá thành và bình ổn thị trường.

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho hay, giá thu mua heo hơi sau khi giảm về mức 55.000 - 56.000 đồng/kg cách đây 3 - 4 tuần đã tăng trở lại xấp xỉ 60.000 đồng/kg như thời điểm cuối tháng 4. Nguyên nhân là do heo đang được thu mua để chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào gia tăng đã thiết lập mặt bằng giá mới đối với tất cả sản phẩm chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, mục tiêu của Bộ là tìm giải pháp “hạ nhiệt” ngay thị trường thịt heo, tuy nhiên, nhiều ý kiến của DN tại cuộc họp đều cho rằng, trước mắt và ngay cả 6 tháng tới, việc giảm giá thịt heo là hết sức khó khăn.

Ông Chung Kim, Giám đốc một công ty chăn nuôi ở Bình Dương, phát biểu: “Chúng ta không có gì trong tay cả mà nói là muốn giảm giá thịt heo. Theo tôi, từ nay tới tết, muốn bình ổn giá thịt heo là không khả thi, bởi điều này phải chuẩn bị từ năm trước, phải liên kết sản xuất, tiêu thụ thành một chuỗi thì may ra mới hạ được giá thành”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Tấn An - Phó TGĐ Công ty Vissan - nói: “Giá thịt heo tăng hiện nay, tôi có thể khẳng định 70% là tăng ảo, nhưng chúng tôi buộc phải chạy theo giá thị trường để có nguồn cung. Thành phố hỗ trợ vốn cho DN bình ổn giá, thực chất chỉ là bình ổn phần ngọn, bởi giá bán không phải là nhà phân phối hay nhà chế biến quyết định. Giá thịt heo không thể kiềm chế nổi như hiện nay, chính là do các khâu chăn nuôi, sản xuất thức ăn và chế biến còn quá rời rạc. Phải tạo được chuỗi hệ thống từ chăn nuôi đến tiêu thụ để Nhà nước có thể hỗ trợ vốn, giống, thông qua đó mới có thể bình ổn thị trường, kiểm soát giá”.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, nhận định: “Việc giá heo tăng cao là do hậu quả của ngành nông nghiệp không quan tâm đến chăn nuôi. Khi giá thấp, không bao giờ có cuộc họp bàn cho giá lên, nhưng giá cao lại có họp khẩn cấp lập tức để kéo giá xuống… Hiện giá con giống ở VN cao, tại sao không cho nhập khẩu ở nước láng giềng với giá thấp chỉ bằng một nửa, điển hình là giá gà giống trong nước 26.000 - 28.000 đồng/kg, trong khi ở Thái Lan giá chỉ 13.000 - 14.000 đồng/con 1 ngày tuổi”.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.