Hợp tác xã triệu đô

31/08/2015 06:09 GMT+7

Thực hiện liên kết sản xuất với nông dân và tiêu thụ với doanh nghiệp đã giúp cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng - gọi tắt Anh Dao Co-op) vươn lên trở thành thương hiệu rau sạch mạnh với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Thực hiện liên kết sản xuất với nông dân và tiêu thụ với doanh nghiệp đã giúp cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng - gọi tắt Anh Dao Co-op) vươn lên trở thành thương hiệu rau sạch mạnh với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Giám đốc Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa giới thiệu sản phẩm với khách hàng
Giám đốc Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa giới thiệu sản phẩm với khách hàng - Ảnh: G.B
Nhìn lại thành quả của ngày hôm nay, Giám đốc Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa (42 tuổi) vẫn cảm thấy quá bất ngờ, bởi cách đây 10 năm anh không bao giờ dám mơ tới.
Giám đốc Anh Dao Co-op Nguyễn Công Thừa cho biết, năm 2014, HTX cung cấp ra thị trường 53.000 tấn rau các loại (80% cho hệ thống của Saigon Co.op, còn lại cung cấp cho một số siêu thị khác, các cửa hàng bán lẻ và chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn ở TP.HCM), đạt doanh thu 197 tỉ đồng. Riêng các xã viên, mỗi người có thu nhập từ 1,4 - 3,5 tỉ đồng/năm, các hộ liên kết bình quân cũng được hơn 420 triệu đồng/hộ/năm. Hiện HTX đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư gần 20 xe tải đông lạnh (loại 16 tấn) và cả chục xe tải nhỏ khác để vận chuyển rau, giải quyết việc làm cho 185 lao động thường xuyên với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, năm 2015, Anh Dao Co-op cung cấp ra thị trường khoảng 60.000 tấn rau, doanh thu đạt hơn 200 tỉ đồng.
Là con nhà nông chính tông nên việc trồng rau gắn với Nguyễn Công Thừa từ nhỏ, nhưng vì trồng nhỏ lẻ, cuộc sống của gia đình anh cũng như bao người nông dân khác cứ phập phù bởi cảnh “được mùa mất giá”. Năm 1999, anh Thừa vận động thêm 3 người khác cùng thành lập tổ liên kết sản xuất rau với diện tích 7 ha. Nhưng mô hình này chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm với nhau là chính chứ hiệu quả vẫn giậm chân tại chỗ bởi đầu ra sản phẩm quá bấp bênh.
Không chịu bỏ cuộc, năm 2003, Thừa tiếp tục vận động thành lập Anh Dao Co-op với 7 xã viên do anh làm chủ nhiệm, góp vốn được 100 triệu đồng và 12 ha đất. Đích thân anh lặn lội xuống các chợ ở TP.HCM, Tiền Giang... để kiếm mối bán rau chợ lẻ nhưng cũng không ổn định. Đến năm 2005, ngành chức năng khuyến khích trồng rau an toàn, thấy có triển vọng nên anh chuyển sang trồng theo mô hình này. Nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy vất vả vô cùng.
Người tiêu dùng chưa biết rau an toàn nên phải bán với giá như rau bình thường khiến ai cũng nản. Hằng ngày, anh cùng vợ gánh rau ra các vỉa hè ở TP.Đà Lạt vừa bán vừa giới thiệu rau an toàn để bà con và du khách biết. Rồi dịp may cũng đến, hè năm 2006, vợ chồng anh đang bán rau gánh như vậy thì gặp một phụ nữ ở TP.HCM, cô ấy trò chuyện và giúp anh xuống TP.HCM gặp đối tác Saigon Co.op để bán rau. “Sau khi gặp nhau ít hôm, lãnh đạo Saigon Co.op lên tận Đà Lạt xem hàng, tìm hiểu quy trình sản xuất rau sạch của HTX rồi ký hợp đồng tiêu thụ 1,5 tấn rau các loại/ngày với giá cao hơn rau bình thường 10%. Bắt đầu từ đây, nhờ liên kết với Saigon Co.op mà HTX đi vào chu kỳ làm ăn phát đạt...”, anh Thừa kể.
Hiện nay thương hiệu rau sạch Anh Dao Co-op đã phủ kín khắp các tỉnh, thành trong nước. HTX cũng “phình” lên 22 xã viên với 48 ha đất sản xuất. Không dừng lại ở đó, Anh Dao Co-op chủ động liên kết sản xuất với 90 hộ nông dân ở địa phương, nâng tổng diện tích đất (cả xã viên, hộ liên kết và thuê thêm) trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP lên 270 ha. Đối với những hộ liên kết, HTX cung cấp giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (thu lại vốn vào sản phẩm) và hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.