Hơn 13.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành

30/05/2015 06:00 GMT+7

Hôm qua, trao đổi với báo chí về việc điều tra, khảo sát, chuẩn bị cho giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sân bay Long Thành do Tổng công ty cảng hàng không VN - Bộ GTVT phối hợp Sở TN-MT Đồng Nai tổ chức ở H.Long Thành, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai, cho biết từ tháng 4.2014 UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan của tỉnh điều tra khảo sát, tham vấn các hộ dân trong vùng dự án.

Hôm qua, trao đổi với báo chí về việc điều tra, khảo sát, chuẩn bị cho giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) dự án sân bay Long Thành (SBLT) do Tổng công ty cảng hàng không VN - Bộ GTVT phối hợp Sở TN-MT Đồng Nai tổ chức ở H.Long Thành, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Đồng Nai, cho biết từ tháng 4.2014 UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan của tỉnh điều tra khảo sát, tham vấn các hộ dân trong vùng dự án.

“Hiện có 4.730 hộ trong vùng dự án với 14.100 nhân khẩu. Qua tiếp xúc với người dân và 25 tổ chức, vừa qua có 25 hộ dân không đồng ý việc phải di chuyển nhà nhưng sau trao đổi, vận động họ cũng đồng ý đi cả. Chúng tôi cũng đã vận động 2 giáo xứ và 1 nhà chùa trên địa bàn để chuyển tới khu TĐC Bình Sơn (285 ha)”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, hiện Đồng Nai đã cơ bản xây dựng xong khung chính sách cho đền bù, GPMB, đã gửi xin ý kiến các bộ và chờ Quốc hội phê chuẩn về chủ trương sau đó mới trình đề án GPMB, TĐC lên Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Dự kiến, tổng kinh phí GPMB và TĐC cho 4.730 hộ dân tại 2 khu TĐC Lộc An và Bình Sơn, cách nơi ở cũ của các hộ này khoảng 10 km, lên tới trên 13.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người dân phải di cư nếu như dự án được triển khai. Hiện Long Thành có 3 khu công nghiệp (KCN), có thể tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động… Tỉnh Đồng Nai sẽ đào tạo, đưa những người trong độ tuổi lao động ở khu vực dự án vào làm tại các KCN này. Ngoài ra, cảng hàng không sau khi xây dựng xong cũng sẽ có nhu cầu lao động lớn, khoảng 20.000 người. Chúng tôi nghĩ là sẽ đủ việc làm cho hầu hết người dân phải di cư”, ông Thanh cho biết. Hiện người dân sống trong các xã dự kiến bị thu hồi chủ yếu là lao động nông nghiệp và có khoảng 400 công nhân Công ty cao su Bình Sơn.
Trước đó, ngày 28.5, tại cuộc họp về dự án SBLT ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết trong tờ trình mới nhất gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT khẳng định xây dựng SBLT là một chiến lược phát triển phù hợp nhất chứ không thể mở rộng sân bay Biên Hòa (sân bay có diện tích hạn chế, chỉ phục vụ cho mục đích quân sự) hay mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (diện tích hạn chế, số lượng hộ dân phải GPMB quá lớn).
Theo bản đề án xây dựng SBLT mới nhất, với sức ép yêu cầu giảm quy mô vốn đầu tư, giảm sức ép về nợ công…, giai đoạn 1 của dự án thay vì làm 2 đường băng cất hạ cánh giảm chỉ còn 1, suất đầu tư cũng giảm bớt… Quy mô vốn đầu tư giai đoạn 1 còn 5,2 tỉ USD, giảm 2,9 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT từ kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, ngày 4.6 các đại biểu QH có phiên thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án SBLT sau khi Chính phủ trình ở phiên họp toàn thể. Ngày 25.6, QH họp biểu quyết về việc có thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án này hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.