Hoàn thuế chậm là o ép doanh nghiệp

30/03/2015 07:00 GMT+7

Nộp thuế và hoàn thuế là trách nhiệm như nhau của doanh nghiệp và nhà nước. Nộp thuế chậm doanh nghiệp bị phạt nặng, hoàn thuế chậm thì chưa thấy nhà thuế nào bị phạt. Đây là lối ứng xử rất thiếu sòng phẳng.

Nộp thuế và hoàn thuế là trách nhiệm như nhau của doanh nghiệp và nhà nước. Nộp thuế chậm doanh nghiệp bị phạt nặng, hoàn thuế chậm thì chưa thấy nhà thuế nào bị phạt. Đây là lối ứng xử rất thiếu sòng phẳng.

 
Làm thủ tục thuế tại TP.HCM Làm thủ tục thuế tại TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Nợ hoàn thuế vì... hết tiền

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM DV Khương Mai, thì kể: Năm 2012 giá thép giảm, Công ty Khương Mai kinh doanh thua lỗ. Khi ấy, vốn rất quan trọng. Tháng 4.2012, Khương Mai nộp hồ sơ để được hoàn thuế 2,6 tỉ đồng thuế, nhưng 4 tháng sau cơ quan thuế phản hồi rằng quỹ hoàn thuế eo hẹp, nên chưa thể hoàn cho đơn vị. Nghe vậy nên ông cũng chẳng biết làm sao, trong khi công ty đang gặp khó khăn. Ông phân trần rằng vốn kinh doanh có 5 tỉ đồng mà đóng thuế GTGT hết 2,6 tỉ đồng, tiền đâu mà công ty hoạt động (!?). Hiện ông đang làm lại hồ sơ hoàn thuế theo hướng dẫn để nộp lên cục thuế. “Lúc trước, hoàn trước kiểm tra sau thì không gặp khó khăn, giờ chuyển qua kiểm trước hoàn sau phức tạp hơn nên hồ sơ bị kẹt lại”, ông ngán ngẩm. 

Thời gian chờ gấp bốn lần lúc trước, nhiều DN có số hoàn thuế lớn đã phải chờ cả năm mới được hoàn thuế, ảnh hưởng lớn đến tài chính của DN

Ông Nguyễn Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex

Ông Nguyễn Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cũng than phiền tùy theo từng trường hợp có quy định khác, nhưng gây khó nhiều nhất cho doanh nghiệp (DN) là thời gian hoàn thuế, trước đây là 3 tháng liên tục thì hiện DN phải có số thuế lũy kế ít nhất là 12 tháng liên tục. Nghĩa là, lúc trước DN tự khấu trừ thuế GTGT đầu vào - đầu ra, sau 3 tháng thì có thể xin hoàn thuế, thì nay DN phải chờ đến 12 tháng mới được xin hoàn. “Thời gian chờ gấp bốn lần lúc trước, nhiều DN có số hoàn thuế lớn đã phải chờ cả năm mới được hoàn thuế, ảnh hưởng lớn đến tài chính của DN”, ông nói.

Đại diện một công ty tư vấn thuế cho biết mới đây một khách hàng của công ty ở tỉnh Vĩnh Long chờ hơn 1 tháng, sau khi nhận được quyết định hoàn thuế, vẫn chưa nhận được tiền với lý do nguồn ngân sách đã hết. Theo bà này, một trường hợp phổ biến khác khiến các DN mất tiền hoàn thuế là khi làm thủ tục đóng mã số thuế, cán bộ thuế gợi ý nên nộp cam kết “không xin hoàn thuế” để thủ tục được đẩy nhanh. So với quá trình xin đóng mã số thuế kéo dài vài tháng, việc chạy đi chạy lại bổ sung hóa đơn, chứng từ còn mệt hơn nhiều nên hầu hết DN đều chấp nhận. “Việc này khiến đỡ việc cho cán bộ thuế, nhưng về lý thì cho dù tiền hoàn thuế có ít ỏi vài chục ngàn đi nữa cũng là tiền của DN, nhưng họ đành đồng ý cho xong”, vị đại diện này nói.

Teo tóp vốn DN         

Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, một số quy định sửa đổi có hiệu lực từ năm 2014 đã nặng tính quản lý theo hướng có lợi cho cơ quan thuế hơn cho người nộp thuế. Đơn cử như Thông tư 219 nâng mức thuế tối thiểu được hoàn từ 200 triệu lên 300 triệu đồng đã o ép DN hơn. Vì với đa số là DN vừa và nhỏ có doanh số thấp, số thuế hoàn lại từng thời kỳ cũng thấp nên với mức quy định 300 triệu đồng, họ phải chịu thời gian dài hơn mới đủ mức tối thiểu được hoàn thuế. Tiền của họ do đó cũng bị nhà thuế giữ lâu hơn.

Quan trọng nhất, theo quy định trước đây, DN được hoàn thuế GTGT nếu trên 3 tháng liên tục có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết. Còn theo quy định hiện hành, DN có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết kỳ này thì khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp sau ít nhất 12 tháng vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì DN được hoàn thuế. Theo luật sư Xoa, hiện DN thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, hằng tháng phải trả vốn và lãi cho ngân hàng. Trong khi mua sắm đầu vào, DN đã nộp ngay thuế GTGT thông qua người bán nhưng muốn được hoàn lại thì bị “ngâm” vốn 1 năm trời, thậm chí là lâu hơn nếu có phát sinh khác là quá bất hợp lý. “Trong làm ăn thì một đồng cũng quý, vốn bị giữ lâu như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của DN”, luật sư Xoa nhận xét.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế Sài Gòn, nhận xét thời gian hoàn thuế kéo dài ảnh hưởng lớn đến tài chính DN nhưng hầu như không thấy DN phản ứng. Lý do là số đông DN không muốn đi hoàn thuế vì quy trình rất mất thời gian và công sức. Hơn nữa, DN đi hoàn thuế thường bị tổng kiểm tra sổ sách. Đó là lý do hiện các công ty có số hoàn thuế lớn thường thông qua các công ty tư vấn thuế có kinh nghiệm để làm hồ sơ hoàn thuế, còn các DN nước ngoài thường tự làm.

Một khó khăn khác, theo luật sư Trần Xoa, là kế hoạch quỹ hoàn thuế của cục thuế nhiều lúc bị động khi phải trình Tổng cục Thuế duyệt từng tháng từng quý, dẫn đến tình trạng tiền chưa về và DN cứ ngóng cổ chờ. “Vì vậy, nhiều người được hoàn thuế mừng như “trúng số”, vì hồ sơ bị “ngâm” cả năm trời, chưa kể phải xin xỏ”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.