Hậu quả của “bẫy” thầu giá thấp

23/08/2010 23:54 GMT+7

Mấy tháng qua, các hạng mục xây dựng dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đã án binh bất động do chờ chọn nhà thầu mới thay thế nhà thầu CSCEC (Trung Quốc) bị cắt hợp đồng thi công. >> "Bẫy" đấu thầu giá rẻ

Việc nhà thầu CSCEC bị cắt hợp đồng thi công chủ yếu do Ngân hàng Thế giới (WB) không tiếp tục tài trợ vốn đối với các dự án do nhà thầu Trung Quốc này thi công. Trước đó, WB đã đưa nhà thầu CSCEC vào “danh sách đen”, đây là danh sách nhà thầu vi phạm, bị cấm tham gia đấu thầu một số năm ở các dự án do WB tài trợ vốn vì có một đơn vị của CSCEC thi công ở Philippines liên quan đến tham nhũng.

Chờ đấu thầu lại

Gói thầu số 10 (cải tạo kênh NL-TN) trước đây do CSCEC thi công. Gói thầu gồm có hạng mục đóng cừ bản, tiến độ thi công đã đạt 91%; hạng mục gia cố đất mới đạt 39% và hạng mục nạo vét kênh NL-TN đạt 79% (tính đến cuối tháng 7.2010).

Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực NL-TN) có phạm vi ảnh hưởng trên diện tích 33,2 km2 của 7 quận khu vực nội thành, với khoảng 1,2 triệu dân.

Dự án có tổng mức đầu tư 199,96 triệu USD (theo quyết định phê duyệt dự án khả thi), nhưng đến nay đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 316,79 triệu USD, tương đương 5.660 tỉ đồng (tính theo tỷ giá tại thời điểm 1 USD=17.867 đồng), trong đó vốn vay ODA là 293,94 triệu USD, vốn đối ứng là 22,85 triệu USD. Hiệp định tín dụng vay vốn thực hiện dự án này có hiệu lực vào ngày 3.2.2002 và ngày hết hạn là 31.12.2007 và đã được gia hạn đến ngày 31.12.2011.

WB đã bổ sung cho dự án 90 triệu USD để đấu thầu, chọn các nhà thầu mới thi công các phần việc còn lại của gói thầu số 10. Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (lưu vực NL-TN) cho biết, các phần việc còn lại sẽ được chia thành 5 gói thầu nhỏ gồm: 10A (di dời đoạn ống cấp nước đường kính 2.000 mm); 10B (gia cố đất một số đoạn); 10C (tiếp tục nạo vét kênh NL-TN); 10D (tiếp tục thi công đóng cừ bản dọc theo bờ kênh và gia cố các mố cầu); 10E (lắp đặt lan can, trồng cây xanh và lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng). Trong 5 gói thầu này, có 2 gói được chỉ định thầu là 10A và 10C, 3 gói còn lại đấu thầu.

Theo ông Thuận, trong các công việc còn lại của gói thầu số 10, khó nhất là việc di dời đoạn ống cấp nước đường kính 2.000 mm đang nằm dưới lòng kênh NL-TN khu vực cầu Điện Biên Phủ. Đường ống này cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố, do vậy trước khi cắt ống để di dời, phải lắp đặt một đoạn ống nước tạm thời để việc cung cấp nước không bị gián đoạn. Nhà thầu mới được chỉ định tiếp tục thi công (gói thầu 10A) là Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Sawaco sẽ ký hợp đồng với Công ty TDW của Mỹ, dự kiến đến tháng 4.2011 sẽ thi công xong.

Trong khi đó, các gói thầu thi công các hạng mục thoát nước mưa đã đạt 97%. Tuy nhiên, 3% còn lại là những phần việc khó nhất, vì đây là những đoạn cống thoát nước nằm ngang qua đường sắt. Dù đã đạt khối lượng như thế, song theo ông Thuận, hệ thống cống thoát nước mới được lắp đặt trên đường phố trong phạm vi dự án chưa thể phát huy tác dụng vì tuyến cống bao còn bị tắc 2 đoạn chưa thi công xong.

"Xương sống" đang bị tắc

Hạng mục chính của dự án là hệ thống thoát nước thải, trong đó gói thầu số 7 (xây dựng tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm) do nhà thầu liên danh TMEC-CHEC 3 (Trung Quốc) thi công. Đây là “xương sống” của cả dự án, tuyến cống bao có tổng chiều dài gần 9.000m, tính đến nay đã đạt 96%.

Ông Phan Châu Thuận cho biết, gói số 7 hiện nay còn 2 đoạn cống: Một đoạn dài khoảng 300m từ giếng S28-S29 ở khu vực cầu Điện Biên Phủ và đoạn nằm dưới lòng sông Sài Gòn dài khoảng 180m. Đoạn 300m hiện nay chưa thi công được là do phải chờ di dời một đoạn đường ống cấp nước đường kính 2.000 mm, nằm ngang dưới lòng kênh NL-TN, cạnh cầu Điện Biên Phủ. Trong khi đó, đoạn cống dài khoảng 300m dưới lòng sông Sài Gòn (từ bờ tây sang bờ đông) trước đây TMEC-CHEC 3 đã thi công được 1 đoạn dài khoảng 120m, nhưng do thiết bị đầu kích ống gặp phải sự cố mắc kẹt dưới lòng sông (tới giờ vẫn chưa lấy lên được), nên nhà thầu  không thể tiếp tục thi công. Trước tình hình này, UBND TP.HCM và WB đã thống nhất chuyển phần việc còn lại của đoạn cống này thành gói thầu 7B, giao do nhà thầu Công ty thoát nước đô thị TP.HCM thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP (dự toán khoảng 70 tỉ đồng).

Công ty thoát nước đô thị TP.HCM đã hợp tác với một công ty của Thái Lan để thực hiện tiếp 180m cống còn lại. Hiện công ty của Thái Lan đang khảo sát, lập phương án thi công, dự kiến khoảng tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ bắt đầu thi công và đến khoảng tháng 3.2011 sẽ hoàn thành.

Toàn dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011 theo Hiệp định tín dụng bổ sung, chậm 4 năm so với Hiệp định tín dụng vay vốn gốc.

Tưởng rẻ hóa đắt

Việc dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực NL-TNâ) thi công ì ạch, bê bối suốt nhiều năm qua là hậu quả của việc chọn thầu giá rẻ mà Thanh Niên đã phản ánh.

Cả 2 gói thầu xương sống của dự án là gói 7 và gói 10 đều rơi vào cảnh chậm trễ kéo dài, bắt nguồn từ việc 2 nhà thầu Trung Quốc đều trúng thầu với mức giá thấp một cách bất hợp lý.

Trong đó, liên danh nhà thầu TMEC-CHEC 3 trúng thầu gói số 7 với giá thấp hơn dự toán gói thầu đến 20 - 30%. Tại gói thầu số 10, nhà thầu CSCEC đã bỏ thầu hạng mục chính di dời ống cấp nước phi 2.000 (ở khu vực cầu Điện Biên Phủ) với giá chỉ bằng 25 - 35% so với các nhà thầu khác. Hậu quả là gói thầu số 7 thi công ì ạch và bê bối suốt nhiều năm qua, đáng lẽ phải hoàn thành từ tháng 11.2006, song đến nay vẫn chưa xong. Còn nhà thầu CSCEC sau khi hoàn thành xong các phần việc nhẹ nhàng khác, đã cố tình trì hoãn thi công hạng mục "khó nuốt" nhất là di dời ống cấp nước phi 2.000, bởi nhà thầu đã bỏ giá quá thấp nên càng thi công càng thua lỗ.

TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - phân tích, đơn giá dự toán gói thầu áp dụng tại VN vốn đã ở mức thấp và lạc hậu so với tình hình thực tế. Đó là chưa kể việc thi công tại một đô thị lớn như TP.HCM luôn tốn kém hơn nhiều so với các đô thị nhỏ (lương công nhân cao hơn, vật liệu đắt hơn, các công trình tiện ích dày đặc kéo theo chi phí di dời tốn kém hơn...), song đơn giá Nhà nước không phản ánh được các điều kiện đặc thù này. Dự án Vệ sinh môi trường là dự án quốc tế nhưng lại áp dụng đơn giá VN nên thực tế ngay dự toán gói thầu đưa ra đã khó đảm bảo kinh phí cơ bản để thực hiện gói thầu. Bởi vậy, nhà thầu đưa ra mức giá quá thấp so với dự toán thì không cách gì đảm bảo được chất lượng và tiến độ công trình. Theo TS Trường, khi đơn giá gói thầu không theo kịp giá thị trường, các nhà thầu muốn làm tốt buộc phải bỏ giá cao hơn dự toán còn nếu không thì bỏ giá thấp để phá giá. Bỏ giá quá thấp trên cơ sở dự toán đã ở mức thấp nghĩa là nhà thầu cầm chắc thua lỗ, càng làm càng lỗ và đây là nguyên nhân chính khiến nhà thầu cứ chây ì hết năm này sang năm khác.

Có thể thấy, ban đầu nhà thầu trúng thầu với giá thấp hơn dự toán, song lại thi công chây ì và liên tục "đẻ" gói thầu mới khiến giá trị gói thầu tăng gấp nhiều lần. Như vậy, tưởng là ta mua được công trình rẻ nhưng hóa ra lại đắt gấp nhiều lần, chưa kể những lãng phí và thiệt hại vô hình khi người dân bị trì hoãn hưởng thụ những giá trị do các công trình hạ tầng này mang lại.

Vô lý lớn nhất là nhà thầu vẫn ung dung vì bỏ thầu giá thấp và sau đó tách phần công việc bất lợi để đùn đẩy cho nhà thầu khác mà không bị một biện pháp chế tài nào.

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng, việc bỏ thầu giá thấp là một kẽ hở trong Luật Đấu thầu rất cần phải xem lại. Bởi trên thực tế, giá bỏ thầu chấp nhận được chỉ được phép chênh lệch khoảng 5% so với dự toán gói thầu. Trong khoảng 5% này, nhà thầu có thể vun vén bằng cách tổ chức thi công một cách hợp lý, khoa học, tinh giản bộ máy điều hành... Còn nếu giá bỏ thầu quá thấp, nhà thầu chỉ còn cách hạ chất lượng công trình hoặc trong quá trình thi công tìm cách "vẽ" ra nhiều khoản phát sinh. Ông Sanh cho rằng cần xây dựng quy định khống chế giá sàn (giá tối thiểu) trong đấu thầu, để tránh tình trạng nhà thầu cố ý bỏ giá thật thấp để trúng thầu, bất chấp chất lượng và tiến độ công trình. Mặt khác, cần nâng cao vai trò của chủ đầu tư và tư vấn trong quá trình thẩm định lựa chọn nhà thầu, bởi các yếu tố về năng lực, kỹ thuật, tài chính... của nhà thầu cũng cực kỳ quan trọng, thay vì lấy giá gói thầu làm yếu tố "chốt" để chọn nhà thầu như hiện nay.

N.Tuấn Đạt

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.