Hàng Việt gian nan giữ sân nhà - Kỳ 2: Hàng tiêu dùng nội mất thị phần

28/04/2015 09:00 GMT+7

Hàng tiêu dùng nội địa đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi hàng nhập khẩu có thuế suất bằng 0 từ các nước ASEAN, đặc biệt là làn sóng hàng hóa đến từ Nhật Bản.

Hàng tiêu dùng nội địa đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm bởi hàng nhập khẩu có thuế suất bằng 0 từ các nước ASEAN, đặc biệt là làn sóng hàng hóa đến từ Nhật Bản.
Hàng tiêu dùng Nhật, Thái... cạnh tranh hơn hẳn về chất lượng và giá cả - Ảnh: N.NHàng tiêu dùng Nhật, Thái... cạnh tranh hơn hẳn về chất lượng và giá cả - Ảnh: N.N
Hàng Nhật, Thái... giá mềm
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN nhằm thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản, từ ngày 1.4, có đến 3.234 mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào VN hưởng thuế suất 0%. Nhưng không đợi đến ngày này, trước đó các nhà bán lẻ nước này đã "nhảy" vào thị trường nội địa dọn đường chờ sẵn.
Tối chủ nhật, khách đến siêu thị Aeon đông như đi hội. Hải, tự giới thiệu là kỹ sư nông nghiệp tại TP.HCM, đang lựa mua áo quần tại tầng 1 của siêu thị cho biết, anh quay lại để mua thêm áo quần mang về quê tặng bạn bè người thân do giá rẻ quá mà đẹp. Hải chỉ chiếc áo kẻ caro xanh anh đang mặc trên người và nói: “Áo này tôi mua tại đây vào tuần trước với giá 150.000 đồng, trong khi cùng chất lượng tương đương, sản phẩm của V., nhãn hàng thời trang nam lớn của VN, có giá 350.000 đồng”. Tương tự, áo pull cotton của nữ hiệu Scarlet tại khu thời trang nữ có giá 99.000 đồng đủ màu sắc; nhiều áo pull nữ của Thái có giá chỉ 69.000 đồng/chiếc, đồ lửng mặc ở nhà loại trẻ trung, vải ka tê kẻ sọc thời trang đồng giá 99.000 đồng/bộ, trong khi sản phẩm cùng loại, khảo sát tại các chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Tân Định (Q.1) có giá từ 120.000 - 140.000 đồng/bộ, tại các siêu thị của VN giá từ 140.000 - 189.000 đồng/bộ.
Không chỉ quần áo, nhiều nhãn hàng túi xách của Singapore, Malaysia như Polo, Bonia... cũng đặt quầy tại đây và có giá khá dễ chịu. Một túi xách thời trang hiệu Polo, nằm trên kệ “hàng mới về” có giá 950.000 đồng, trong khi cùng chiếc túi đó, mua tại cửa hiệu trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM cách đây nửa tháng, giá không dưới 1,2 triệu đồng. Hoặc như chiếc quạt đứng theo công nghệ KDK của Nhật có giá 1,69 triệu đồng/chiếc, sản phẩm tương đương hàng trong nước là 1,55 triệu đồng/chiếc. Một số mặt hàng tiêu dùng tại đây cũng treo bảng giảm đến 50% cho hàng nhập từ Nhật, hoặc khuyến mãi mua 2 tặng 1... Hầu hết mặt hàng nhập khẩu từ Nhật tại đây đều được sản xuất từ Trung Quốc nhưng có vẻ điều này không hề ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Chị Thanh Hương, doanh nhân trong ngành nội thất, tín đồ hàng Nhật, lý giải: “Do chi phí sản xuất tại Nhật cao, nên rất nhiều hàng hóa Nhật được gia công tại Trung Quốc, sau đó xuất sang Nhật để phía Nhật kiểm tra chất lượng sản phẩm, rồi xuất từ Nhật đi các nước khác, trong đó có VN. Nhật với hệ thống kiểm soát chất lượng khắt khe nổi tiếng nên tôi không có gì phải lo lắng”.
Trước cơn lốc hàng Nhật, hàng tiêu dùng trong nước đã lao đao với hàng Thái cũng đổ bộ vào VN qua hệ thống phân phối len lỏi khắp nơi. Thái Lan cũng là nước duy nhất tổ chức thường xuyên các hội chợ, triển lãm lớn nhỏ tại VN trong nhiều năm qua để hình thành thói quen mua sắm cho người tiêu dùng Việt.
Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất của hàng Nhật với người tiêu dùng VN là giá cả. Nhưng với việc thuế quan được dỡ bỏ và thực tế nói trên, hàng tiêu dùng nội thực sự lép vế tại chính sân nhà.
Hàng nội trả giá đắt
Chuyên gia chiến lược Robert Trần thẳng thắn nhận định: “Hàng Việt có nguy cơ đuối sức khi cơn lốc hàng tốt giá tốt của Nhật tràn vào. Đừng nghĩ người Việt chuộng ngoại mà chính các doanh nghiệp (DN) nội địa đã đẩy người Việt đến sự chọn lựa này do cách làm marketing nhếch nhác và còn coi thường thẩm mỹ của người tiêu dùng. Hàng Nhật dòng hạng trung thật ra không có gì ghê gớm, chưa chắc thực phẩm của Nhật ngon hơn hay chiếc áo mặc bền hơn hàng Việt, nhưng cách tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu của họ trong sản xuất rất hoàn hảo. Họ tuân theo chuẩn quốc tế từ khâu nguyên liệu nên đi đến thị trường nào cũng không sợ”.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh thừa nhận hàng hóa VN chỉ chiếm lĩnh được ở các chợ bán lẻ truyền thống, trong khi kênh hiện đại là siêu thị thì thua vì tràn ngập hàng hóa nước ngoài. Các DN nước ngoài đưa hàng vào VN đã dùng một đòn hiểm khi giảm dần tỷ suất lợi nhuận nên giá cả hết sức cạnh tranh so với hàng nội. "Các hiệp định thương mại tự do mở cơ hội cho hàng hóa VN xuất khẩu ra nước ngoài nhưng đồng thời cũng là cơ hội của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào VN. Các nước khác VN ở chỗ, họ tập trung vào phân phối, tiêu thụ còn VN lại tập trung vào sản xuất. Thị trường bán lẻ vốn là kênh kết nối sản xuất với người tiêu dùng nhưng lại do nhiều DN nước ngoài kiểm soát sẽ khiến sản xuất trong nước thất bại", ông Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh cho rằng hội nhập kinh tế và những chính sách bảo vệ thị trường nội địa yếu kém của VN, đặc biệt là sự nhìn nhận thiếu đúng đắn của DN VN về thị trường trong nước đang khiến hàng hóa VN phải trả giá đắt. “Người tiêu dùng VN vẫn còn hoài nghi về tính chân thực của hàng hóa trong nước bởi nhiều năm qua luôn tồn tại tình trạng “hàng ngon thì dành cho xuất khẩu; cái gì lỗi, hỏng bán ở trong nước”. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, khi hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng Nhật Bản nhập khẩu tương đương, thậm chí đắt hơn chút nhưng vẫn sẽ được người tiêu dùng lựa chọn vì uy tín, chất lượng của họ. “Người tiêu dùng cũng không mù quáng đến nỗi mua hàng kém chất lượng hơn nhưng giá cao hơn của DN trong nước”, ông Trinh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.