Giảm lãi suất huy động xuống 5%

13/07/2013 03:20 GMT+7

Tiền gửi bằng VND dư thừa, không có đầu ra, khiến các ngân hàng đang đau đầu xử lý. Một số ngân hàng lớn phải cắt giảm lãi huy động xuống 5%/năm để giảm bớt chi phí, tranh thủ cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn.

Tiền gửi bằng VND dư thừa, không có đầu ra, khiến các ngân hàng đang đau đầu xử lý. Một số ngân hàng lớn phải cắt giảm lãi huy động xuống 5%/năm để giảm bớt chi phí, tranh thủ cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn.

Giảm lãi vì ế vốn

Hai ngân hàng (NH) lớn của hệ thống là NH thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) và NH thương mại Nông nghiệp - Phát triển nông thông (Agribank) ngày 11.7 cùng nhau điều chỉnh mức lãi suất tiết kiệm xuống thấp nhất thị trường, chỉ còn 5%/năm. 

 Nhiều ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất thấp hơn mức quy định đối với tiền gửi bằng VND là 7%/năm
Nhiều ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất thấp hơn mức quy định đối với tiền gửi bằng VND là 7%/năm - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, mức giảm trên chỉ là cục bộ và cá biệt, khi báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại lãi suất huy động VND trên toàn hệ thống vẫn khá ổn định. Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của các NH thương mại lớn thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND là 7%/năm theo quy định. 

 

Giá vàng, USD giảm

Ngày 12.7, giá vàng giảm 100.000 - 250.000 đồng/lượng so với ngày 11.7, trong đó giá mua vàng giảm nhẹ hơn so với giá bán, còn 37 - 37,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giảm 8 USD/ounce, còn 1,276 USD/ounce. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước còn 4,4 triệu đồng/lượng. Cùng ngày, NHNN Việt Nam đã bán 24.700 lượng vàng trong tổng số 26.000 lượng vàng đấu thầu. 15 đơn vị trúng thầu với giá thấp nhất 37,35 triệu đồng/lượng, cao nhất 37,4 triệu đồng/lượng.

Ngày 12.7, giá mua USD trong NH giảm 20 đồng/USD so với ngày 11.7. Giá mua USD tiền mặt và chuyển khoản tại Eximbank, BIDV… còn 21.190 - 21.200 đồng/USD. Giá bán USD trong NH vẫn ở mức kịch trần 21.246 đồng/USD.

Thanh Xuân

Trao đổi với Thanh Niên về đợt giảm lãi suất này, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết mục đích chính để NH kéo lãi suất huy động về mức hợp lý hơn. Bởi hiện tại lãi suất huy động kỳ hạn ngắn chỉ ở mức 1,2%/năm, mà kỳ hạn 1 tháng ở mức 6% (khi chưa giảm) là quá cao. Thậm chí, sau khi giảm xuống 5%/năm thì khoảng cách này vẫn còn khá cao, và theo dự báo của ông Thanh có thể kỳ hạn 1 tháng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động nhằm tạo ra đường cong lãi suất giữa các kỳ hạn gửi, trong đó gửi ngắn thì lãi thấp, còn gửi dài hạn thì lãi cao hơn.

Tuy nhiên, ngoài những lý do mà ông Thanh đưa ra, đợt giảm lãi này cũng có nguyên nhân từ việc các NH đang chịu áp lực không nhỏ từ việc dư thừa quá nhiều tiền đồng. Chia sẻ với Thanh Niên, lãnh đạo một NH cổ phần lớn tại Hà Nội cho rằng, ngay bản thân NH của ông với quy mô, thị phần nhỏ hơn Vietcombank rất nhiều nhưng cũng đang chịu áp lực lớn về việc phải sinh lời cho đồng vốn huy động. Ông tính toán, hiện nay các NH vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền bình quân 7%/năm, nhưng lại không cho vay ra được. Thậm chí, một số kênh kinh doanh như thị trường liên NH lãi suất giao dịch quá thấp, thấp hơn cả lãi huy động. Còn tín phiếu do NHNN phát hành lãi cũng chỉ từ 3 đến 5%/năm, NH có mua cũng không có lời. “Để hoạt động có lãi trong bối cảnh hiện nay nhiều NH buộc phải giảm bớt lãi suất huy động đầu vào”, lãnh đạo này chia sẻ.

Lãi vay khó giảm theo

Nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất huy động lần này có thể tạo đà để NH giảm lãi cho vay, nhưng thực tế là rất khó khăn. Tổng giám đốc một NH lớn cho biết, hiện nay cơ cấu huy động vốn kỳ hạn 1 tháng tại các NH chiếm tỷ lệ rất thấp. Gần như khách hàng chỉ gửi kỳ hạn từ trên 1 tháng đến 3 tháng là nhiều do lo ngại lãi suất có thể giảm tiếp. Trong khi đó, khi cấp tín dụng không NH nào cho vay với kỳ hạn 1 tháng, mà ít nhất phải 6 tháng. Bên cạnh đó, với mỗi hợp đồng tín dụng, NH thường thỏa thuận với khách hàng sau 3 tháng mới điều chỉnh lãi suất 1 lần, căn cứ điều chỉnh lãi suất ngắn hạn là kỳ hạn 6 tháng cộng với biên độ đảm bảo lợi nhuận của NH (khoảng 2 - 3%/năm - PV). “Như vậy việc giảm lãi kỳ hạn ngắn 1 tháng về bản chất không có ý nghĩa gì đối với việc giảm lãi suất cho vay cả”, tổng giám đốc này chia sẻ.

Còn theo báo cáo của NHNN, hiện nay lãi suất cho vay trung và dài hạn của nhóm NH cổ phần vẫn ở mức 12-13%/năm, ngắn hạn từ 9,5% đến 11,5%/năm. Chỉ riêng 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm.

Con số thống kê trên cho thấy, các NH dù đã tuyên bố cắt giảm mạnh lãi suất cho vay nhưng thực chất DN vẫn đang phải chịu đựng một chi phí vốn lớn, một gánh nặng chưa được trút bỏ. Theo số liệu của Thanh Niên có được, hiện tại mức lãi suất cho vay thấp nhất dưới 10%/năm thực tế chỉ chiếm có 14% trên tổng dư nợ toàn hệ thống, trong khi đó mức lãi suất cho vay từ 10% đến 13% chiếm khoảng 50% tổng dư nợ. Còn lãi suất trên 15% vẫn chiếm 12% tổng dư nợ và từ 13% đến 15% chiếm khoảng 24%. 

Điều này cho thấy, trong khi lãi suất tiền gửi giảm rất nhanh, túi tiền của người tiết kiệm bị teo đi hằng ngày, nhưng ở phía đầu ra DN vẫn phải vay với mức lãi suất cao. Đây chính là khoản chênh lệch bất hợp lý mà các NH đang áp dụng, khiến DN hết sức khó khăn.

Anh Vũ - Thanh Xuân

>> Ngân hàng giảm lãi suất huy động ngắn hạn
>> Giảm lãi suất, tăng tỷ giá
>> Thêm 2 ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động
>> Sớm giảm lãi suất vay USD
>> Sẽ giảm lãi suất cho vay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.