Giảm chi phí nhờ bán hàng mạng

14/07/2011 16:45 GMT+7

Mua bán hàng qua mạng đang ngày càng phát triển tại thị trường nội địa. Đặc biệt, với nhiều doanh nghiệp, việc này đồng nghĩa với cắt giảm chi phí để vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Từ đầu năm nay, hệ thống siêu thị điện thoại di động Viễn Thông A bắt đầu triển khai bán hàng qua mạng. Theo ông Sơn Wanari - Trưởng phòng TMĐT Viễn Thông A - kinh doanh qua mạng có thể giúp giảm được rất nhiều chi phí như chi phí xây dựng cửa hàng, nơi trưng bày cho khách tham quan, nhân viên..., đồng thời tạo thêm một kênh lựa chọn sản phẩm cho những khách hàng bận rộn không có thời gian trực tiếp đến cửa hàng bán lẻ.

 
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí bằng dịch vụ bán hàng qua mạng, vốn được những khách hàng bận rộn ưa chuộng - Ảnh: Diệp Đức Minh 

Nhiều dịch vụ kinh doanh mới qua mạng cũng đang được triển khai mạnh mà nổi bật nhất là mô hình mua chung. Theo ước tính, hiện có hơn 20 website chuyên cung cấp dịch vụ mua hàng giá rẻ tại Việt Nam.  Ví dụ Zingdeal của CTCP VNG sau gần 5 tháng chính thức hoạt động đã có hơn 700.000 khách hàng tham gia mua hàng và tiết kiệm được 4 tỉ đồng. Hay như lượng khách hàng tham gia trên trang cucre.vn của CTCP vật giá cũng đạt trên 50.000 thành viên và số tiền mua hàng tiết kiệm được hơn 20 tỉ đồng. Mô hình bán phiếu giảm giá qua mạng này có tốc độ phát triển nhanh nhất trong hoạt động kinh doanh qua mạng tại Việt Nam từ trước đến nay. Quỹ đầu tư Rebate Networks của Đức mới đây cũng đã bỏ vốn vào nhommua.com của CTCP Địa Điểm tại Việt Nam khiến cho website này cũng trở thành một trong những điểm mua sắm thu hút đông đảo người dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng giám đốc CTCP vật giá - cho rằng đây là một xu hướng mới rất hấp dẫn, phù hợp với thị trường Việt Nam. Đặc biệt nó  giúp cho nhiều người có thể mua được hàng giá rẻ, nâng cao mức sống cho mọi người đồng thời giúp cho nhiều cửa hàng có thể quảng cáo, bán hàng hóa của mình một cách hiệu quả nhất.

Ông Trần Tiến Nghị - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết online booking (đăng ký, đặt chỗ qua mạng) cũng là xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phát triển mạnh tại Việt Nam chủ yếu là do thiếu phương tiện thanh toán tiện lợi và tin cậy, nhất là thanh toán xuyên quốc gia. Bản thân Công ty Viễn Thông A cho biết khó khăn của việc thúc đẩy bán hàng qua mạng là việc chi phí sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến (cổng thanh toán, ví điện tử) vẫn còn khá cao. Bên cạnh đó, sự thiếu tin tưởng của khách hàng về thanh toán trực tuyến và thói quen dùng tiền mặt cũng là những cản trở lớn trong việc mua bán qua mạng.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Tổng giám đốc PeaceSoft -  cho biết theo một kịch bản lạc quan của PeaceSoft, doanh thu kinh doanh qua mạng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6 tỉ USD. Thế nhưng hiện nay, rào cản lớn nhất cho vấn đề này là thanh toán trực tuyến chưa phát triển. Người Việt Nam vẫn chưa quen với các hình thức thanh toán trực tuyến, cũng như chưa trang bị cho mình những kiến thức để mua sắm và thanh toán an toàn. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, nhiệm vụ lớn nhất công ty kinh doanh qua mạng là phổ cập và đào tạo ý thức của mọi người tham gia.  “Bản thân doanh nghiệp cần phải học thật nhanh các mô hình thành công trên thế giới, thay đổi cho phù hợp với đặc điểm của thị trường Việt Nam, nhanh chóng thu hút vốn, học tập công nghệ, tích lũy kinh nghiệm, chiếm lĩnh thật nhanh thị trường. Nếu chậm chân, trong khi luôn phải sống nhờ vào dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, chúng ta sẽ không chỉ mất một phần như hiện nay, mà 100% quyền sở hữu của các công ty  thương mại điện tử của Việt Nam sẽ thuộc về các tập đoàn nước ngoài”, ông Nguyễn Ngọc Điệp khẳng định.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.