Giá đường bị thao túng

22/04/2013 04:43 GMT+7

Trong khi thế giới đang dư đường ăn, các nhà máy đường trong nước cũng than ế ẩm không tiêu thụ được, thì giá đường bán lẻ trên thị trường vẫn đứng ở mức cao.

Đường ế, giá vẫn cao

 

Người tiêu dùng cũng đang bị thiệt hại từ khâu phân phối do giá bán lẻ bị khống chế. Đường rớt giá thê thảm nhưng giá bán lẻ lúc nào cũng cao

Ông Đỗ Thanh Liêm
Tổng giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN

Theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15.3 là 448.110 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 82.110 tấn. Do buôn bán khó khăn nên giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước liên tục giảm mạnh, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2012, phổ biến từ 13.500 - 14.000 đồng/kg. Giá đường thế giới cũng đã giảm 18% trong năm qua và đang tiếp tục chịu áp lực giảm giá do thặng dư gia tăng.

Tại các chợ TP.HCM, mặt hàng đường tiêu thụ rất chậm. Ông Luật, tiểu thương sạp Thu Thùy (chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình), cho biết giá đường cát lẻ mua vào (đường sang ra theo gói nhỏ 1 kg/gói từ đường cây 50 kg) gần đây có giảm 300 đồng/kg, còn 14.500 đồng/kg, bán lẻ ra cho khách khoảng 15.500 đồng/gói 1 kg. Riêng đường tinh luyện từ Tết Quý Tỵ 2013 đến nay vẫn đứng giá cao, giá mua vào vẫn gần 20.000 đồng/kg, bán lẻ cho người tiêu dùng khoảng 21.000 đồng/kg. Cụ thể, giá đường tinh luyện Biên Hòa hiện lấy vào 19.500 đồng/kg, bán ra 21.000 đồng/kg. "Họ đóng gói, in giá sẵn trên bao bì và tiểu thương chỉ bán đúng giá họ đã in chứ không thể bán thấp hơn”, ông Luật nói. Đại diện nhiều siêu thị cũng khẳng định giá đường vẫn giữ “ổn định”. Tuy nhiên, mức giá này đang cao ngất so với giá đầu vào và suốt cả năm qua vẫn giữ nguyên mặc dù đường trong nước sản xuất ra tồn kho ngày càng nhiều, giá đường các nước khu vực thấp hơn rất nhiều. Ông Đỗ Thanh Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, nhận định: “Người tiêu dùng cũng đang bị thiệt hại từ khâu phân phối do giá bán lẻ bị khống chế. Đường rớt giá thê thảm nhưng giá bán lẻ lúc nào cũng cao”.

Ai chi phối ngành đường ?

Theo một chuyên gia trong ngành mía đường tiết lộ, do đến nay chưa có bất kỳ nhà máy đường nào tự xây dựng được hệ thống đại lý tiêu thụ riêng, càng không thể đưa được sản phẩm đến các cửa hàng bán lẻ, nên từ lâu hình thành một hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả nhà máy đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ đường trong nước. Các nhà máy đường buộc phải tuân thủ những quy định do hệ thống đại lý đưa ra, không được phép bán cho bất kỳ nhà bán lẻ nào, nếu vi phạm sẽ bị tẩy chay và không thể tiêu thụ được sản phẩm. Đổi lại, dựa vào hệ thống đại lý, các nhà máy luôn yên tâm về đầu ra, toàn bộ sản lượng xuất xưởng được đại lý tiêu thụ hết với mức giá “không thua thiệt cho nhà máy”. Với cách làm này, mặt hàng đường trong nước đang bị các đại lý tiêu thụ đường thao túng giá cả, qua đó khống chế cả hoạt động sản xuất của mỗi nhà máy đường. Từng có một số nhà máy đường của nước ngoài đầu tư xây dựng công suất lớn, ban đầu tự tin với lực mạnh, công nghệ cao, giá thành thấp nên không muốn lệ thuộc vào hệ thống đại lý tiêu thụ. Nhưng sau một thời gian điêu đứng vì bị đại lý chèn ép thị trường, rốt cuộc doanh nghiệp cũng đã phải chấp nhận đứng trong hệ thống này để tồn tại.

Giá đường bị thao túng
Người tiêu dùng bị thiệt thòi do giá đường bán lẻ bị khống chế - Ảnh: Diệp Đức Minh - Đồ họa: Hồng Sơn

Các hệ thống siêu thị lớn cũng đang góp phần chi phối giá đường bán lẻ bởi giá đường trên thị trường đều nhìn vào giá siêu thị để điều chỉnh. Giá trong siêu thị không giảm thì các kênh bán lẻ khác cũng không giảm. Trao đổi với PV Thanh Niên, giám đốc kinh doanh một công ty mía đường lớn bức xúc: “Giá đường bán lẻ muốn giảm thì phải xem động thái của siêu thị, họ đòi chiết khấu cao, hoa hồng cao thì làm sao chúng tôi bán giá thấp được, mặc dù tồn kho rất lớn”.

Ngoài quyền lực của hệ thống đại lý và siêu thị, ngành mía đường trong nước còn bị chi phối bởi các đại gia nắm cổ phiếu của các nhà máy đường và việc sở hữu chéo cổ phần đã khiến các đại gia này dễ dàng chi phối giá đường bán lẻ. Hiện nay, Công ty Bourbon Tây Ninh, do bà Đặng Huỳnh Ức My làm Chủ tịch HĐQT, đang sở hữu phần vốn lớn tại 4 công ty sản xuất mía đường khác gồm CTCP đường Biên Hòa; CTCP đường La Ngà; CTCP mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (SEC); CTCP đường Ninh Hòa (NHS). Bà My kế thừa chức Chủ tịch HĐQT Công ty Bourbon Tây Ninh từ mẹ là bà Huỳnh Bích Ngọc - người sáng lập CTCP sản xuất và thương mại Thành Thành Công (nay đổi tên thành CTCP đầu tư Thành Thành Công), trong khi đó Thành Thành Công lại đang nắm giữ vốn của các công ty đường khác. Như vậy, có thể thấy các công ty mía đường nói trên (chiếm thị phần đáng kể trên thị trường mía đường VN) đang có quan hệ mật thiết với nhau mà CTCP Bourbon Tây Ninh đang nắm giữ nhiều nhất. Trong đó, CTCP Bourbon Tây Ninh lại do những người sở hữu CTCP đầu tư Thành Thành Công sở hữu đa số vốn. Điều này cho thấy quyền chi phối giá bán lẻ gần như đang nằm trong tay chỉ một số ít doanh nghiệp và giá đường luôn đứng ở mức cao là điều không khó hiểu.

Nguồn cung đường tiếp tục thừa

Vụ 2012 - 2013 diện tích mía cả nước dự kiến khoảng 300.000 ha, tăng so với vụ trước 16.788 ha; năng suất bình quân 63 tấn/ha, sản lượng mía cả nước dự kiến được 18,9 triệu tấn. Có 40 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 139.000 TMN, sản lượng mía ép theo kế hoạch là 16,7 triệu tấn, dự kiến đạt 1,5 - 1,6 triệu tấn đường, trong đó đường tinh luyện là 450.000 tấn. Với nhu cầu tiêu thụ cả nước khoảng 1,4 triệu tấn, cung sẽ vượt cầu khoảng 200.000 tấn.

Q.Thuần - M.Phương - H.Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.