Giá dầu thô giảm mạnh, chứng khoán tăng giảm đan xen

04/05/2012 08:04 GMT+7

(TNO) Rạng sáng 4.5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô tại New York (Mỹ) và London (Anh) bất ngờ chạm đáy kể từ hồi đầu năm tới nay, tiến về sát mốc 100 USD/thùng.

Giá dầu thô giảm mạnh, chứng khoán tăng giảm đan xen
Phố Wall rung động nhẹ trước thềm báo cáo thị trường lao động Mỹ công bố tối nay (giờ Việt Nam) - Ảnh: Reuters 

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên 3.5 (rạng sáng 4.5, giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 6 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) ở mức 102,54 USD/thùng, giảm 2,68 USD/thùng, tương đương mức giảm 2,5% so với phiên trước đó.

Đây là mức giảm mạnh nhất trong một phiên ghi nhận được trên sàn dầu New York kể từ 14.12.2011. So với mức giá đỉnh điểm ghi nhận hồi cuối tháng 2 vừa qua ở mức 109,77 USD/thùng, giá dầu giao kỳ hạn hiện đã giảm 6,6%.

Tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm mạnh tới 2,12 USD/thùng, tương đương giảm 1,8% so với phiên trước đó, xuống chốt phiên ở mức 116,08 USD/thùng.

Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên này được cho là xuất phát từ phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, rằng kinh tế châu Âu vẫn tồn tại nhiều nguy cơ xuống dốc, và hy vọng sẽ có sự phục hồi dần dần trong năm nay.

Bên cạnh đó, chỉ số ISM của khu vực kinh doanh phi sản xuất do Viện Quản lý nguồn cung (trụ sở tại Arizona, Mỹ) công bố đã giảm xuống 53,5 điểm trong tháng 4 vừa qua, so với mức 56 điểm hồi tháng 3. Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán chỉ số này ở mức 55,3 điểm. Như vậy, sức tăng trưởng khu vực kinh tế dịch vụ của Mỹ chậm hơn mức kỳ vọng và thấp nhất trong vòng 4 tháng vừa qua.

Thông tin có tính hỗ trợ cho thị trường phiên này là dự báo kinh tế Mỹ tạo thêm 160.000 việc làm mới trong tháng 4, so với mức 120.000 của tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp dự đoán sẽ giữ ở mức thấp 8,2%. Báo cáo chính thức của chính phủ sẽ được công bố vào tối nay (theo giờ Việt Nam).

Nguồn cung cho thị trường dầu thô tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 21 năm qua, theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) ngày 3.5 đăng tải trên Bloomberg. Theo đó, thống kê nguồn dầu dự trữ trong nước đã tăng thêm 2,84 triệu thùng trong tuần trước (tính tới 27.4), lên thành 375,9 triệu thùng. Đây là mức dự trữ cao nhất kể từ tháng 9.1990.

Sản lượng sản phẩm dầu mỏ trong nước tăng 8.000 thùng/ngày lên mức 6,12 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, tổng lượng tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ các loại giảm tuần thứ 3 liên tiếp, xuống còn 18,5 triệu thùng/ngày.

* Trên thị trường chứng khoán, Phố Wall (Mỹ) ghi nhận mức giảm mạnh trên sàn Nasdaq, trong khi các chỉ số Dow Jones và S&P chỉ giảm nhẹ. Nguyên nhân là do tác động của thông tin khu vực kinh tế dịch vụ nước này tăng trưởng kém hơn dự đoán.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, xuống còn 1.391,57 điểm. Dow Jones Industrial giảm 0,5%, xuống còn 13.206,59 điểm. Nasdaq Composite giảm 1,2%, xuống chốt phiên ở mức 3.024,3 điểm.

Tại châu Âu, các chỉ số tăng giảm đan xen nhau bất chấp nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế khu vực của Chủ tịch ECB. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng nhẹ 0,1%.

Tổng kết trên các thị trường thành viên: Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,15%, lên thành 5.766,55 điểm. CAC 40 của Pháp giảm 0,09%, xuống còn 3.223,36 điểm. DAX của Đức dừng ở mức 6.694,44 điểm, giảm 0,24% so với phiên trước đó.

Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,3% so với phiên 2.5. Đây là phiên giảm đầu tiên sau chuỗi 7 ngày tăng liên tiếp của chỉ số này, với tổng mức tăng trên 2%. Chỉ số HSI của Hồng Kông giảm 0,28%, xuống còn 21.249,53 điểm.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,16%; KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,2%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên 3 và 4.5.

Thu Hạnh

>> Giá dầu thô giảm mạnh
>> Iran trả đũa EU, giá dầu thô tăng vọt
>> Chứng khoán Âu, Mỹ giảm sâu
>> Đầu cơ “thổi” giá xăng dầu thế giới
>> Giá dầu thô áp sát mốc 120 USD/thùng
>> Giá dầu thô tăng đột biến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.