GDP tăng cao nhưng đối diện nhiều khó khăn

02/10/2015 06:07 GMT+7

Chiều 1.10, Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ trả lời về nhiều vấn đề từ tình hình kinh tế đến các vụ việc gây chú ý dư luận.

Chiều 1.10, Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ trả lời về nhiều vấn đề từ tình hình kinh tế đến các vụ việc gây chú ý dư luận.

 
Nền kinh tế đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn nhiều khó khănNền kinh tế đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: Đ.N.Thạch
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết tại phiên họp Chính phủ tháng 9, các thành viên Chính phủ ghi nhận những tiến bộ mới của nền kinh tế mà nổi bật là tăng trưởng GDP từ tháng 1 - 9 đạt 6,5%, dự kiến sẽ tăng cao hơn từ nay đến cuối năm.
GDP tăng cao nhất trong 8 năm qua
Theo ông Nên, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 0,4% so với tháng 12.2014, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. “Đây không phải là dấu hiệu giảm phát vì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng vẫn tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011, thể hiện niềm tin tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tăng lên”, Bộ KH-ĐT đánh giá.
Sản xuất tháng 9 của VN giảm dưới 50 điểm
Tổ chức Nikkei (Nhật) hôm 1.10 công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất VN tháng 9.2015. Theo đó, PMI VN trong tháng 9 đã tiếp tục giảm từ 51,3 điểm của tháng 8 xuống 49,5 điểm trong tháng 9 này. Đây cũng là mức giảm thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây và cho thấy ngành sản xuất có một số dấu hiệu thu hẹp so với tháng trước. PMI tháng 8 cũng giảm mạnh so với tháng 7 là từ 52,6 điểm xuống 51,3 điểm. Theo bình luận của các chuyên gia trên Nikkei, tình trạng suy yếu của thị trường thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất VN, quan trọng hơn, ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đã tác động lên lĩnh vực sản xuất VN do giá cả hàng hóa bán ra của Trung Quốc thấp hơn.
Ng.Nga
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thừa nhận nền kinh tế vẫn đang đối diện một số khó khăn như giá dầu thô, hàng hóa thế giới giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy thoái... đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế VN.
Ông Nên cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến VN để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Kiểm tra quy trình bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi
Trả lời các câu hỏi của báo chí về việc tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở KH-ĐT có đúng quy định hay không, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết hiện nay, đã có đủ quy định về quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp sở. Riêng về trường hợp ông Lê Phước Hoài Bảo, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác vào Quảng Nam làm việc để kiểm tra các hồ sơ, xem xét việc bổ nhiệm. “Hiện nay, ngoài quy định của Chính phủ và Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn, chức danh quản lý, thì các địa phương, căn cứ nhiệm vụ của mình cũng có thể bổ sung các quy định của mình tuy nhiên không được trái với quy định của các cơ quan trung ương”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, sau khi nhóm công tác trở về, Bộ Nội vụ sẽ họp báo thông báo chi tiết về việc này, có kết luận cụ thể việc bổ nhiệm ông Bảo có đúng quy định hay không.
Trả lời câu hỏi về việc Thủ tướng có ý kiến gì về xử lý vụ tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội, ông Nên cho biết việc này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND TP.Hà Nội kiểm tra, báo cáo và chiều 30.9, Văn phòng Chính phủ đã nhận được báo cáo của UBND TP.Hà Nội. “Chúng tôi đã trình Thủ tướng báo cáo trên nhưng hôm nay họp Chính phủ nên Thủ tướng chưa xem xét nên tôi chưa nói được gì”, ông Nên nói.
Tuy nhiên, theo ông Nên, UBND TP.Hà Nội đã công bố công khai một số sai phạm của chủ đầu tư và hướng xử lý. “Tình huống đặt ra cho chúng ta phải tiếp tục xem xét, chúng tôi có đề xuất với Thủ tướng xem xét kỹ lưỡng vấn đề, nếu cần thiết, Thủ tướng sẽ lập đoàn thanh tra trước khi có chủ trương xử lý vấn đề này, theo hướng xử lý nghiêm minh”, ông Nên nói.
Về quy hoạch báo chí, ông Nên cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) xem xét, đề xuất kiến nghị của các cơ quan chủ quản báo chí trước khi Thủ tướng có ý kiến của mình. Có mặt tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đình Hưng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết: “Hiện nay, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đang công tác tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, làm việc với các cơ quan chủ quản. Còn sắp xếp thế nào, các cơ quan chủ quản cũng sẽ có kế hoạch. Thủ tướng chỉ phê duyệt quy hoạch sau khi Bộ TT-TT có sự thống nhất với các cơ quan chủ quản”.
Yêu cầu báo cáo vụ bắt buộc... uống bia Sài Gòn
Về việc lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có những yêu cầu bắt buộc các nhà hàng, khách sạn... phải tiêu thụ bia Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết VN đã xây dựng các quy định, chính sách về cạnh tranh. Theo đó, việc Hà Tĩnh có định hướng, yêu cầu người dân, cán bộ uống bia Sài Gòn, có dấu hiệu không phù hợp về luật pháp, về quy định cạnh tranh.
“Để có thể đánh giá về những điều hành, chỉ đạo cụ thể của các cơ quan địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã yêu cầu tỉnh báo cáo cụ thể. Trên cơ sở đánh giá của các cơ quan liên quan, chúng tôi sẽ có bước tiếp theo để đảm bảo thực hiện đúng luật Cạnh tranh và cam kết của VN”, ông Trần Tuấn Anh nói.
 
Chỉ hơn 240.000 doanh nghiệp nộp thuế
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hôm qua tổ chức phiên họp toàn thể xem xét, thẩm tra những nội dung về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, dự kiến kế hoạch năm 2016 và những định hướng lớn của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp, dự kiến một số chỉ tiêu của năm 2016 như GDP tăng 6,7%. Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương, tổng số doanh nghiệp (DN) đăng ký trong 5 năm 2011 - 2015 đạt gần 924.000 DN, trong đó thành lập mới là 377.000 DN. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi tỏ ra nghi ngờ con số này vì trong thực tế, chỉ có hơn 240.000 DN nộp thuế, còn đăng ký bảo hiểm xã hội khoảng 170.000 DN. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng báo cáo của Bộ KH-ĐT cần làm rõ 9 vấn đề, chẳng hạn trong 5 năm qua VN đã thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những kết quả gì, tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước đã đạt được mục tiêu hay chưa, tái cấu trúc thị trường như thế nào khi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn rất lớn...
N.Trần Tâm
 
Phát hành trái phiếu chính phủ gặp thách thức
Theo Báo cáo tháng 9 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố ngày 1.10, chỉ số đánh giá mức độ rủi ro của việc nắm giữ trái phiếu VN (CDS) tăng trong 2 tháng cuối quý 3. Chỉ số CDS 5 năm tính đến giữa tháng 9 ở mức 260 điểm, cao hơn mức 200 điểm của đầu năm và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2014.
Cũng theo báo cáo này, dự báo triển vọng kinh tế năm 2016 tăng trưởng với những yếu tố thuận lợi như xuất khẩu tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn so với năm 2015, giá hàng hóa phục hồi... Bên cạnh đó còn có các yếu tố như vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc tìm đến những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có VN; tiêu dùng phục hồi tốt hơn nhờ lạm phát thấp và hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện... Tuy nhiên, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2016 đó là cân đối ngân sách được dự báo cải thiện nhưng không lớn.
Mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đang là một thách thức. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP trong tháng 9 chỉ đạt 20,7%. Tính từ đầu năm, trái phiếu kỳ hạn 15 năm đã phát hành vượt kế hoạch (133,8%), trong khi đó trái phiếu 5 năm và 10 năm hiện mới đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch năm. Tỷ lệ huy động TPCP thành công là 54% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,6 năm, đạt thấp (38,5%) so với kế hoạch năm 2015. Nếu tính cả tín phiếu và TPCP kỳ hạn 20 năm, đã thực hiện phát hành 156,48 nghìn tỉ đồng TPCP, bằng 63% nhiệm vụ huy động vốn TPCP cả năm. Do đó, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016.
T.Xuân - Hồng Sương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.