Gần 30% doanh nghiệp FDI cố tình báo lỗ

10/04/2015 06:10 GMT+7

Tại hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế VN”, do Trung tâm thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH-ĐT tổ chức hôm qua (9.4), mặc dù thừa nhận dòng vốn FDI đã góp phần rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế VN, nhưng một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc thu hút nguồn vốn này ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả…

Tại hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế VN”, do Trung tâm thông tin dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ KH-ĐT tổ chức hôm qua (9.4), mặc dù thừa nhận dòng vốn FDI đã góp phần rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế VN, nhưng một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc thu hút nguồn vốn này ở một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả…
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên gia nghiên cứu của NCIF, vốn FDI đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ với kinh tế VN trong nhiều thời kỳ. Tính đến năm 2014, vốn FDI góp phần tăng khu vực dịch vụ trong nền kinh tế từ 40% lên 44%, giảm tỷ lệ trong GDP của ngành nông nghiệp từ 22% xuống 18%... và đóng góp ngân sách không ngừng tăng, từ 5,2% năm 2000 lên 14,3% năm 2014. Các doanh nghiệp (DN) có vốn FDI đã giúp VN đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường sang các nước lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu và tạo 3,7 triệu việc làm… Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho rằng thu hút vốn FDI tại VN còn những điều chưa đạt hiệu quả cao. “Chúng ta có thể thấy công nghệ tiên tiến còn ít, các DN vốn FDI ít sử dụng công nghệ nguồn. Tình trạng trốn thuế và chuyển giá lớn khi có tới 20 - 30% DN FDI kê khai lỗ 2 - 3 năm, thậm chí 5 năm và phổ biến là kê khai chi phí đầu vào tăng để báo lỗ”, ông Hoàng nói.
Cơ cấu đầu tư của vốn FDI cũng chưa cân đối, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, xây dựng và ở những địa phương có hạ tầng tốt và chiếm độc quyền trong một số ngành, có xu hướng làm méo mó thị trường như các ngành: chất tẩy rửa, thức ăn gia súc... Điều đáng lo ngại nữa là các DN FDI vi phạm quy định bảo vệ môi trường có xu hướng tăng, theo một xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Đặc biệt, dòng vốn FDI nhiều năm qua chưa có tác động lan tỏa rõ ràng với từng vùng kinh tế.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhận xét hoạt động chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI đã không như người làm chính sách VN mong muốn trong 25 năm qua. Thực tế, với hơn 18.000 dự án FDI đã đầu tư thì có tới 82% là 100% vốn nước ngoài, nên không có chuyển giao công nghệ cho phía VN. Theo ông Hoàng, phải có những chính sách đột phá về thuế mới khuyến khích DN FDI đưa công nghệ cao vào.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ KH-ĐT, cho rằng mối liên kết giữa FDI và DN trong nước chưa được quan tâm đầy đủ. “Các DN FDI tập trung đông ở các khu công nghiệp nhưng phân tán về ngành, không có nhiều hoạt động liên kết với DN của VN. Ví dụ, Công ty Canon đầu tư rất lớn vào VN từ năm 2001, có 100 nhà cung cấp, tỷ lệ nội địa hóa hơn 40% nhưng DN VN chỉ cung cấp được 10%, chủ yếu các linh kiện đơn giản”, ông Huy nói.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Võ Trí Thành lưu ý, các kết quả khảo sát cho thấy DN nội địa VN “càng ngày càng bé hơn”, trong khi đó DN FDI lại ngày càng hiện diện rõ ràng hơn trong nền kinh tế. Xu hướng DN nhà nước ngày càng thu hẹp thì sẽ chủ yếu là kinh tế tư nhân trong nước và DN FDI nên cần phải rõ hơn về định hướng chính sách với khu vực FDI và những chính sách hỗ trợ cho khu vực DN trong nước phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.