Vươn tới 9 tầng mây

01/05/2015 09:00 GMT+7

Nếu ngồi trên máy bay hoặc khinh khí cầu ở độ cao 10.000 m, bạn sẽ thấy 9 tầng mây dưới chân mình, cảm giác khá thú vị. Nhưng khi ở dưới mặt đất mà muốn tìm cảm giác ấy thì bằng cách nào?

Nếu ngồi trên máy bay hoặc khinh khí cầu ở độ cao 10.000 m, bạn sẽ thấy 9 tầng mây dưới chân mình, cảm giác khá thú vị. Nhưng khi ở dưới mặt đất mà muốn tìm cảm giác ấy thì bằng cách nào?

Tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới ở Dubai - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Hồi còn tại ngũ trong Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh đầu thập niên 1990, một lần chiếc xe Jeep của đơn vị đi từ Pleiku xuống Quy Nhơn dừng lại trên đèo Mang Yang (còn gọi đèo Cổng Trời, thuộc tỉnh Gia Lai), tôi bước xuống để săn ảnh chiều tà. Khung cảnh đất trời phải nói là tuyệt đẹp, tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Và một vẻ đẹp bất ngờ lần đầu bắt gặp chính là mây.
Mây thì có gì lạ, đứng dưới đất cũng nhìn thấy đó thôi! Không phải như vậy, mây trên đỉnh đèo khác hẳn, từng lọn mây lần lượt lướt qua đôi chân tôi như muốn rủ rê lữ khách bay theo về chốn thiên đàng.
Đỉnh nhà giăng mây
Cất nhà trên núi cao như người Tây Tạng thì chuyện tiếp xúc với mây diễn ra mỗi ngày. Xây nhà ở vùng đất thấp, vùng đồng bằng hoặc sa mạc mà với tay chạm được vào mây mới là chuyện khó. Ấy vậy mà con người vẫn làm được. Đó là những công trình xây dựng cao chót vót nằm rải rác khắp 5 châu, có thể kể ra như: tháp Eiffel ở Pháp, tháp truyền hình Tokyo ở Nhật, tháp truyền hình ở Úc và New Zealand, tòa tháp 101 ở Đài Loan, tháp đôi Petronas ở Malaysia, tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai, những tòa nhà chọc trời ở Mỹ…
Tháp đôi Petronas ở Malaysia - Ảnh: Đ.X.H
Tháp đôi Petronas ở Malaysia - Ảnh: Đ.X.H
Tôi có may mắn đã đặt chân lên phần lớn trong số những tòa tháp vừa kể.
Khi xây các công trình cao tầng, mục đích đầu tiên là phục vụ cho công việc phát sóng truyền hình và truyền thanh, càng cao phủ sóng càng tốt. Kế đến là gây ấn tượng với thế giới, giống như một công trình để đời vậy.
Tất nhiên công trình ấy không chỉ có chiều cao thôi, mà phải đẹp về mặt kiến trúc nữa. Đi tiên phong trong cuộc cách mạng “đâm thủng bầu trời” chính là tháp Eiffel ở thủ đô Paris - biểu tượng của nước Pháp. Tháp Eiffel khánh thành vào năm 1889, hoàn toàn bằng sắt, cao 300 m. Sau đó người ta lắp thêm cây ăng ten thu phát sóng dài 25 m lên đỉnh tháp vào năm 1959 giúp nó cao tổng cộng 325 m, trở thành công trình kiến trúc cao nhất thế giới kể từ đó và giữ kỷ lục này cho đến khi bị người Mỹ “lật đổ”.
“Kẻ lật đổ” chiều cao của tháp Eiffel chính là công trình tháp Empire State, cao 381 m ở New York, hoàn thành vào năm 1931. Ở nước Mỹ, các tòa nhà cao từ 250 m đến hơn 400 m nhiều vô kể. Nếu không có vụ khủng bố 11.9.2001, hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới (WTC) sẽ đứng thứ 2 và 3 về độ cao (417 m và 415 m), chỉ sau tòa nhà Willis Tower (tên cũ là Sears) ở Chicago (442 m) tính đến thời điểm đó. Vô địch về chiều cao hiện nay ở Mỹ thuộc về tòa tháp One World Trade Center ở New York (541 m), xây dựng lại trong khuôn viên của WTC đã bị đánh sập. Tuy nhiên, những tòa nhà đứng đầu thế giới về độ cao tính đến thời điểm này lại thuộc về châu Á.
Vào năm 2003, công trình mang tên Đài Bắc 101 ở Đài Loan trở thành tòa nhà cao nhất thế giới với 509 m, phá kỷ lục của tháp đôi Petronas ở Malaysia (452 m). Thế nhưng kỷ lục này trụ được có 7 năm, vì vào năm 2010, người Ả Rập đã thiết lập kỷ lục mới bằng công trình “nhìn muốn gãy cổ” mang tên Burj Khalifa ở Dubai với chiều cao 828 m. Ngoài chuyện vô địch về độ cao, bên trong tòa nhà Burj Khalifa còn có thánh đường Hồi giáo cao nhất thế giới, hồ bơi cao nhất địa cầu và thang máy nhanh nhất hành tinh (64 km/giờ). Có vẻ như “chàng công tử Ả Rập” xứ Dubai muốn cái gì cũng nhất thiên hạ. Và họ đã làm được.
Thì thầm với thượng đế
Cách nay hơn 4.500 năm, đất nước Ai Cập cổ đại đã từng có một công trình xây dựng cao nhất thế giới thời bấy giờ, đó là kim tự tháp Kheofs - lăng mộ của vua Ai Cập (Pharaon) Kheofs: cao 147 m tính từ mặt đất.
Với độ cao này, người Ai Cập tin rằng vị chúa tể của họ sẽ được gần hơn với các vì tinh tú và “bước” vào cánh cửa thiên đường một cách thuận tiện nhất để diện kiến các vị thánh thần. Không biết trong số các công trình nhà chọc trời hiện nay trên thế giới có cái nào cùng ý tưởng với các Pharaon hay không. Bởi nếu có, thì cánh cửa thiên đường đã gần hơn gấp nhiều lần so với các kim tự tháp Ai Cập.
Tháp Eiffel ở Paris (Pháp)- Ảnh: Đ.X.H
Tháp Eiffel ở Paris (Pháp)- Ảnh: Đ.X.H
Hầu hết các tòa nhà chọc trời trên thế giới đều có nhà hàng trên tầng cao, giúp du khách vừa thưởng thức ẩm thực, vừa có cái nhìn bao quát không gian thành phố, thú vị nhất là vào ban đêm. Vì có vị trí khá đặc biệt như vậy, cho nên muốn dùng bữa tối trên các “nhà hàng không trung” này, bạn phải đặt chỗ trước vài ngày, thậm chí vài tuần, mặc dù giá khá đắt. Ngồi trên những nhà hàng này tạo cho ta một cảm giác thú vị vô cùng. Lúc ấy, bạn có thể với tay “hái sao trên trời” dễ hơn nhiều so với đứng dưới mặt đất. Và những ai có đời sống tâm linh đều có thể đứng trên đỉnh của các tòa nhà này để nói những lời thì thầm với thượng đế. Há chẳng thú vị sao?
Truyện khoa học giả tưởng
Có một điều chắc chắn, chiều cao 828 m của tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai sẽ bị một công trình khác phá kỷ lục. Hình như càng ngày con người càng muốn tạo ra các công trình cái sau cao hơn cái trước. Vì đất chật người đông chăng? Không phải lý do đó. Cái chính là vì những phát kiến ứng dụng về mặt khoa học - kỹ thuật trên thế giới ngày nay tiến bộ theo từng ngày, trình độ xây dựng vì thế cũng tiến bộ theo.
Đến một ngày nọ trong tương lai, người ta hoàn thành một tòa tháp cao... 378.032 km. Con số này gợi lên điều gì? Đó là khoảng cách từ bề mặt địa cầu tới cung trăng. Đến rằm tháng tám, bạn chỉ cần bước vào thang máy siêu tốc, ấn nút một cái tích tắc đã vượt khỏi 9 tầng mây và chẳng bao lâu lên tới đỉnh tòa tháp. Đến nơi, cửa thang máy mở ra, bạn chỉ việc bước ra là đặt chân lên… mặt trăng, dạo một vòng tìm chị Hằng và chú Cuội để “hàn huyên tâm sự”, nhâm nhi bánh trung thu, rồi bước vào thang máy nhấn nút xuống lại trái đất.
Theo bạn thì “dự án” siêu thực nói trên có thành hiện thực? Không ư? Cũng chẳng sao, vì cách nay 500 năm, khi thiên tài Leonardo da Vinci phác thảo chiếc máy bay trực thăng sơ khai đầu tiên của nhân loại, trông nó giống như một cái... máy cắt cỏ. Leonardo da Vinci đâu có ngờ rằng 5 thế kỷ sau, hậu duệ của ông đã chế tạo ra phản lực cơ siêu thanh, thậm chí cả chiến đấu cơ tàng hình không người lái biết... thả bom.
Trong sự tiến hóa của nhân loại, mọi chuyện ngoài sức tưởng tượng của con người đều có thể biến thành hiện thực. Hãy chờ xem, nếu bạn sống được 1.000 tuổi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.