Du lịch nhếch nhác - Kỳ 2: Thắng cảnh mất dần

05/05/2015 09:10 GMT+7

Ô nhiễm môi trường đang tấn công các khu du lịch, thắng cảnh ở VN. Không ít thắng cảnh đã tàn lụi chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác.

Ô nhiễm môi trường đang tấn công các khu du lịch, thắng cảnh ở VN. Không ít thắng cảnh đã tàn lụi chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác.

Thác Cam Ly thường xuyên “gánh” ô nhiễm và cạn trơ đá vào mùa khô Thác Cam Ly thường xuyên “gánh” ô nhiễm và cạn trơ đá vào mùa khô - Ảnh: Gia Bình

Resort mọc lên, thắng cảnh biến mất!

Không gian rừng dừa Mũi Né dọc đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) từng tạo cho bãi biển này một điểm nhấn đặc biệt, với hình ảnh những cây dừa lâu năm nghiêng về phía biển rất nên thơ. Thế nhưng, kể từ năm 1995, khi du lịch được khai thác mạnh, rừng dừa tàn dần, nay chỉ còn ít cây sót lại. Resort, nhà hàng ken dày thay thế cho các rặng dừa. Dưới những cây dừa hiếm hoi còn lại là hàng quán bán hải sản bình dân. Không còn dừa, nước biển xâm thực sâu vào bờ, chính quyền phải cho xây kè đá ven biển và trên các bờ kè quán sá tạm bợ lại mọc lên. Ngồi ở các quán bờ kè này, du khách dễ dàng nhìn thấy nước thải xả qua các cống ngầm xuống bãi cát đen ngòm, tạo thành những rãnh nước chảy thẳng ra biển. Rác thải ngổn ngang cả trên bờ kè và dưới bãi biển. Không khí ở các bờ kè đặc quánh mùi hôi. Đối diện, phía bên kia bãi biển, nhà cửa, quán sá cũng chen nhau không theo một quy hoạch nào.

Bãi tắm hay bãi rác?

KDL sinh thái biển Hải Tiến thuộc địa bàn 5 xã Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh và Hoằng Phụ, H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) có tổng diện tích trên 400 ha, hiện đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi hàng chục bãi rác tự phát bao quanh đầy rác ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh, xác gia cầm... Rác thải bị sóng biển cuốn ra xa rồi lại đánh dạt vào bờ, khiến các bãi tắm trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Anh Nguyễn Văn Hải, ngụ xã Hoằng Trường, cho biết tại khu vực này chưa có nơi xử lý rác thải tập trung, nên người dân đem rác ra đổ trong rừng phi lao ven biển và bãi biển. Vì thế, hằng ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, các cơ sở kinh doanh ở đây phải thuê hoặc cắt cử 2 - 3 lao động ra biển thu gom rác thải.

Ngọc Minh

Bãi biển Mũi Né tuyệt đẹp, hoang sơ hoàn toàn bị tàn phá chỉ sau chưa đầy 20 năm được khai thác du lịch ồ ạt.

Hồ, thác ngập rác

Nhiều du khách cho biết họ rất thất vọng khi đến thăm thác Cam Ly và hồ Than Thở ở Đà Lạt, bởi nạn ô nhiễm khủng khiếp, cảnh quan xuống cấp trầm trọng. Ông Lê Đình Thành, Phó giám đốc Khu du lịch (KDL) hồ Than Thở, phân trần: “Mấy năm qua, cứ mỗi khi có mưa lớn là hồ ngập rác. Rác đủ thứ cứ theo dòng nước chảy về đầy hồ. Không chỉ vậy, hồ còn liên tục bị bồi lắng khiến lòng hồ bị thu hẹp”.

Thác Cam Ly còn thê thảm hơn. Dòng nước trắng xóa ầm ầm tuôn chảy ngày nào giờ đã không còn, thay vào đó là dòng nước đen kịt, đầy bọt, bốc mùi hôi tanh. Các hồ nước nhỏ trong KDL cũng đen thui một màu. Theo đại diện Công ty CP du lịch Đà Lạt (chủ quản KDL thác Cam Ly), nhiều năm qua công ty tốn không ít tiền của để đầu tư xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng không thể cải thiện được do thác Cam Ly hứng trọn nguồn nước thải từ suối Phan Đình Phùng và hồ Xuân Hương, mang đến đầy rác và nước thải sinh hoạt. Anh Nguyễn Hoài Nam (du khách đến từ Đà Nẵng) bức xúc: “Nghe tiếng hai thắng cảnh này rất thơ mộng nên khi đến Đà Lạt, vợ chồng tôi tìm tới. Nhưng thật thất vọng vì cả hai đều bị ô nhiễm và cảnh quan quá xấu. Lẽ nào thắng cảnh quốc gia lại như vậy!”.

“Đóng cửa” hang động

Sa Pa cũng đang hứng chịu nặng nề tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải sinh hoạt không được xử lý. Thác Bạc là cảnh đẹp ở Sa Pa mà những năm trước du khách luôn tìm tới. Nay do bị “bê tông hóa” khiến thác xấu đi, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nên nhiều công ty du lịch không còn đưa thác Bạc vào chương trình tham quan. Thắng cảnh chùa Hương cũng rơi vào cảnh tương tự khi rác, chai lọ nổi bập bềnh trên các bến thuyền. Con đường từ bến thuyền lên núi người ta bày bán rất nhiều hàng hóa trông lộn xộn, nhếch nhác...

Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng ô nhiễm tại hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Hệ thống thạch nhũ lung linh trong các hang động kỳ vĩ nơi đây đang đối mặt với sự xuống cấp, bào mòn bởi sự vô ý thức của du khách khi đến tham quan. Những ai đã từng đến động Phong Nha đều biết điểm cuối trong hành trình tham quan động là hang Bi Ký, với vòm hang rộng lớn thông từ sông ngầm lên phía trên cao như một hội trường. Trong hang có một số ký tự người Chăm. Ở cuối hang có 2 cột thạch nhũ nhỏ nối trần với nền hang được ví như 2 cột chống trời. Sau một thời gian khai thác, bề mặt 2 cột thạch nhũ bị đen láng trở nên xấu xí. Nguyên nhân là rất nhiều người đến đó đã sờ và vuốt tay lên cột, thậm chí một thời gian dài người ta còn nhét tiền lên từng khe thạch nhũ như để cầu may. Chưa hết, không ít người vô ý thức đã tiểu tiện tại một số góc khuất, khiến cả lòng hang bốc mùi khai, xú uế rất khó chịu. Đáng nói, suốt nhiều năm Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Trung tâm du lịch không quan tâm đúng mực, không có biện pháp quản lý hiệu quả; trong khu vực này ban chỉ cử 1 - 2 nhân viên bảo vệ, không đủ để lưu ý, nhắc nhở du khách. Theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, để không gian tự nhiên của hang được hồi phục, mới đây trung tâm đã dừng khai thác đại trà hang Bi Ký. Còn tại hang Tiên, trung tâm phải dựng hàng rào bao quanh để hạn chế tình trạng du khách sờ tay lên các cột thạch nhũ. Thế nhưng, không ít người vẫn cố tình với tay vào để sờ, hoặc ngồi lên các thành rào chụp ảnh gây nguy cơ đổ gãy, hư hỏng.

Bờ hồ Than Thở đầy rác thảiBờ hồ Than Thở đầy rác thải

Một vấn đề mà Phong Nha - Kẻ Bàng đang đối mặt nữa là rác thải. Khu danh thắng này dần mất đi hình ảnh đẹp bởi sự kém ý thức của người dân sở tại khi họ xả rác và tập kết bừa bãi. Rác thải từng đống chất đầy, kéo dài trên đường Hồ Chí Minh, đoạn ngay cửa ngõ vào trung tâm KDL. Tình trạng này mới xuất hiện và chưa thấy chính quyền địa phương nhắc nhở, có biện pháp xử lý.

Tận thu cảnh quan

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, thừa nhận tình trạng ô nhiễm và cảnh quan xuống cấp của thác Cam Ly và hồ Than Thở. “Bên cạnh yếu tố khách quan, các chủ đầu tư cũng chưa thật có nhiều động thái trong việc tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với KDL hồ Than Thở, cách sắp xếp dịch vụ cũng chưa ổn, đầu tư chưa nhiệt tình, nói thẳng ra là đang “tận thu”, tận dụng tự nhiên để thu tiền”, bà Ngọc phát biểu.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.