Du lịch hủy diệt cảnh quan - Kỳ 4: Ngành du lịch gánh chịu hậu quả

16/03/2013 03:00 GMT+7

Chính ngành du lịch sẽ gặp khó, đầu tiên về tình trạng phát triển du lịch coi nhẹ tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và cảnh quan.

Du lịch hủy diệt cảnh quan - Kỳ: Ngành du lịch gánh chịu hậu quả
Không gian Mũi Né ngày càng chật hẹp - Ảnh: Quế Hà

Sẽ chẳng còn gì để xem

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, kể: Một vị khách Pháp của ông, sau khi lên đảo và nhìn quanh một vòng cơ ngơi của một khách sạn ở vịnh Nha Trang, đã tuyên bố không quay lại nữa. “Làm du lịch là đưa khách về với thiên nhiên, vậy mà người ta nỡ lòng phá nát chúng”, người khách này nói. Những gì đang diễn ra tại Việt Nam trái hẳn với xu hướng tìm về thiên nhiên, với phong cảnh hoang sơ, mà thế giới đang theo đuổi.

Hủy hoại cảnh quan thiên nhiên là tình trạng xảy ra ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Sapa… Theo ông Huê, khi phát triển sản phẩm du lịch mới, các doanh nghiệp (DN) du lịch lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều không tính tới các tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên. DN nghĩ ra tuyến điểm mới, tổ chức khảo sát, thiết kế và đem ra bán cho du khách. Nhà nước theo sau quảng bá mà không có một định hướng để phát triển sản phẩm bền vững.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), thừa nhận các đánh giá về tác động môi trường của các dự án du lịch thường chỉ mang tính thủ tục. DN quan tâm nhiều đến việc làm sao để sản phẩm du lịch hấp dẫn, bán càng nhiều càng tốt. Các tác động về môi trường không phải là trách nhiệm của họ. Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm tràn lan ở các danh lam thắng cảnh hay danh thắng, dĩ nhiên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Làm du lịch ở VN là khai thác ba “món”: Trời, đất và nước. Đối với trời, du khách đến VN phải thấy được bầu trời xanh, nắng, gió không bị che khuất bởi các kiểu kiến trúc khác nhau. Nhưng không gian như thế ở ta đang bị mất đi. Mũi Né, Phú Quốc hay Nha Trang đều đang như vậy. Thắng cảnh ở ta nhiều nơi ngập đầy rác, nhà vệ sinh kém dơ bẩn… Cứ như thế, chẳng còn lý do gì để du khách tìm đến. Ông Huê trầm ngâm: “Rồi đây du khách đến VN sẽ chiêm ngưỡng những gì khi ở khắp nơi, thắng cảnh đang bị khai thác một cách tan hoang”.

Trả giá đắt

Theo TS Phạm Trung Lương, cảnh quan du lịch xuống cấp là vấn đề được nêu ra trong rất nhiều cuộc hội thảo trước đây. Tuy nhiên, thực tế không có gì biến chuyển, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do ý thức của người tham gia du lịch ở VN không cao (cả DN và du khách), quản lý nhà nước cấp địa phương không hiệu quả, các chế tài không đi vào thực tiễn. Thực ra, các chế tài về bảo vệ môi trường, danh thắng… trong hoạt động du lịch đã có từ năm 2002 (quy chế bảo vệ môi trường du lịch), bên cạnh đó là luật Môi trường; luật Văn hóa, Di sản…  Và chính ngành du lịch lại gánh chịu hậu quả này bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài, rất “nhạy cảm” với môi trường điểm đến. Dễ thấy nhất là du khách không quay lại. Một du khách không quay lại thì có thể du lịch VN còn mất nhiều người khách khác do truyền miệng, khi cải thiện được cũng khó thuyết phục du khách. Nhiều DN du lịch thừa nhận nếu không bảo vệ môi trường thiên nhiên ở các điểm đến một cách triệt để, du lịch VN khó trở thành một điểm đến uy tín trên thế giới.

Theo một số nhà chuyên môn, trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước tìm giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại cảnh quan, có thể trích một phần lợi nhuận từ du lịch để tái tạo môi trường, cảnh quan. Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM Lã Quốc Khánh đánh giá đó là ý tưởng tốt. “Nhưng để làm được việc này phải có chỉ đạo vĩ mô. Chúng tôi thì chỉ có thể làm từ những việc nhỏ như vận động DN, nhân viên tham gia bảo vệ môi trường. Còn những việc lớn cần có chính sách tầm quốc gia”, ông Khánh nói.

Theo Tổng cục Du lịch, tổng doanh thu của ngành này lên tới 160.000 tỉ đồng trong năm 2012. Nếu có chủ trương trích một phần lợi nhuận thu được từ du lịch để đầu tư thực hiện các chương trình vận động, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đầu tư tái tạo cảnh quan, xử lý môi trường… thì sẽ rất hữu ích. TS Phạm Trung Lương cho hay ông từng nhiều lần đề xuất giải pháp này nhưng không được quan tâm. Nhiều nước trên thế giới đã làm việc này khi cho phép đấu thầu quản lý điểm tham quan, như Campuchia áp dụng cho cụm đền Angkor Wat rất hiệu quả. Ở VN, có thời gian, chính quyền địa phương cũng từng dự định cho đấu thầu vịnh Hạ Long, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy kết quả. 

Coi nhẹ tác động tiêu cực

Có những lúc chúng ta coi nhẹ việc phát triển sản phẩm du lịch có tác động như thế nào lên môi trường tự nhiên. Cần có cơ quan nghiên cứu, tham mưu quyết định cho quá trình phát triển sản phẩm. Phải có sự kết hợp tốt giữa cơ quan quản lý ngành và cơ quan quản lý trên địa bàn địa phương thì mới phát triển du lịch được bền vững. Hiện nay đặt vấn đề du lịch có trách nhiệm với môi trường là quá chậm.

Ông Lã Quốc Khánh (Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM)

Đáng báo động

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm đến, bê tông hóa tràn lan hay danh thắng hao mòn sau một thời gian ngắn khai thác du lịch là đáng báo động. Tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh được hình thành cả ngàn năm nhưng lại mất đi chỉ vì khai thác du lịch không hợp lý là vô cùng đáng tiếc. Nguyên nhân do chúng ta khai thác không có quy hoạch, hoặc có quy hoạch nhưng thực hiện không đúng; cũng có thể do ý thức xã hội yếu và hiệu lực quản lý nhà nước chưa sâu. Tài nguyên là vô giá. Nên chẳng có sự trả giá nào thích đáng. Để hiện trạng như ngày nay, trách nhiệm trước hết là của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Còn phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này, thì có nhiều thứ cần phải làm, trong đó quan trọng là phải nâng cao nhận thức hoạt động của ngành du lịch.

Ông Nguyễn Phú Đức (Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch)

N.Trần Tâm

>> Du lịch hủy diệt cảnh quan
>> Du lịch hủy diệt cảnh quan - Kỳ 2: Bê tông hóa tràn lan
>> Du lịch hủy diệt thiên nhiên - Kỳ 3: Thiên đường... ngập rác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.