Du lịch hủy diệt cảnh quan - Kỳ 2: Bê tông hóa tràn lan

14/03/2013 03:10 GMT+7

Nhiều điểm đến đẹp ở Việt Nam đã bị hủy hoại bởi tình trạng bê tông hóa khiến những người làm du lịch lâu năm cũng không thể nào nhận ra vẻ đẹp hoang sơ của nhiều điểm tham quan nổi tiếng.

Băm nát Phú Quốc

Bãi biển Dinh Cậu nổi tiếng với bãi cát vàng ánh, đẹp tinh khiết, chạy dài theo bãi biển trong lành, mát mẻ. Nhưng đó là chuyện của 10 năm trước. Vài năm trở lại đây, tuyến đường Trần Hưng Đạo mọc lên dày đặc những dãy khách sạn và một số công trình cao trên 10 tầng. Du khách đứng ngay trên đất đảo nhưng chẳng thể thấy được biển ở nơi nào.

 

Phú Quốc có nguy cơ mất bãi biển

“Khi còn kiêm chức Chủ tịch UBND huyện và Trưởng ban Quản lý đầu tư - phát triển đảo Phú Quốc, tôi đã đề nghị Hội đồng kiến trúc tỉnh nên quy hoạch không gian bãi biển cho thật thoáng, theo lối răng lược để đảm bảo luồng gió thông thoáng từ biển vào. Theo quy định của UBND tỉnh, từ mép nước biển trở lên 50 m là bãi công cộng để người dân địa phương và du khách có thể xuống tham quan, khám phá biển, thế nhưng lại không quy hoạch những đường xương cá đi xuống. Nếu cứ theo quy hoạch như hiện nay thì sau năm 2030 dự kiến sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách, Phú Quốc sẽ chẳng có bãi biển cho khách vui chơi”.

Ông Văn Hà Phong, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc

Ngoài ra, không chỉ những khu du lịch, khách sạn lớn mà một số nhà hàng, quán ăn cũng lấn biển. Nhiều quán ăn nhỏ hơn và công trình dân dụng của các hộ dân cũng thi nhau lấn ra. Tình trạng tự phát trong xây dựng này đã sản sinh những bãi bê tông kệch cỡm, quái đản... “giết chết” biển Phú Quốc. Trong đó, cảnh quan của bãi biển dài gần 5 km từ Trạm khí tượng thủy văn ở thị trấn Dương Đông đến Cửa Lấp (xã Dương Tơ) cũng bị phá nát. Trước mặt biển, khu resort, khách sạn nào cũng có những bờ kè đá cao gần 2 m, dài từ vài chục đến vài trăm, thậm chí hàng nghìn mét, uốn lượn, trồi sụt chẳng giống ai.

Từ khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc đổ xuống khu du lịch Thái Bình Dương, Eden đều dựng lên công trình bê tông án ngữ hết cảnh quan bờ biển, ngăn chặn những con suối chảy quanh các khu du lịch này. Quy hoạch xây dựng ở đây chẳng theo một hình mẫu nào, mạnh ai nấy làm. Có khu nhà nghỉ nằm xen kẽ với những… khu mộ, nhiều nhà nghỉ kéo dài tới sát biển. Kiến trúc bị sao chép một cách tùy tiện, không phù hợp với cảnh quan, gây rối mắt, kệch cỡm...

Phú Quốc hiện có 13 bãi biển lớn, nhưng theo quy hoạch 1/2.000 và 1/500 thì có rất ít đường công cộng để người dân địa phương và du khách xuống biển. Chạy dọc theo khu vực Bãi Trường, các dự án đang xây dựng hiện nay cũng quy hoạch đường công cộng đi xuống biển. Thậm chí, nhiều dự án treo bảng “cấm vào”, triệt mất đường ra biển của người dân.

Bê tông hóa khốc liệt

Nhiều bãi biển khác ở trong nước cũng chịu chung số phận với Phú Quốc, chẳng hạn như Mũi Né. Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, trước đây quy định của UBND tỉnh Bình Thuận áp dụng cho các resort được xây dựng không quá 30% diện tích đất. Nay thì quy định này được siết lại còn 25%. Tức là diện tích xây dựng trong resort sẽ ít đi, tăng diện tích trồng cây xanh và không gian trống. Riêng con đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.Phan Thiết, nơi có nhiều resort nhất) thì chỉ giới xây dựng tính từ tim đường là 15 m. Ở phía bờ biển, tính từ ranh giới được cấp đất phải lùi vào trong 50 m mới được xây dựng. Về chiều cao, chỉ được xây một trệt, một lầu, cao không quá 10,5 m.

Thế nhưng, trong thực tế, các quy định này không được các chủ đầu tư tuân thủ. Nhiều resort xây dựng hồ tắm hoặc các công trình bê tông kiên cố sát ven biển, có nơi chỉ cách mép nước biển 5 m. Về độ cao, rất nhiều chủ resort cũng không chấp hành. Một số resort xây dựng cao hơn 20 m, cao hơn cả ngọn dừa ngoài 40 tuổi. Một đặc điểm khác ở Mũi Né là nhiều resort “tí hon”, có những resort rộng chưa đầy 2.000 m2. Do thiếu đất, nhưng lại muốn có nhiều phòng, nên các chủ đầu tư đã triệt hạ bớt cây dừa, vốn có từ mấy chục năm trước của người dân bản địa, để xây thêm phòng. Thậm chí, có những resort hiện nay diện tích bê tông chiếm đến 70%.

Du lịch hủy diệt cảnh quan
Phú Quốc đang bị băm nát bởi các công trình bê tông - Ảnh: Giang Sơn

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận Trần Văn Bình nhận định tình hình bê tông hóa Mũi Né đúng là đang diễn ra khốc liệt. Nhưng tốc độ ấy không thể đổ thừa cho các resort. Các resort càng có thương hiệu thì càng tuân thủ chặt chẽ các quy định về xây dựng cũng như môi trường. Góp phần bê tông hóa và kinh doanh theo kiểu bát nháo hiện nay là các nhà trọ nhỏ nằm xen kẽ với các resort.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở TP.Đà Lạt, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một rừng thông mênh mông cùng với hồ nước trong xanh, khu du lịch (KDL) Thung lũng Tình yêu. Thế nhưng, những năm trở lại đây, nét tự nhiên của thắng cảnh quốc gia này đã không còn nguyên vẹn bởi cách làm du lịch không bền vững. Đồi thông phía trước đã mọc lên nhiều công trình nhân tạo khiến khu vực này trông thô cứng do những mảng xi măng và đá.

Ông Phan Khắc Cử, Phó giám đốc Công ty CP du lịch Thung lũng Tình yêu, lý giải: “Do hằng năm, KDL đón lượng khách rất đông, hơn nữa đặc thù Đà Lạt trời mưa nhiều, khách giẫm đạp nát hết cỏ và tạo ra những vũng sình lầy nên chúng tôi đầu tư những con đường cho khách đi. Bên cạnh đó là đầu tư bãi giữ xe và công trình để tạo ra những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Sắp đến, chúng tôi sẽ tháo dỡ một số công trình”.

Bên cạnh Thung lũng Tình yêu, KDL Đồi Mộng Mơ cũng bị bê tông hóa. Ngoài ra, tại thác Cam Ly, Sân khấu nhạc nước Cam Ly (Đà Lạt) có khán đài hơn 2.000 chỗ ngồi, cùng nhà hàng 300 thực khách với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng đã được Công ty công nghệ giải trí Tết đưa vào sử dụng từ đầu tháng 2.2010. Sân khấu này đã khiến phần lớn thắng cảnh thác Cam Ly bị bê tông hóa, xấu trầm trọng. Hoạt động chưa được bao lâu thì sân khấu này “chết yểu” để lại đống bê tông, sắt thép. Bây giờ thì KDL Cam Ly phải “è cổ” ra để xử lý, trồng cây, trồng hoa để che phủ.  

N.T.Tâm - G.Sơn - G.Bình - Q.Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.