Dự án luật Đất đai (sửa đổi): Phải chấm dứt khiếu kiện triền miên

07/11/2012 08:45 GMT+7

Thảo luận tại tổ về dự án luật Đất đai (sửa đổi) chiều qua 6.11, đa số các ĐB đều đề nghị, sửa luật cần làm thế nào để chấm dứt tình trạng giá đền bù đất của nhà nước và giá thị trường vênh nhau quá lớn dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp liên miên như thời gian qua.

 

Luật mới sẽ không còn tình trạng tùy tiện

Trao đổi với báo chí về ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận thu hồi đất đai thời gian qua còn quá tùy tiện. Chúng ta thu hồi đất xong không biết, không để ý xem người dân họ đi đâu, sống thế nào. Bài học đó là quá thấm thía rồi, nên cần phải sửa, phải khắc phục. "Tới đây luật mới sẽ không có chuyện tùy tiện, nhà nước muốn thu hồi ở đâu thì thu hồi. Trước khi thu hồi phải lấy ý kiến của người dân; có điều tra, khảo sát, hiện trạng đất đai, tình hình dân cư xem ý kiến người dân thế nào để công khai minh bạch, để chia sẻ lợi ích với người dân”, ông Quang nói.

“Ông chủ” phải đi xin ?

ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH cho hay: 48% cơ quan T.Ư và 37% cơ quan địa phương đề xuất phải có sở hữu tư nhân về đất đai. Ban sửa đổi Hiến pháp cũng đề nghị có hai hình thức sở hữu, ngoài toàn dân phải có thêm sở hữu tư nhân. Nhưng Nghị quyết T.Ư 7, khóa 9 quyết định chỉ có hình thức duy nhất, đất đai là sở hữu của toàn dân. Nhà nước nếu thu hồi thì chỉ rơi vào trường hợp đặc biệt và thực sự cần thu hồi thôi.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lật lại một số bất cập khi Hiến pháp quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu,  nhưng trong luật Đất đai lại chỉ quy định quyền đại diện, không quy định quyền của “ông chủ” - là người dân đang sở hữu, dẫn tới “ông chủ” trở thành người sử dụng, không phải chủ sở hữu. “Theo tôi, phải khắc phục tình trạng này, phải có điều khoản quy định quyền của nhân dân đối với đất đai, đó là quyền định đoạt đối với tài sản của mình, “ông đại diện” không được phép vi phạm quyền này”, ĐB Nghĩa đề nghị và khuyến cáo: “Nếu không khắc phục thì ông chủ sẽ lại phải đi xin, còn ông đại diện lúc nào thích thì cho, lúc nào cần thì thu hồi lại, quan hệ như vậy là ngược lại với Hiến pháp”.

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) đề nghị: “Cần sửa đổi luật theo hướng nhà nước trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất. Áp dụng trong trường hợp cần thiết phù hợp với quy định Hiến pháp. Sau đó, cần xây dựng luật trưng mua, trưng dụng và tài sản khác gắn liền với đất để đảm bảo quyền lợi của người dân”.

Đền bù xong... mặc kệ

Liên quan đến bồi thường cho người sử dụng đất, theo ĐB Sang còn có nhiều bất cập gây bất bình đẳng vì giá đền bù thấp hơn giá thị trường. “Khung giá đất Chính phủ quy định cao nhất 81 triệu/m2, thực tế có thửa đất bán hàng trăm triệu, Hà Nội có nơi bán tỉ đồng/m2, tạo ra khoản địa tô chênh lệch rất lớn. Trên cùng 1 thửa đất có 2 giá đền bù khác nhau dẫn tới tranh cãi. Vì vậy, nên thu hẹp lại, nhà nước chỉ thu hồi đất phục vụ cho quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng. Còn đối với các dự án kinh doanh khi đã chuyển nhượng được 80% diện tích đất, 20% còn lại DN có quyền đề nghị cơ quan nhà nước hỗ trợ. Nhà nước hỗ trợ thu hồi phần diện tích và tài sản trên đất còn lại ở mức 20%, như vậy để tránh việc nhà đầu tư lợi dụng chính sách này dồn ép người dân”.

Phải chấm dứt khiếu kiện triền miên
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại tổ - Ảnh: Tuyết Mai

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị: Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà chuyển sang xây dựng đất đô thị thì chênh lệch giá cực kỳ lớn, người dân không chấp nhận mức đền bù theo giá đất nông nghiệp nữa vì khi chuyển đổi mục đích sử dụng giá đất tăng rất nhiều. Nên có cơ chế riêng trong những trường hợp này để người dân được hưởng một phần chênh lệch đó.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề: thực tế chúng ta đã đánh giá có bao nhiêu chỗ tái định cư mới tốt hơn cũ, không phải nhà khang trang hơn mà là điều kiện sống có tốt hơn không, chuyển đổi nghề nghiệp thế nào để hạn chế khiếu kiện? ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị: Cần có quy định rõ ràng hoàn chỉnh hơn nguyên tắc tái định cư nơi mới phải bảo đảm hơn nơi cũ, khắc phục tình trạng tái định cư nơi mới một thời gian bà con quay lại khi ăn hết tiền hỗ trợ là việc làm không có, chỗ ở không ổn định.

Giới hạn quyền của nhà nước trong thu hồi đất bắt buộc

Trong khuyến nghị chính sách “Sửa đổi luật Đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam” mà Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN vừa công bố, WB khuyến nghị việc thu hồi đất bắt buộc chỉ nên giới hạn vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường sá, công viên, trường học... mà không nên áp dụng cho các dự án vì mục đích kinh tế. WB đưa ra 13 khuyến nghị cụ thể như: Áp dụng quyền sử dụng đất nông nghiệp vô thời hạn cho các cá nhân và hộ gia đình; xóa bỏ các hạn mức diện tích sử dụng đất nông nghiệp đối với cá  nhân và hộ gia đình; việc thu hồi đất bắt buộc của nhà nước cần giới hạn chỉ áp dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh và phục vụ cho các dự án vì lợi ích công cộng như đường sá, công viên, trường học... Áp dụng quy định bắt buộc giao cho tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất để xác định giá đất phù hợp thị trường. Tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất cần được lựa chọn dựa trên sự đồng thuận giữa những người dân bị ảnh hưởng và các bên liên quan. Giá đền bù đất cần được quyết định thông qua các Hội đồng độc lập cấp tỉnh và cấp T.Ư, dựa trên kết quả định giá đất của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất; Đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích giữa bên hưởng lợi và bên bị ảnh hưởng nhằm phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài cho những người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, khai thác mỏ hay các dự án khác có tính chất tương tự...

Tr.Sơn (ghi)

T.Nguyễn - A.Vũ - Ng.Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.