Đột phá ngành nông nghiệp - Kỳ 3: Đẩy mạnh công nghệ sinh học

22/02/2013 03:35 GMT+7

Với tình hình nước ta hiện nay đất chật, người đông, nhiều nguyên liệu có thể sản xuất được nhưng phải nhập khẩu thì việc nhanh chóng áp dụng công nghệ sinh học là một bước đi tất yếu.

Giới khoa học hiện nay vẫn còn tranh cãi về những tác hại sâu xa khi áp dụng công nghệ chuyển gien (GMC) trên cây trồng. Nhưng trên thế giới đang có gần 10% tổng diện tích đất trồng sử dụng công nghệ GMC, trong đó 2/3 là ở các quốc gia đang phát triển.14 năm qua, sản phẩm từ cây trồng biến đổi gien được nghiên cứu và chưa thấy có sự cố nào đến sức khỏe con người.

Đột phá ngành nông nghiệp - Kỳ 3: Đẩy mạnh công nghệ sinh học 
Nước ta đang phải nhập khẩu mỗi năm 1 triệu tấn bắp - Ảnh: Quang Thuần

Thận trọng

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, hiện năng suất bắp bình quân ở Việt Nam chỉ hơn 4 tấn/ha, thấp hơn 2 lần so với năng suất bắp tại Mỹ. Chúng ta đang phải nhập khẩu mỗi năm 1 triệu tấn bắp và gần 2 triệu tấn đậu nành để chăn nuôi là do năng suất cây trồng thấp. Nếu nâng năng suất bắp lên 5 tấn/ha thì nước ta không phải nhập khẩu bắp cho chăn nuôi và nếu năng suất tăng cao hơn, triển vọng cho xuất khẩu là rất lớn.

 

Việt Nam muốn tiến nhanh, tiến kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc nhanh chóng áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mà thế giới người ta đã làm, đang làm là rất cần thiết

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt

Ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt - khẳng định: “Việt Nam muốn tiến nhanh, tiến kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới thì việc nhanh chóng áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mà thế giới người ta đã làm, đang làm là rất cần thiết. Tôi khẳng định là điều đó vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta quyết tâm nhưng phải có lộ trình, phải được đánh giá rủi ro, được giám sát một cách chặt chẽ. Tôi cũng nhất trí rất cần sự bản lĩnh của các nhà quản lý và của các nhà khoa học trước những vấn đề khoa học mới của thế giới”.

Theo Giáo sư Paulo, Đại học liên bang Pernambuco (Brazil), trong nhiều năm qua, chính phủ Brazil đã thực hiện phân tích, đánh giá các nguy cơ an toàn sinh học của cây trồng vật nuôi biến đổi gien trước khi đưa vào ứng dụng. Đến nay, Brazil là quốc gia đứng thứ hai sau Mỹ về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Những lợi ích về môi trường, xã hội thông qua công nghệ sinh học của nền nông nghiệp Brazil là giảm gần 3 triệu tấn CO2, tiết kiệm 1,1 tỉ lít nhiên liệu, không sử dụng lượng lớn hoạt chất thuốc trừ sâu, tiết kiệm 130 tỉ mét khối nước tưới…

Vì vậy, Việt Nam cũng cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học, cụ thể là cây trồng GMC vào sản xuất để góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và gia tăng giá trị nông nghiệp nói riêng.

Để đột phá

PGS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - cảnh báo: “Nếu chúng ta không đi vào cuộc cách mạng xanh lần thứ hai thì sẽ khó khăn vô cùng. Việt Nam mỗi năm tăng 1 triệu dân, đất nông nghiệp ngày càng giảm đi, đất lúa chắc chắn giảm còn 3,8 triệu ha. Nếu chúng ta không có một giải pháp nào thì biến đổi khí hậu toàn cầu, khô hạn thiếu nước và nhiệt độ nóng lên sẽ làm cây không thụ phấn được, bị lép... Tất cả những điều đó chỉ giải quyết bằng một cuộc cách mạng xanh lần thứ hai. Đó là ứng dụng công nghệ sinh học này để có được những giống chống chịu được những điều như vậy. Những giống đó không phải dùng thuốc hóa học, phân đạm, phân hóa học nhiều nên chúng ta bảo vệ được môi trường và chúng ta bảo vệ được một hệ thống sinh học. Như vậy, lợi sẽ nhiều hơn hại”.

Tiến sĩ Dương Hoa Xô - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết: “Sau khi Hội đồng Khoa học của Bộ NN - PTNT đánh giá kết quả khảo nghiệm đồng ruộng, đơn vị có sản phẩm chuyển gien muốn được phép phải đưa những kết quả nghiên cứu khác ở các nước có điều kiện tương tự để bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ và trình cho Hội đồng An toàn sinh học cấp quốc gia là Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức. Khi bộ này nói giống A, giống B, giống C đảm bảo an toàn sinh học, không có vấn đề rủi ro đối với môi trường sinh thái cũng như con người thì mới cho phép. Tôi nghĩ rằng phía các bộ, ngành đang rất tích cực”.

Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 cũng xác định, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 đưa cây bắp, đậu nành, bông vải biến đổi gien vào sản xuất và đến năm 2020 diện tích trồng các giống cây biến đổi gien chiếm khoảng 30% đến 50% diện tích gieo trồng. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội đồng An toàn sinh học ngành NN-PTNT, mọi tiến trình khảo nghiệm đến nay thực hiện khá suôn sẻ. Đánh giá sơ bộ của hội đồng cho thấy kết quả khảo nghiệm diện rộng ngô biến đổi gien kháng sâu (TC1507) của các Công ty TNHH Pioneer Hi-bred VN, Công ty TNHH Dekalb VN, Công ty TNHH Syngenta VN khá tốt. Hội đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT công nhận kết quả khảo nghiệm diện rộng và sẽ sớm đưa vào sản xuất đại trà theo quyết định của Chính phủ.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.