Đổi đời nhờ “cá quý tộc”

29/05/2009 23:49 GMT+7

Cùng với cá tầm, cá hồi vân được mệnh danh là loài “cá quý tộc” có xuất xứ từ châu u. Nay, đã có nông dân mạnh dạn nuôi và đổi đời nhờ chúng.

“Nín thở” nuôi cá

Năm 2006, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lâm Đồng là đơn vị chủ đầu tư và Trạm nghiên cứu nuôi cá thực nghiệm Quảng Hiệp (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3) là đơn vị triển khai thực hiện dự án nuôi cá hồi ở buôn K’Long K’Lanh (xã Đạ Chais, H.Lạc Dương). Kết quả thành công hơn mong đợi, cuối năm ấy tên cá hồi xuất xứ từ đây đã được ghi trong thực đơn ở các nhà hàng ở phố núi Đà Lạt và TP.HCM.

Cũng từ năm ấy, con cá hồi đã “hút hồn” một nông dân trú ở chân núi Quảng Thừa (P.4, TP Đà Lạt) là ông Phạm Văn Đa, 51 tuổi (điện thoại 0918.007.297). Ông đã liên hệ và được ngành chức năng hỗ trợ để con cá hồi vân vốn lâu nay chỉ quen thủy thổ tận trời u nay đã định cư ở vườn nhà ông. Ông Đa từ Nam Định vào định cư ở chân núi Quảng Thừa (bên cạnh hồ Tuyền Lâm) hơn 22 năm nay.

Kỹ sư Nguyễn Viết Thùy – Phó giám đốc Trung tâm quốc gia giống nước ngọt miền Trung và Tây Nguyên, Trạm trưởng Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên cho biết: Ở dạng kinh tế hộ thì mô hình nuôi cá hồi vân của nông dân Phạm Văn Đa là rất thành công và rất có hiệu quả kinh tế. Ban đầu ông Đa được hỗ trợ kỹ thuật nhưng bây giờ ông đã có kinh nghiệm khá tốt và có thể hướng dẫn cho người khác nuôi được.

Lâu nay ông Đa cùng vợ con sinh sống bằng nghề trồng rau, chăn nuôi heo, bò. Tận dụng nguồn nước trời cho trong mát ở đây, ông đào ao nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ. Dù vậy, kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức đủ ăn cho đến khi con cá hồi xuất hiện. Nuôi cá hồi, ông được Nhà nước hỗ trợ 40% con giống, 60% thức ăn cùng với quy trình kỹ thuật nuôi cá. Thế nhưng ông Đa cho biết phải “nín thở” theo cá hồi. “Dù có sẵn điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất là ao nuôi cá cùng với nguồn nước, nhưng với những người nông dân như tôi, việc phải bỏ thêm ra đến 40 triệu đồng đầu tư đâu phải là dễ dàng. Không biết được mấy tháng sau có gì cho mình thu hoạch không. Liều mạng làm nên cũng lo lắng lắm”, ông Đa tâm sự.

Ăn ngủ cùng cá

“Gọi là liều, nhưng thực tình là phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, vượt khó”, ông Đa nói. Và cá đã không phụ người. 3 năm qua, ông Đa đã xuất bán 5 lứa cá hồi vân thương phẩm và hiện đang nuôi lứa thứ 6. Mỗi lứa 1.500 con nuôi trong khoảng 6 - 7 tháng, trung bình mỗi con nặng từ 1 – 1,4 kg, giá bán là 150.000 đ/kg, mỗi năm ông đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đời sống gia đình sung túc.

Cá hồi rất khó nuôi, đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật rất khắt khe. Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, phải đảm bảo luôn luôn sạch và đủ ô-xy. Nhiệt độ lý tưởng trong hồ cho cá phát triển là dưới 200C, nếu cao hơn cá sẽ chết. Thức ăn cho cá được nhập từ Phần Lan hiện có giá trung bình khoảng 32.000 đ/kg. Cứ 1 kg thức ăn sẽ thu về 1 kg cá thịt, mỗi ngày cho cá ăn 4 lần (nếu cho ăn quá nhiều cá sẽ chết). Bình quân cứ 15 - 20 ngày phải rửa hồ một lần, đồng thời chủ động tắm muối cho cá. Chính vì vậy, dù nuôi cá hồi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng độ rủi ro cũng lớn, vốn đầu tư cao. Ông Đa chia sẻ: “Đã nuôi cá hồi thì phải ăn ngủ cùng cá. Mỗi đêm phải mang đèn ra soi cá để quan sát, nếu thấy cá phân tán đều trên hồ là cá khỏe, ngược lại cá cứ tập trung lại chỗ vòi nước là cá bị thiếu ô-xy. Đêm nào cũng phải coi, nếu cá yếu phải giảm liều lượng thức ăn”.

Từ năm 2007, ông Đa phối hợp với Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên thực hiện ấp trứng cá hồi và hiện đã ấp nở thành công được hơn chục lứa với tỷ lệ trứng nở đạt 90 – 95%. Giá cá giống khoảng 15.000 đ/con, nhưng nay đã ấp nở tại chỗ thì giá khoảng 8.000 - 10.000 đ/con. Cũng từ thành công của cá hồi, hiện nông dân Phạm Văn Đa đang tiến hành xây hồ để đầu tư nuôi thêm cá tầm - một loài cá nước lạnh khác cực kỳ khó nuôi xuất xứ từ Nga.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.