Doanh nghiệp nản với chứng khoán

26/04/2011 22:27 GMT+7

CTCP công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT) đã được các cổ đông đồng ý chủ trương xin rút niêm yết vì không nhìn thấy điểm tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK).

 

Khó huy động vốn từ chứng khoán trong tình hình ảm đạm hiện nay -ảnh: D.Đ.M

Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp thể hiện sự nản lòng với tình hình ảm đạm của TTCK Việt Nam.

Chuyển hướng kinh doanh

SGT niêm yết CP tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 10.1.2008. Vốn điều lệ tới ngày 31.12.2010 là 740 tỉ đồng. Kết thúc phiên giao dịch 26.4, SGT có giá 7.100 đồng/CP. Theo BCTC năm 2010, SGT đạt lợi nhuận sau thuế 32,4 tỉ đồng và thu nhập trên mỗi CP (EPS) đạt 464 đồng (lợi nhuận năm 2009 đạt 80,9 tỉ đồng và EPS đạt 1.287 đồng).

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT SGT cho biết, bản chất tốt đẹp nhất của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn tốt nhất đã không còn nữa vì thời gian gần đây không có doanh nghiệp nào phát hành cổ phiếu (CP) và trái phiếu thành công. Mặt khác, giá CP của SGT hiện thấp hơn nhiều lần so với giá trị thật của doanh nghiệp. Như vậy việc niêm yết không còn thực hiện được mục tiêu huy động vốn cho doanh nghiệp, giá CP thấp cũng khiến cho cổ đông bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, SGT đã thông qua chương trình tái cơ cấu mạnh mẽ như tập trung vào lĩnh vực bưu chính viễn thông. Việc tái cấu trúc để chuyển đổi sang các mảng kinh doanh mới là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Hơn nữa, sau khi tái cấu trúc xong, SGT vẫn có thể xin niêm yết trở lại.

Ông Đặng Thành Tâm phân tích: Trong quá trình này sẽ có rất nhiều thay đổi nên việc rút niêm yết có lợi hơn. Ví dụ: khi ký hợp tác, đối tác yêu cầu không được tiết lộ thông tin nhưng điều này lại vi phạm quy định công bố thông tin đối với doanh nghiệp đang niêm yết. Ngoài ra, đôi khi tái cơ cấu doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ tạm thời mà điều đó cũng không đủ điều kiện để niêm yết. Vì vậy, việc tái cấu trúc và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh sao cho phù hợp và tốt nhất là điều mà mỗi doanh nghiệp phải nghĩ đến và phải làm.

Hiện không chỉ có SGT được giao dịch dưới mệnh giá. Chỉ tính riêng trên sàn TP.HCM đã có khoảng 70 CP khác đang được giao dịch dưới mệnh giá.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, giá nhiều CP xuống thấp là do tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn khó khăn. Nhưng đó chỉ là vấn đề ngắn hạn. Về lâu dài khi tình hình kinh tế ổn định và phát triển thì TTCK sẽ phát triển mạnh mẽ. TTCK cũng có lúc thịnh, lúc suy theo diễn biến của nền kinh tế nói chung nên các doanh nghiệp phải học cách thích nghi với điều đó. Bản chất của TTCK vẫn là kênh tài chính tốt trong toàn bộ nền kinh tế và lịch sử phát triển của các TTCK lâu đời trên thế giới đã chứng minh điều đó. “SGT xin rút niêm yết cũng chỉ là một trường hợp cá biệt. Trong khi đó, TTCK Việt Nam vẫn còn hơn 600 doanh nghiệp niêm yết và tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp khác lên sàn nên sẽ không tác động gì đến bản chất hay hoạt động của TTCK nói chung”, ông Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh.

Huy động vốn gặp nhiều khó khăn

Trong tình hình Chính phủ đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát thì việc xiết chặt cung tiền là điều khó tránh khỏi. Do đó việc các doanh nghiệp muốn huy động vốn từ TTCK hay bên ngoài đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí không thể thành công. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh năm 2010 không cao thì càng khó thuyết phục cổ đông bỏ thêm tiền vào đầu tư. Ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam - nhận định, việc niêm yết chứng khoán trên sàn ngoài mục đích chính là tăng tính thanh khoản của CP, dễ dàng huy động vốn... còn có các tác dụng cải thiện quản trị doanh nghiệp và (có thể) là quảng bá thương hiệu. Trong lúc thị trường suy thoái, các doanh nghiệp niêm yết nên đẩy mạnh hơn nữa công tác quan hệ với nhà đầu tư, nâng cao công tác quản trị công ty và tính minh bạch.

Theo dự báo của TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ thực sự phát huy được tác dụng từ tháng 5 và đặc biệt kể từ quý 3/2011, nên sẽ làm cho lãi suất có thể giảm từ quý 3 năm nay. Điều này sẽ góp phần giúp TTCK của Việt Nam hồi phục sau một thời gian dài giảm giá. Khi đó sẽ thu hút được sự tham gia mạnh hơn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều quan trọng nhất là bản thân các doanh nghiệp và nhà đầu tư có đủ kiên trì để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay để tiếp tục song hành với TTCK hay không.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.