Doanh nghiệp Đông Nam Á đang ngồi trên núi nợ khổng lồ

02/09/2015 08:34 GMT+7

(TNO) Nợ doanh nghiệp của các công ty lớn nhất Đông Nam Á đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 1998, gây nên mối lo ngại về rủi ro vỡ nợ mà giới đầu tư cho rằng có thể tương tự như lần khủng hoảng tài chính khu vực gần nhất.

(TNO) Nợ doanh nghiệp của các công ty lớn nhất Đông Nam Á đã tăng gấp 6 lần kể từ năm 1998, gây nên mối lo ngại về rủi ro vỡ nợ mà giới đầu tư cho rằng có thể tương tự như lần khủng hoảng tài chính khu vực gần nhất, theo Bloomberg.

Nợ của 100 công ty đại chúng lớn nhất Đông Nam Á đã lên đến 392 tỉ USD - Ảnh: Reuters
100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lớn nhất khu vực tính theo giá trị tài sản, trong đó có hãng CP ALL của Thái Lan, Wilmar International của Singapore và Petron của Philippines, có tổng nợ đạt 392 tỉ USD tính đến ngày 30.6 năm nay. Con số này lớn hơn gấp 6 lần so với số liệu hồi tháng 12.1998.
Tăng trưởng kinh tế khu vực yếu đi, đồng nhân dân tệ giá rẻ và khả năng Mỹ tăng lãi suất gây nên một đợt bán tháo ở Đông Nam Á, khiến bản tệ của Malaysia và Indonesia, đồng ringgit và rupiah, chạm đáy kể từ năm 1998. Vào tháng trước, nguy cơ vỡ nợ ở doanh nghiệp các nước châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, tăng lên đến mức cao nhất trong năm nay. Trái phiếu và cổ phiếu đều diễn biến tiêu cực.
Standard & Poor’s (S&P) cho hay từ năm 2010 đến năm 2014, các khoản nợ bằng ngoại tệ tăng nhanh hơn từ 2 đến 3 lần so với các khoản nợ địa phương của nhiều doanh nghiệp Malaysia, Philippines và Indonesia thuộc top 100 công ty lớn ở Đông Nam Á. Các khoản vay ngoại tệ chiếm từ 30 đến 50% số nợ trên. 
Bertrand Jabouley, giám đốc xếp hạng doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P ở Singapore cho biết các công ty khu vực này vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động dựa trên một núi nợ chất đống và các đồng nội tệ giá rẻ hơn.
Kim Jinha, chuyên gia thuộc hãng Mirae Asset Global Investments ở Seoul (Hàn Quốc) cho rằng chất lượng tín dụng đã giảm trong khu vực Đông Nam Á, và đây là xu hướng đáng ngại. “Chúng tôi không hề thấy tín hiệu nào cho việc đảo ngược tình hình hiện tại, nếu kinh tế toàn cầu không khởi sắc một lần nữa. Tỷ lệ vỡ nợ, phá sản sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp vốn đã nợ nhiều còn phải chịu thêm áp lực từ một đồng đô la Mỹ mạnh lên”, Kim nói.
Dấu hiệu tiêu cực trên thị trường tín dụng tăng lên khi tính đến ngày 27.8 năm nay, trên thế giới có 71 trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ. Vào năm 2014, con số này chỉ là 60, theo S&P. 
Theo Citigroup, hiện tại các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang phải chật vật với nhu cầu sụt giảm từ bạn hàng Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng GDP đang ở mức thấp kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Indonesia đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009, trong khi kinh tế Singapore thì sụt giảm nhiều nhất kể từ năm 2012.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.