Doanh nghiệp Đài Loan tìm đối tác tại TP.HCM

25/07/2012 03:29 GMT+7

Cuối tháng 6, 35 doanh nghiệp Đài Loan với đủ các sản phẩm như mỹ phẩm, đồ uống tăng cường sức khỏe, nệm… đã tới TP.HCM tham gia Triển lãm doanh nghiệp Đài Loan 2012.

 Doanh nghiệp Đài Loan tìm đối tác tại TP.HCM
Đại diện doanh nghiệp Đài Loan tiếp xúc với các đối tác tiềm năng VN
- Ảnh: Ngọc Bi

Đây là triển lãm thường niên do Hội đồng phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Theo bà Lydia Chu - đại diện của TAITRA tại TP.HCM, doanh nghiệp Đài Loan lần này tới TP.HCM để tìm hiểu thị trường, giới thiệu các sản phẩm mới và tìm đối tác. Cô Anita Trần - người phụ trách thị trường nước ngoài của TAITRA - cho biết triển lãm lần này chỉ khiêm tốn với 35 doanh nghiệp Đài Loan, 200 doanh nghiệp VN và tổng giao dịch giảm xuống chỉ còn 7,6 triệu USD, sụt giảm mạnh so với Triển lãm lần 3 (tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9.2011) từng thu hút 72 doanh nghiệp Đài Loan, 400 doanh nghiệp VN và tổng giao dịch lên tới 20 triệu USD.

Ông David Trần - đại diện tập đoàn Full Ton, cho biết đã tiếp 20 đơn vị VN, trong đó có 7 đơn vị sau khi tìm hiểu sản phẩm muốn làm đại diện cho Full Ton ở VN. Dù chưa thực sự tìm ra đối tác, nhưng theo ông Trần, tiềm năng hợp tác là rất lớn và ông tin rằng TP.HCM sẽ là một thị trường đầy hứa hẹn cho doanh nghiệp của ông. Cô Sherry Hoàng - đại diện của Công ty J Plus Casa, cũng cho biết đã có 10 đơn vị VN hứng thú với các mẫu sản phẩm nội thất trang trí của công ty và có 4-5 đơn vị muốn xin làm đại lý. “Chỉ cần tổng đơn hàng trong 6 tháng đạt 20.000 USD là đủ tư cách mở đại lý”, cô nói.

Trao đổi với một số doanh nghiệp VN tới dự triển lãm, phần lớn đều công nhận sản phẩm của Đài Loan đều thỏa mãn được các yếu tố: rẻ, đẹp, chất lượng tốt, nhưng các đơn vị VN còn dè dặt vì phía Đài Loan không có chính sách hỗ trợ ban đầu để quảng bá sản phẩm như: chi phí quảng cáo, in ấn catalogue tiếng Việt giới thiệu sản phẩm…

Một số người khác còn lo ngại doanh nghiệp VN bị rủi ro do hình thức “mua đứt bán đoạn”, trả tiền mặt ngay và không được trả hàng, trong khi thị trường VN hiện đang khó đoán định. Với tâm lý e ngại đó, một số doanh nghiệp nhỏ VN dự định mang hàng xách tay về bán thử hoặc đặt trước một ít hàng về bán thăm dò thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ dàng bởi giá bán của hàng xách tay về khó cạnh tranh nổi với giá bán trên các website bán hàng. Không ít doanh nghiệp VN khá tiếc nuối khi phải bỏ lỡ cơ hội kinh doanh này bởi không đạt được sự đảm bảo, và nhận định “thị trường cho sản phẩm Đài Loan có tương lai, nhưng phía VN phải bỏ ra nhiều vốn ngay mà chưa biết khả năng tiêu thụ ra sao”.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.