DN thức ăn chăn nuôi “nghẹt thở” vì phí

13/08/2012 03:15 GMT+7

Hơn một tháng thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với tất cả các lô hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu thức ăn chăn nuôi kêu trời vì gánh nặng phí phát sinh.

Chiều qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết cục này vừa tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe kiến nghị của các DN nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 66 (quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 08 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi).

Chi phí tăng lên do việc thực hiện các quy định trong Thông tư 66 là quá lớn, nhiều DN chỉ trong tháng 7 vừa qua, mức chi phí tăng lên đến gần 2 tỉ đồng, DN chi ít cũng ở mức xấp xỉ 1 tỉ đồng. Nếu cứ tiếp tục áp dụng thông tư 66, tiếp tục phải “cõng” thêm nhiều khoản phí phát sinh, trong thời gian tới, nhiều DN có thể sẽ phải đóng cửa

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi

Một loại giấy phép con

Từ ngày 1.7, khi Thông tư 66 có hiệu lực, cơ quan hữu trách tiến hành lấy mẫu đối với tất cả các lô hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhập khẩu, ngăn chặn sự xâm nhập của các lô hàng kém chất lượng và sự xâm nhập của chất cấm, đặc biệt là chất cấm nhóm beta agonist. Phí phân tích mỗi lô hàng trung bình khoảng 3-4 triệu đồng, các lô “phức tạp” thì mức phí cao hơn nhưng theo tính toán cũng không quá 10 triệu đồng/lô. Thời gian tối đa cho việc hoàn thành và công bố kết quả phân tích chất lượng các mẫu là không quá 5 ngày làm việc. Toàn bộ chi phí lấy mẫu và phân tích các lô hàng DN nhập khẩu chịu trách nhiệm chi trả.

Tại buổi đối thoại, các DN đồng loạt "tố" Thông tư 66 giống như một loại “giấy phép con”, khiến DN phải gồng mình gánh thêm chi phí, trong đó quy định giữ nguyên hiện trạng hàng hóa, không được sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn trước khi có kết quả kiểm tra xác nhận chất lượng đã buộc DN nghiệp phải chịu thêm chi phí lưu kho bãi.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, nói rằng chi phí tăng lên do việc thực hiện các quy định trong Thông tư 66 là quá lớn, nhiều DN chỉ trong tháng 7 vừa qua, mức chi phí tăng lên đến gần 2 tỉ đồng, DN chi ít cũng ở mức xấp xỉ 1 tỉ đồng. Ông Lịch lo lắng, nếu cứ tiếp tục áp dụng Thông tư 66, tiếp tục phải “cõng” thêm nhiều khoản phí phát sinh, trong thời gian tới, nhiều DN có thể sẽ phải đóng cửa. Theo ông Lịch, Bộ NN-PTNT nên nới lỏng kiểm tra đối với một số loại nguyên liệu như đậu tương, ngô, lúa mì… là những nguyên liệu thuộc nhóm ít có nguy cơ nhiễm chất cấm và kém chất lượng, đồng thời siết thật chặt việc kiểm tra đối với thức ăn bổ sung, chất phụ gia vì chất cấm các loại đều bắt nguồn từ đây mà ra.

Ngoài ra, tại buổi đối thoại, các DN cũng kêu trời về việc phải chi thêm cả đống tiền để in bao bì, nhãn mác mới theo quy định.

DN thức ăn chăn nuôi “nghẹt thở” vì phí
DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang “kêu trời” vì phí phát sinh - Ảnh: Ngọc Thắng

Yêu cầu “lấy mức phí thấp nhất”

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên dưới 9 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi với hàng trăm chủng loại khác nhau, nên việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với các lô hàng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là cần thiết và bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ người chăn nuôi, bảo vệ người tiêu dùng. Lấy 2 “cơn bão” melamine và chất cấm làm ví dụ, ông Dương nói các sự cố này đã “thổi bay” hàng ngàn tỉ đồng, làm cho nhiều nông dân trở nên tay trắng, ngành chăn nuôi thì gặp phen kiệt quệ trong khi niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản thiết yếu như sữa, thịt bị giảm sút nghiêm trọng. “Đó là còn chưa kể tới thức ăn chăn nuôi kém chất lượng đang ăn cắp lợi nhuận của người chăn nuôi”, ông Dương nói thêm.

Tuy nhiên, trước những khó khăn của DN, ông Dương cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT sửa đổi việc quy định về lấy mẫu phân tích kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo hướng sàng lọc và phân loại các lô hàng và “xếp hạng uy tín” của các DN. “Nếu nguyên liệu nhập khẩu thuộc nhóm ít nguy cơ thì sẽ giảm tần suất lấy mẫu. Tương tự, chúng tôi cũng sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra đối với các DN được xếp hạng uy tín cao”, ông Dương nói. Theo ông Dương, Cục sẽ làm việc và yêu cầu 14 đơn vị được ủy quyền tham gia lấy mẫu và phân tích kiểm soát chất lượng các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải thực hiện các thao tác nghiệp vụ nhanh nhất và lấy mức phí thấp nhất có thể, nhằm giảm thiểu phí lưu kho, lưu cảng cho DN.

Ông Dương cho biết, bao bì và nhãn mác của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi phải đầy đủ theo quy định của Nghị định số 89, nhưng trước mắt, Bộ NN-PTNT vẫn cho phép các DN được sử dụng hết số bao bì, nhãn mác đã in trước đây rồi mới chuyển qua thực hiện theo quy định mới.

Quy định mới về sử dụng chất cấm

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Bộ NN-PTNT đã công bố dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra, giám sát các chất cấm thuộc nhóm beta agonist trong chăn nuôi, để xin ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và người dân trước khi ban hành. Theo dự thảo, mẫu dương tính là mẫu có chứa ít nhất một trong các chất clenbuterol, salbutamol, ractopamine với hàm lượng định lượng lớn hơn hoặc bằng 50ppb (50µg/kg) đối với mẫu là thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y và lớn hơn hoặc bằng 10ppb (10µg/kg) đối với mẫu là sản phẩm của vật nuôi.

Trong trường hợp mẫu kiểm tra có kết quả dương tính với các chất cấm thuộc nhóm beta agonist, cơ quan kiểm tra xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các hành vi vi phạm. Ngoài xử phạt hành chính, cơ sở vi phạm phải ngừng ngay các tác nhân gây dương tính chất cấm và phải tiếp tục nuôi đàn gia súc, gia cầm đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính thì mới được xuất bán. Tịch thu gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ vi phạm để tiêu hủy hoặc buộc cơ sở giết mổ tiếp tục nuôi nhốt các loại vật nuôi đến khi có kết quả kiểm tra âm tính với các chất cấm mới được giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ. Thời gian nuôi tiếp tục để kiểm tra, có thể kéo dài từ 3-15 ngày, tùy thuộc vào mức độ sử dụng, thời gian sử dụng và chất cấm đã sử dụng. Thông báo công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trả lời băn khoăn về việc cho phép nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm tại cơ sở giết mổ đến khi có kết quả kiểm tra âm tính với các chất cấm mới được giết mổ và đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ vô hình trung khuyến khích người chăn nuôi sử dụng chất cấm, ông Dương lưu ý quy định này chỉ áp dụng đối với các lò mổ vi phạm lần đầu. Nếu lò mổ tái phạm, việc tịch thu và tiêu hủy gia súc, gia cầm là bắt buộc.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.