Điểm mặt hàng thiết yếu chây ì giảm giá

02/02/2015 09:01 GMT+7

Với tư duy giá hàng hóa đến tết phải tăng, nhiều doanh nghiệp, người bán không "lờ" đi chuyện giá xăng đã giảm hơn 30% nên chỉ giảm cho có, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá.

Với tư duy giá hàng hóa đến tết phải tăng, nhiều doanh nghiệp, người bán không "lờ" đi chuyện giá xăng đã giảm hơn 30% nên chỉ giảm cho có, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá. 
Nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chây ì không chịu giảm giá - Ảnh: Diệp Đức MinhNhiều mặt hàng thiết yếu cũng chây ì không chịu giảm giá - Ảnh: Diệp Đức Minh
“Không tăng là tốt rồi”
Đó là lý lẽ của nhiều tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM khi được hỏi về việc tại sao không giảm giá bán.
Sáng 1.2, tại chợ Ông Địa (Q.Tân Bình, TP.HCM), tuy đã quá 11 giờ trưa, người mua kẻ bán vẫn tấp nập. Chị La Thị Thanh Hương, chủ vựa cá biển lớn ở đây khẳng định: “Hàng hóa đưa về chợ thường nhiều hơn và phong phú hơn nhưng nói giảm giá thì rất khó. Gần tết rồi, hàng hóa khó giảm lắm...”. Tại đây, gà sống chưa làm có giá 120.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 88.000 đồng/kg, thịt sườn non 120.000 đồng/kg, thịt nạc đùi 85.000 đồng/kg, cá thu từ mấy tháng qua vẫn giữ giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, cá lóc 55.000 đồng/kg, cá diêu hồng 50.000 đồng/kg, ốc hương loại lớn 130.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 22.000 đồng/kg, bún Thủ Đức 12.000 đồng/kg... Có thể thấy, giá cả các mặt hàng thực phẩm hầu như không giảm. Thậm chí, có một số mặt hàng với lý do khan hiếm hàng tết, đã được người bán tăng giá. Chẳng hạn, gà sống hơn 3 tháng qua có giá 110.000 đồng/kg nay tăng lên 120.000 đồng, các mặt hàng cá tuy không tăng song theo tiết lộ của người bán, giá cá không có xu hướng giảm, cho dù giá nguyên liệu đầu vào như giá dầu (vận hành tàu đánh bắt cá, chạy máy sản xuất) và giá xăng giảm mạnh trong mấy tháng vừa qua.
Giữa tuần vừa rồi các doanh nghiệp đầu mối có gọi điện cho tôi thông báo giảm giá một số loại phân bón. Mức giảm 5.000 đồng/bao 50 kg, tính ra mỗi ký giảm 100 đồng. Mức giảm nhỏ giọt này không đủ để nhà nông vui nổi
Chủ một đại lý phân bón
Chị Bình, chủ sạp thịt lớn tại chợ Bình Thới (Q.11, TP.HCM) thừa nhận: “Chưa thấy ai giảm hết. Có chăng, khoảng trước Giáng sinh, có giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg. Mức giảm không đáng kể và nhiều người bán “quên” giảm theo luôn”. “Mặt bằng chung là vậy, giá thịt heo đang 88.000 đồng/kg, có thể giảm xuống 85.000 đồng/kg nhưng gần tết rồi, giảm xuống ngày mai lò mổ lại tăng, mình tăng theo không giữ được khách hàng”, chị Bình nói thêm. Chị Hương cũng phụ họa thêm, thị trường trước tết, giá không tăng đã là may mắn, đòi giảm hầu như không ai chịu. Như vậy, nếu giá hàng hóa tại các chợ đầu mối nếu có giảm, tại các chợ bán lẻ, việc giảm giá lại “tùy hỉ” của các tiểu thương tại chợ.
Chực chờ tăng
Không chỉ giá thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng “kiên trì” không giảm, nhiều mặt hàng thiết yếu, mức tiêu thụ lớn như sữa, phân bón... cũng tương tự. Anh Toàn, chủ một đại lý sữa mới mở 2 tháng nay trên đường Lạc Long Quân (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, các nhà cung cấp sữa chưa có dấu hiệu giảm giá bán trong 2 tháng qua. Giá lon sữa PediaSure 3 800 gr tại đây được bán với giá 550.000 đồng/lon trong tháng đầu tiên khai trương đại lý, nay tăng lên 557.000 đồng/lon. Tương tự, một lon sữa bột Nan (Neslte) 3 có giá khai trương 318.000 đồng nay tăng lên 320.000 đồng/lon. Đặc biệt, các loại sữa ngoại nhập như sữa nước Devondale của Úc, sữa bột Hero của Hà Lan vẫn không có dấu hiệu giảm, chực chờ tăng nếu thị trường khan hiếm hàng.
Theo anh Toàn, giá hàng hóa giảm hay tăng do nhu cầu của người tiêu dùng là chính chứ ít có tác động từ việc giá xăng dầu giảm như báo chí đề cập. “Các nhà sản xuất, nhà phân phối đều không có động thái giảm giá, hoặc có giảm đồng loạt theo quy định áp giá trần sữa vào tháng 6.2014 thôi”, ông Toàn cho biết.
Điều đáng nói là ngoài việc giá xăng giảm thì giá nguyên liệu sữa trên thế giới tính từ đầu năm 2014 đến nay giảm đến phân nửa. Thông tin từ tổ chức thương mại sữa toàn cầu, giá sữa bột đầu năm 2014 là 5.000 USD/tấn, nay xuống dưới 2.500 USD/tấn. Đặc biệt, cuối tháng 12.2014 vừa qua, sữa bột còn rớt xuống chỉ hơn 2.200 USD/tấn. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi VN, PGS-TS Nguyễn Đăng Vang thông tin: Trung bình mỗi lít sữa nước được pha ra từ sữa bột khi chưa bổ sung đường hoặc các chất khác có giá 12.000 đồng/lít vào đầu năm 2014, nay giảm còn 6.300 đồng/lít.
“Mức giảm không đủ để nhà nông vui nổi”
Tương tự, giá phân bón, một trong các mặt hàng thiết yếu trong sản xuất cũng vậy, theo nhiều nhà nông, giá bán “không có gì mới”. Ông Đoàn Văn Tài (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) kể, ông vừa mua gần 50 bao phân bón các loại để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới nhưng giá giảm không đáng kể. Cụ thể, urea Ninh Bình giá 390.000 đồng/bao 50 kg, lân Ninh Bình loại nung chảy dùng để cải tạo đất 180.000 đồng/bao, DAP Phú Mỹ 690.000 đồng/bao. “Đây là giá tôi mua tiền mặt nên có rẻ hơn nếu so với mua ghi sổ đến cuối vụ. Nói chung giá mỗi bao phân chỉ giảm vài ngàn đồng, không đáng kể”, ông Tài nói.
Còn ông Nguyễn Thành An (huyện Thoại Sơn, An Giang) có hàng chục héc ta đất, mỗi lần nhập phân bón lên đến vài tấn mỗi loại cũng cho biết vừa nhập phân bón cách đây 5 ngày, so với thời gian trước giá giảm trung bình từ 7.000 - 10.000 đồng/bao tùy loại.
Chủ một đại lý phân bón ở huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết: “Giữa tuần vừa rồi các doanh nghiệp đầu mối có gọi điện cho tôi thông báo giảm giá một số loại phân bón. Mức giảm 5.000 đồng/bao 50 kg, tính ra mỗi ký giảm 100 đồng. Mức giảm nhỏ giọt này không đủ để nhà nông vui nổi”.
Theo trang web vinacam.com.vn (theo dõi giá phân bón qua nhiều năm), diễn biến giá cả của nhiều loại phân bón chưa giảm hoặc giảm không đáng kể.
Năng lực quản lý giá còn bất cập
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi giá nguyên liệu giảm sâu, giá xăng dầu, một trong các mặt hàng tác động mạnh đến nền kinh tế cũng giảm sâu mà giá bán thành phẩm vẫn không có động thái giảm giá không thể trách thị trường. Bởi năng lực quản lý của chúng ta còn bất cập, lỏng lẻo và sự phối hợp các cơ quan chưa tốt dẫn đến sự “tự tung tự tác” của giá. Ở đây, không loại trừ tác động từ lợi ích của cá nhân, nhóm nào đó.
Giá bia, rượu tăng 5 - 6%
Theo tin từ Bộ Công thương, từ đầu tháng 1 đến nay, mức tiêu thụ bia, rượu và nước giải khát trên thị trường đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, giá các mặt hàng này tăng trung bình khoảng 5 - 6% so với tháng 12.2014. Tổng hợp của Bộ Công thương cho thấy, sản lượng sản xuất bia các loại tháng 1 ước đạt 261,4 triệu lít, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Lượng nước giải khát các loại phục vụ thị trường tết ước đã đạt trên 500 triệu lít.
Hà Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.