Để dân làm hiệu quả hơn

27/03/2015 07:19 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại cuộc họp về sắp xếp, cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước diễn ra chiều 26.3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại cuộc họp về sắp xếp, cổ phần hóa khối doanh nghiệp nhà nước diễn ra chiều 26.3.

Để dân làm hiệu quả hơnThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp - Ảnh: TTXVN
Cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết vẫn còn nhiều vướng mắc làm chậm quá trình sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nhiều người sợ mất chức sau CPH
Nếu còn giữ chi phối, nghĩa là anh được quyết hết. Tuy có những DN có lãi cao dù bán ít thì nhà đầu tư vẫn mua nhưng có nhiều DN lợi nhuận thấp, anh chỉ bán 10 - 20% rồi vẫn giữ quyền điều hành, làm ăn thua lỗ thì làm sao hấp dẫn người mua
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Ví dụ như việc xác định giá trị các khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiềm năng DN, tài sản hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính. “Việc thoái vốn của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn chậm do Ngân hàng Nhà nước chậm có ý kiến và việc bán đấu giá cổ phần theo lô hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn”, ông Tùng nói. Ngoài ra, hiện còn có tới 10 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 118/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới DN của một số bộ như Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư... và Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành nên chưa đủ cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương và DN thực hiện.
Một vấn đề lớn nổi lên hiện nay, theo một số bộ trưởng cùng lãnh đạo tập đoàn nêu tại cuộc họp, là nhiều nhà đầu tư không mặn mà với những DNNN chỉ CPH theo kiểu phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, còn cơ bản nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu đa số. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn than - khoáng sản VN, cho biết hiện nay có những đơn vị báo bán 49% nhưng khách hàng yêu cầu phải bán cao hơn, đòi mua 51%.
Theo ông Chuẩn, nhà nước cần phải mở hơn, chứ nếu không để nhà đầu tư tham gia quản trị, việc CPH sẽ rất chậm. Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng chia sẻ sở dĩ ngành giao thông vận tải đạt tiến độ rất tốt trong việc CPH là quyết liệt bán cả những DN mà rất nhiều ý kiến cho rằng nhà nước phải giữ chi phối như các cảng biển, bệnh viện... Theo ông Thăng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sợ mất chức sau khi CPH, cổ đông không lựa chọn nhưng thực tế, người nào có năng lực vẫn được giữ làm lãnh đạo, ví dụ như ở Bệnh viện Giao thông vận tải. Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: CPH mà chỉ bán vài phần trăm vốn nhà nước thì chỉ mất thời gian, không hiệu quả. Nên bán trên 51% thậm chí cả 100% đối với một số đơn vị mà nhà nước không cần nắm cổ phần.
Anh quyết hết, làm sao hấp dẫn người mua
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN, tính đến ngày 24.3, số vốn DNNN đã được thoái lên tới trên 4.937 tỉ đồng, thu về 6.987 tỉ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Trong quý 1/2015, đã có 18 DNNN bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) với khối lượng chào bán là 100 triệu cổ phiếu nhưng tỷ lệ số cổ phiếu bán được chỉ đạt 40% với tổng số tiền thu được là 805 tỉ đồng.
Sau khi nghe các ý kiến trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Nếu còn giữ chi phối, nghĩa là anh được quyết hết. Tuy có những DN có lãi cao dù bán ít thì nhà đầu tư vẫn mua nhưng có nhiều DN lợi nhuận thấp, anh chỉ bán 10 - 20% rồi vẫn giữ quyền điều hành, làm ăn thua lỗ thì làm sao hấp dẫn người mua”, Thủ tướng nói và khẳng định: “Chúng ta bán được, thu hút vốn tư nhân cũng không mất đi đâu cả vì đó là tiền của dân, họ làm ăn năng động, hiệu quả hơn. Vốn của dân, của tư nhân cũng là động lực của nền kinh tế”.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xúc tiến hoàn thành sửa đổi, bổ sung, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cần thiết để giải quyết nốt các vướng mắc còn lại, đẩy nhanh quá trình CPH như các quy định về CPH các nông, lâm trường, xác định giá trị DN và rà soát, bổ sung số DN để tiếp tục CPH trong những năm tới.
Còn nhiều thủ tục phức tạp gây phiền cho doanh nghiệp
Sáng 26.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức. Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng so với mục tiêu thì kết quả cải cách đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Trên thực tế vẫn còn rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém chưa được rà soát để sửa đổi, bãi bỏ hoặc sửa nhưng còn rất chậm. “Tôi, người đứng đầu Chính phủ hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu, tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, luật pháp, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường để tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng cho nền kinh tế vận hành hiệu quả.
Anh Vũ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.