Có nên trồng dừa ở Sài Gòn

27/09/2015 05:45 GMT+7

Hiệp hội Dừa VN mới đề xuất UBND và HĐND TP.HCM phương án trồng dừa làm cây xanh trên các tuyến đường mới và các tuyến đường dọc kênh rạch của TP này.

Hiệp hội Dừa VN mới đề xuất UBND và HĐND TP.HCM phương án trồng dừa làm cây xanh trên các tuyến đường mới và các tuyến đường dọc kênh rạch của TP này.

Hàng dừa ven đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc ThạchHàng dừa ven đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lý do đề xuất, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa VN, hằng năm cứ đến mùa mưa bão, tai nạn do cây xanh tét nhánh, gãy cành thường xuyên xảy ra, gây tai nạn thương tâm cho không ít người dân. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt cục bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thông trên đường phố, vì vậy, việc chọn loại cây phù hợp, không tét nhánh, gãy cành và giảm thiểu được ngập lụt, đồng thời cung cấp thêm mạch nước ngầm, tạo cảnh quan mang tính văn hóa đặc trưng vùng miền cho TP nhằm xúc tiến du lịch là điều hết sức cần thiết.
Chống lún, giảm ngập lụt ?
Trong văn bản gửi lãnh đạo TP, Hiệp hội Dừa VN đã phân tích những cơ sở đề xuất, trong đó có nêu đặc điểm sinh học của cây dừa có thời gian sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch kéo dài hàng trăm năm. Đặc biệt dừa là loại cây đơn trục, không có nhánh phụ dễ gãy, không gây tai nạn trong mưa giông, có hệ thống rễ chùm dạng sợi xốp, phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng đường kính từ 3 - 4 m. Rễ dừa ăn sâu 3,5 - 4 m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50 cm lớp đất mặt, vì vậy, ngoài tính năng như lớp đệm chống sụt lún tự nhiên, hệ thống rễ dừa còn có tác dụng như một bộ lọc và phổ cập thêm cho lượng nước ngầm thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, đồng thời giảm thiểu được tình trạng ngập lụt cục bộ do mưa lớn gây ra.
Cũng theo phân tích của Hiệp hội Dừa VN, với khả năng chống chọi với mưa bão cao, và phù hợp với hầu hết các loại đất, trồng dừa làm cây xanh cho đô thị sẽ rất hiệu quả kinh tế do ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, cây dừa còn là cây thân thiện với môi trường, tạo được cảnh quan đẹp, trữ tình mang nét đặc trưng của vùng đất phương nam. Ở nước ta, dọc bờ biển TP.Nha Trang, bãi trước của Vũng Tàu cũng đã trồng dừa từ hàng trăm năm nay, tại TP.Hải Nam (Trung Quốc) cũng đã thực hiện mô hình này. Với dạng lá thùy lông chim, lá dừa còn có tác dụng làm giảm tiếng ồn, lọc không khí và giảm “nộ cuồng” trong mùa giông bão.
Về lợi ích kinh tế, theo Hiệp hội Dừa VN, mỗi năm 1 cây dừa cho bình quân 60 - 80 trái. Nếu chọn dừa là cây xanh chủ lực, việc quản lý bảo dưỡng cây xanh tại TP.HCM có thể xã hội hóa, tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ. Đơn vị bảo dưỡng chăm sóc sẽ có được nguồn thu hằng tháng từ dừa cho công tác duy tu chăm sóc từ việc thu hoạch trái và lá dừa. Nếu không muốn để dừa ra trái, ta còn có công nghệ chiết xuất mật hoa dừa, một loại thực phẩm hỗ trợ cho người bệnh tiểu đường và làm nước giải khát lên men, hoặc chưng cất rượu nhẹ, khai vị.
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, TP.HCM có hơn 500 km đường ven kênh, nếu mật độ trồng 5 m/cây, thì hai bên bờ kênh, có thể trồng được 100.000 cây dừa, sau 4 - 6 năm tùy theo loại, dừa sẽ cho thu hoạch đảm bảo nuôi sống cho một cộng đồng làng nghề khoảng 20 hộ làm chổi, hoặc giỏ quà, và những sản phẩm khác.
“Hiện chưa có ai trả lời hết”
Trả lời PV Thanh Niên về đề xuất của Hiệp hội Dừa VN, ông Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh VN nói ngay rằng trồng dừa trong đô thị là không phù hợp. Bởi theo ông, cây trồng trong đô thị, nhất là trồng trên đường phố, ngoài yếu tố hài hòa với cảnh quan kiến trúc, điều quan trọng nhất là phải có tán lớn để tạo bóng mát, phải đẹp và phải an toàn đối với người đi đường.
Một lý do nữa mà ông Kiểm cho rằng trồng dừa trong đô thị không phù hợp, là do rễ dừa có thể phá hỏng vỉa hè, bởi rễ ăn ngang và rất xa, hại đất. Dù vậy, ông Kiểm cho rằng: "Nếu có trồng thì chỉ trồng ở ven kênh, rạch thôi, như ven tuyến kênh chạy dọc theo đường Võ Văn Kiệt hay ven sông Sài Gòn chỗ bến Bạch Đằng, để tạo cảnh quan, vậy thôi". Ông cũng nhìn nhận dừa là loại cây rất ít tốn công chăm sóc so với nhiều loại cây trồng trên đường phố hiện nay.
Còn theo TS Đinh Quang Diệp (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), vấn đề cốt lõi là phải xây dựng tiêu chí cây xanh ở đô thị, trong đó có cây trồng trên đường phố. Cây nào đáp ứng với tiêu chí thì trồng. Còn tiêu chí cây trồng đô thị là gì, ông Diệp cho rằng “hiện chưa có ai trả lời hết”. TP.HCM chỉ dừng lại ở việc xây dựng danh mục cây cấm trồng trên đường phố.
Hiệp hội Dừa VN đề xuất tổ chức khảo sát thực tế hàng dừa dọc kênh Tàu Hủ bên phía Q.8 để hiểu thêm lai lịch và tác dụng của hàng dừa đó với môi trường sống của cư dân địa phương, đồng thời tổ chức hội thảo về giá trị của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiệu quả kinh tế và du lịch nội đô TP.HCM và những ý kiến phản biện để có cơ sở khắc phục. Hiệp hội còn đề nghị đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu và có những thông số kỹ thuật cụ thể về lợi ích của cây dừa với môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là việc cung cấp mạch nước ngầm và giảm thiểu ngập lụt cục bộ sau những cơn mưa lớn; chọn giống dừa phù hợp cho việc làm cây xanh nội đô.
Xuất khẩu từ dừa có thể đạt trên 1 tỉ USD
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại hội thảo “Phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL trở thành một ngành mũi nhọn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, đánh giá cao tiềm năng phát triển của cây dừa VN và cho rằng với tốc độ tăng trưởng ngành dừa như hiện nay, giá trị xuất khẩu từ dừa trong những năm tới có thể đạt trên 1 tỉ USD.
Hội thảo diễn ra vào ngày 26.9, tại Bến Tre, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân, cùng với sự tham dự của đại diện các bộ: Công thương, KH-CN, NN-PTNT, VH-TT-DL cùng lãnh đạo các địa phương có ngành dừa phát triển tại ĐBSCL.
Báo cáo đề dẫn trình bày tại hội thảo cho thấy trong 150.000 ha dừa hiện có của cả nước, ĐBSCL có đến 130.000 ha, chiếm trên 78%. Trong đó, 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long chiếm 110.630 ha (85% diện tích dừa ĐBSCL). Riêng Bến Tre diện tích dừa đã chiếm 40% diện tích dừa cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã thống nhất cao định hướng phát triển ngành dừa thành ngành mũi nhọn tại 4 tỉnh đã nêu. Các đại biểu cũng chỉ ra định hướng cụ thể như đầu tư cải tạo và trồng mới, thâm canh tăng năng suất và chất lượng dừa để tăng thu nhập; tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình liên kết ngang và liên kết dọc; tăng cường phát triển công nghệ chế biến và đa dạng hóa sản phẩm; xác định nhóm sản phẩm chủ lực trong 10 năm tới...
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc xác định phát triển ngành dừa thành ngành mũi nhọn của 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long là cần thiết. Vấn đề là 4 tỉnh cần hình thành một ban liên kết phát triển dừa có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ Công thương, KH-CN, NN-PTNT để xây dựng chương trình phát triển dừa ĐBSCL.
Khoa Chiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.