“Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 5: Khách du lịch cần được sử dụng nhà vệ sinh mọi nhà hàng, khách sạn

21/12/2012 03:20 GMT+7

Xung quanh vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM, nơi tiếp đón hơn 60% lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lã Quốc Khánh (ảnh), Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM.

“Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 5: Khách du lịch cần được sử dụng nhà vệ sinh mọi nhà hàng, khách sạn

Theo ông Khánh, các khách sạn ở khu vực trung tâm nên chia sẻ khó khăn với hãng lữ hành và ngành du lịch địa phương liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh (NVS).

Không có lý do gì các khách sạn từ chối du khách, bởi đó là đối tượng mà họ mong muốn phục vụ. Hơn nữa, các hãng lữ hành cũng đồng thời là đối tác của các khách sạn, nhà hàng. Du khách một khi vào khách sạn sử dụng NVS, cũng có thể mua dịch vụ ở bên trong như nước giải khát, quà lưu niệm…

Hơn nữa, nếu dựa vào lý do khách lưu trú trong khách sạn phản ứng với khách vãng lai sử dụng NVS thì cũng không đúng. Bởi khách trong khách sạn thường ít khi sử dụng NVS chung (ở gần quầy tiếp tân - PV).

Sở sẽ làm gì để thúc đẩy các khách sạn, nhà hàng chia sẻ vấn đề này, thưa ông?

Chúng tôi rất ủng hộ ý kiến của Báo Thanh Niên về việc khuyến khích khách sạn, nhà hàng chung tay chia sẻ với hãng lữ hành. Đó là ý kiến mới mẻ mà chúng tôi chưa hề nghĩ tới.

Trước mắt, tôi sẽ làm việc ngay với Phòng Quản lý khách sạn (trực thuộc Sở) lấy ý kiến các doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, để xem quan điểm của họ như thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ nêu ý kiến của mình. Chúng tôi sẽ làm ngay trong tuần này.

“Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 5: Khách du lịch cần được sử dụng nhà vệ sinh mọi nhà hàng, khách sạn
Nhà vệ sinh công cộng khu phố Tây Phạm Ngũ Lão như thế này thì làm sao du khách dám vào - Ảnh: D.Đ.M

Liệu có thể sử dụng một biện pháp nào mạnh mẽ hơn để các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP.HCM chấp nhận chia sẻ khó khăn? Vì thực ra, nhà hàng, khách sạn và lữ hành luôn là quan hệ đối tác cùng có lợi.

Thực tế không thể yêu cầu hoặc buộc các khách sạn phải có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi sẽ khuyến khích, đề nghị họ chia sẻ khó khăn. Tôi nghĩ họ sẽ vui lòng hợp tác. TP.HCM từng đề nghị các khách sạn giữ xe cho khách (không phải lưu trú trong khách sạn - PV) ở tầng hầm với giá đúng quy định và các khách sạn cũng đã thực hiện, như cách chia sẻ khó khăn về bãi đậu xe trong khu vực trung tâm. Cho nên, không có lý do gì mà các khách sạn không thể chung tay với hãng lữ hành về chuyện NVS cả.

Dự án trung tâm thông tin du lịch mà ở đó có NVS, bãi đậu xe cho du khách như nhiều doanh nghiệp lữ hành đề xuất ở khu vực trung tâm liệu có khả thi hay không, thưa ông?

Trung tâm thông tin du lịch đã từng tồn tại ở đối diện khách sạn Rex, nhưng nay đã ngưng hoạt động. Hiện TP.HCM đang tìm một địa điểm phù hợp để triển khai dự án này trong thời gian sớm nhất.

Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức: Nếu khách cần thì phải đáp ứng !

Năm 2012, Tổng cục Du lịch đặt ra vấn đề đột phá là xây dựng NVS đạt chuẩn. Tuy nhiên, đột phá mà không thực hiện được là thua. Khó khăn gì đi nữa nhưng điều đầu tiên chúng ta phải nhớ là tất cả vì du khách. Khách đến Việt Nam thì bằng mọi cách đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của họ. Ngành du lịch cần phải tuyên truyền cho các khách sạn, nhà hàng rằng, nếu khách cần NVS thì phải đáp ứng.

Còn hàng rong, chèo kéo rồi ép du khách là chuyện dẹp mãi không được. Tôi cũng từng đề nghị các địa phương đưa hàng rong ở điểm tham quan vào một chỗ quy định; đồng thời ngành công an cũng phải tăng cường kỷ cương.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Nên hoan nghênh Rex !

Tôi cho rằng, Sở VH-TT-DL TP.HCM cần có công văn kêu gọi, đề nghị các khách sạn, nhà hàng chia sẻ khó khăn về NVS cho du khách. Khách sạn Rex mở cửa tiếp đón du khách vãng lai vào sử dụng NVS mà không gây khó là một hành động đáng hoan nghênh. Các khách sạn khác cũng nên như vậy. Đối với vấn nạn hàng rong chèo kéo, ngành công an cần cương quyết hơn. Khu vực núi Bà Đen từng có rất nhiều người bán hàng rong, nhưng gần đây đã dẹp xong. Nếu để nạn hàng rong quá phổ biến hay thiếu thốn bãi đậu xe, hình ảnh du lịch TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng. Đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải nuôi dưỡng nó.

N.Trần Tâm (thực hiện)

>> Chuyện nhỏ" gây khó lớn
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 2: Nỗi sợ mang tên hàng rong
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 3: Du khách không chốn xuống xe
>> “Chuyện nhỏ” gây khó lớn - Kỳ 4: Thủ tục khiến khách nản lòng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.