Chưa nên loại USD khỏi danh mục bảo hiểm tiền gửi

04/11/2011 02:44 GMT+7

Để ngăn ngừa đô la hóa nền kinh tế, dự luật Bảo hiểm tiền gửi quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) với VNĐ, không bảo hiểm đối với ngoại tệ và kim loại quý, song trong buổi thảo luận hôm qua, nhiều ĐBQH cho rằng vẫn nên BHTG USD.

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Kinh tế cũng ủng hộ không BHTG là USD vì cho rằng: “Cần thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của VN”. 

Lo ngại người dân đồng loạt rút USD

Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết đã có thời điểm ông tán thành quy định trên của dự luật, khi xét về mục tiêu chống đô la hóa. Nhưng trong bối cảnh niềm tin của người dân vào giá trị tiền đồng lung lay và vẫn còn lượng lớn USD gửi ngân hàng, có thời điểm ước tính lên tới 10 tỉ USD, nếu áp dụng quy định không BHTG đối với ngoại tệ, sợ rằng người dân sẽ đồng loạt rút USD khỏi ngân hàng, gây khó khăn cho cả hệ thống tín dụng. Theo ông Ngân, ít nhất trong 5 - 10 năm tới, người dân vẫn có nhu cầu BHTG là USD tại ngân hàng. Vì vậy trước mắt luật nên quy định BHTG với cả ngoại tệ.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Nếu quy định không BHTG đối với ngoại tệ, người dân sẽ rút USD khỏi hệ thống ngân hàng thương mại và mang đi gửi ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại VN để được BHTG. Còn ĐB Trương Thị Ánh thì lo sẽ dẫn tới tình trạng người dân mang USD gửi bên ngoài, dễ dẫn tới nguy cơ rủi ro như các trường hợp vỡ “tín dụng đen” vừa qua.

Tại tổ Hà Nội, ĐB Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh việc tăng cường quản lý ngoại tệ, khuyến khích dùng tiền đồng để tăng giá trị đồng tiền nội địa là rất cần thiết nhưng cần phải có chính sách để vừa huy động vừa quản lý được ngoại tệ. “Hiện nay người dân đi xuất khẩu lao động, làm việc, sinh sống  ở nước ngoài nhiều, số tiền họ gửi về cho gia đình không phải là ít. Nếu gửi ngân hàng mà không được bảo hiểm thì người dân sẽ cất đi hoặc gửi chỗ khác và chúng ta sẽ không huy động được nguồn vốn từ trong dân”, ông cảnh báo.


Nếu áp dụng quy định không BHTG đối với ngoại tệ, e rằng người dân sẽ đồng loạt rút USD khỏi ngân hàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tăng phí bảo hiểm để tránh rủi ro

Theo ĐB Trần Du Lịch, lâu nay các ngân hàng thương mại vẫn đóng phí bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm và nguồn tiền đó chủ yếu để chi trả cho các tổ chức tín dụng nhân dân. Nhưng hệ thống ngân hàng thương mại chưa phân loại độ rủi ro để phân định mức đóng phí tùy theo “sức khỏe” của từng ngân hàng. Vì vậy, nên tiến tới áp dụng tính phí theo mức độ rủi ro. Rủi ro cao thì phải đóng phí cao hơn và ngược lại.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, đến cuối năm 2010, tổng phí BHTG thu được từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 6.900 tỉ đồng. Trong trường hợp một ngân hàng nào đó bị phá sản phải chi trả bảo hiểm thì con số 6.900 tỉ đồng là quá ít.

Dẫn thêm ví dụ về tình trạng vừa qua quỹ tín dụng nhân dân ở 11 tỉnh thành phá sản, tổ chức BHTG đã chi trả cho người gửi tiền 18,8 tỉ nhưng số tiền thanh lý, bán tài sản của các quỹ tín dụng chỉ được 7,6 tỉ đồng, ông Ngân cho rằng, phải tính toán lại mức đóng phí BHTG từ các ngân hàng để “tránh tình trạng các ngân hàng, tổ chức tín dụng làm ăn có lãi nhiều thì được hưởng, còn nếu thua lỗ thì Nhà nước và người dân phải gánh chịu”.

Ngoài ra, dù dự luật đã đưa ra quy định mở về hạn mức chi trả theo hướng để Chính phủ quy định mức cụ thể ở từng thời điểm, trên cơ sở đề nghị của ngân hàng nhà nước, song nhiều ĐB cũng cho rằng, không nên áp dụng hạn mức chi trả bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng như quy định hiện hành vì sẽ “cào bằng” mức thanh toán BHTG cho tất cả khách hàng dù gửi tiền nhiều hay ít. Cụ thể hơn, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị nên áp dụng mức chi trả gấp 3 - 4 lần mức cũ, tức là khoảng 150 - 200 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như hiện nay.

Bảo Cầm - Tuyết Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.