Chưa đồng thuận Đề án tái cấu trúc kinh tế

20/04/2012 03:08 GMT+7

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu có mặt tại phiên họp đã dễ dàng nhận ra những điểm chưa hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đề án nêu 3 tiền đề trọng tâm để tái cơ cấu kinh tế là ngân hàng, đầu tư công và DN nhà nước (DNNN), song lại chưa làm rõ nguồn lực tái cơ cấu kinh tế là gì, vì “chi phí này rất quan trọng”. Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, họ sử dụng chi phí phục vụ cải cách kinh tế để vượt qua khủng hoảng có khi lên tới 10% GDP, bà Mai đề nghị Chính phủ cần làm rõ “chi phí cho tái cấu trúc kinh tế của ta cần bao nhiêu, trong đó bao nhiêu chi phí từ ngân sách nhà nước, bao nhiêu từ nguồn lực DN, nguồn lực xã hội”.

 
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Đây cũng chính là quan điểm của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế - khi báo cáo một số ý kiến nhận xét về đề án tại phiên họp. Theo Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến thường trực ủy ban cho rằng đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian… thực hiện. Trong khi đó, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo ủy ban này là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực.

Liên quan đến nguồn lực tái cấu trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có giải pháp khắc phục được “căn bệnh thừa tiền” của nền kinh tế. Theo ông Hiển, cơ cấu lại nền kinh tế bằng 2 bàn tay thị trường và nhà nước nhưng thị trường là chính thì khi cơ cấu lại thị trường tài chính nói chung phải khắc phục được căn bệnh thừa tiền, phải chuyển dịch được nguồn lực tài chính từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả. “Nếu nền kinh tế thừa tiền sẽ dẫn tới lạm phát, DN thừa tiền là đầu tư kém hiệu quả, hộ gia đình thừa tiền sẽ tiêu dùng kém hiệu quả. Cho nên phải chuyển dịch dòng tiền từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả thông qua công cụ thuế và chính sách tiền tệ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lý giải thêm.

Ông Hiển cũng đề nghị Chính phủ chỉ nên khoanh gọn mục tiêu đề án, tập trung vào 2 nội dung chính, đó là tái cơ cấu phải đáp ứng được nền kinh tế phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững ở mức độ cao hơn; và phải tạo ra được cơ cấu kinh tế hợp lý về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khu vực kinh tế vùng miền, ngành…

Theo kết luận của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp, Chính phủ và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát lại nội dung đề án để hoàn chỉnh báo cáo QH tại kỳ họp thứ 3 tới.

 

Cuối năm 2012 sẽ thông qua luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi

Tại phiên họp chiều 19.4, Chính phủ đã trình Ủy ban TVQH đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và điều chỉnh chương trình của năm 2012. Theo đó, trong năm 2013 sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 59 dự án, trong đó có 21 dự án thuộc chương trình chuẩn bị. Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào nửa đầu năm 2013, Chính phủ sẽ trình QH cho ý kiến 12 dự luật, trong đó có luật Đất đai (sửa đổi) được đề nghị điều chỉnh thời hạn trình, từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2012) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.

Chính phủ đề nghị tại kỳ họp thứ 4 (2012) sẽ trình QH 17 dự án luật, trong đó có 9 dự luật được thông qua tại kỳ họp, như luật Thủ đô và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập cá nhân.

Liên quan đến các dự luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có luật Biển Việt Nam, Chính phủ cho biết dự luật này hiện đang được Bộ Ngoại giao phối hợp với các ủy ban của QH chỉnh lý dự thảo.

Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa luật MTTQ sửa đổi vào chương trình năm 2013, tức là trình tại kỳ họp 5 và thông qua tại kỳ họp 6; bổ sung dự luật Trưng cầu dân ý vào chương trình chuẩn bị của năm 2013 so với các nội dung Chính phủ đề nghị.

Bảo Cầm

Bảo Cầm

>> Tái cấu trúc kinh tế cần bao nhiêu tiền?  
>> Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13: Đề xuất lập Ủy ban Tái cơ cấu kinh tế
>> Quốc hội bàn tái cơ cấu nền kinh tế
>> Ưu tiên nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế
>> Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai tái cơ cấu nền kinh tế
>> Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.