Chủ đầu tư dự án đem sổ đỏ cầm ngân hàng

12/05/2015 06:29 GMT+7

Ngày 11.5, tại cuộc họp của UBND TP.HCM với các sở, ngành về giải quyết những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, cho biết số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 10 dự án rơi vào tình trạng chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ cho ngân hàng.

Ngày 11.5, tại cuộc họp của UBND TP.HCM với các sở, ngành về giải quyết những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, cho biết số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 10 dự án rơi vào tình trạng chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ cho ngân hàng. Khi bán nhà cho người dân, chủ đầu tư đã không giải chấp để lấy sổ đỏ làm hồ sơ cấp giấy hồng cho dân.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP, khi ký hợp đồng bán nhà với người dân, tài sản không còn là của riêng chủ đầu tư nữa. Do đó, ngay sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư phải chủ động liên hệ ngân hàng, làm các thủ tục cần thiết để đăng ký rút bớt tài sản thế chấp. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2011 giữa các Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường, ngân hàng và chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động. Do đó, ngân hàng nhận thế chấp dự án cũng phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư cùng thực hiện để đảm bảo tuân thủ tục đúng quy định pháp luật và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Sau khi nghe các bên báo cáo, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, cho rằng một dự án muốn thực hiện được thì phải qua tới hàng chục chữ ký của các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì tin vào pháp lý dự án được nhà nước phê duyệt người dân mới quyết định mua nhà. Việc mua bán của dân là hợp pháp, được nhà nước thừa nhận và đã thanh toán hết tiền cho chủ đầu tư. Do đó, việc chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ vào ngân hàng khiến người dân không được cấp giấy là có một phần lỗi của nhà nước đã quản lý lỏng lẻo. Nếu để mặc người dân tự xoay xở là rất vô cảm. Hiện UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vẫn xử lý cấp giấy cho người dân tại các dự án đã bị thế chấp sổ đỏ.
Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, khi các chủ đầu tư và ngân hàng đã xác lập giao dịch thế chấp để vay vốn ngân hàng và đăng ký theo quy định, bên thế chấp không được bán tài sản đang thế chấp. Đồng thời bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản này để thu hồi nợ. Do đó, nếu phần tài sản này được cơ quan nhà nước giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, cá nhân đó có thể đi thế chấp vay vốn tại các ngân hàng khác. Việc này ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của ngân hàng và trong trường hợp này, ngân hàng có thể khởi kiện đối với cơ quan cấp giấy chứng nhận.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, ngân hàng không thể giao giấy đỏ chủ đầu tư đang thế chấp để cho cơ quan nhà nước cấp giấy cho dân, làm như thế thì không có ngân hàng nào dám cho vay bất động sản.
Theo ông Tín, người dân không mua chui, mua lậu, họ mua bán một cách hợp pháp nhưng nhà nước không bảo vệ được họ là không ổn. Do đó, ông đã giao các sở ngành chức năng soạn thảo văn bản để TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người mua nhà, đồng thời chấn chỉnh hệ thống ngân hàng trong việc quản lý nợ vay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.