Chính phủ đảm bảo không ngân hàng yếu nào đổ vỡ!

02/12/2011 00:09 GMT+7

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối qua 1.12.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối qua 1.12.

 

Người dân dù gửi tiền ở ngân hàng nào cũng không phải lo lắng - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo ông Đam, yếu kém của hệ thống ngân hàng (NH) ngoài việc chưa có một NH nào đủ mạnh ở tầm cỡ khu vực, thế giới, còn là khó khăn thanh khoản thường trực.

Không thể công bố danh tính

Vốn nhà nước của Jetstar Pacific sẽ do Vietnam Airlines nắm giữ

Liên quan đến số phận của Jetstar Pacific Airlines (chủ đại diện phần vốn nhà nước trong công ty này là Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước SCIC), theo ông Vũ Đức Đam, hãng này kinh doanh nhiều năm liền không tốt. Trong lộ trình sắp xếp DN nhà nước, để việc quản lý vốn hiệu quả hơn và gắn với hoạt động kinh doanh không tiếp tục lỗ, các cơ quan chức năng đề nghị lên Chính phủ chuyển phần vốn đại diện chủ sở hữu nhà nước từ SCIC sang một DN 100% vốn nhà nước khác (Vietnam Airlines - PV). Đây là tiến trình đang được xem xét, sẽ có quyết định sớm.

“Tái cơ cấu NH thương mại đang được thực hiện, các NH yếu kém đã nhận được các biện pháp hỗ trợ của NH nhà nước, từng bước làm cho bớt yếu kém, có bệnh trị bớt bệnh, sau đó mới tiến hành sắp xếp. Chính phủ đảm bảo không NH yếu nào đổ vỡ, đảm bảo lợi ích người gửi tiền. Nhân dân dù gửi tiền ở NH nào cũng yên tâm, không việc gì phải lo”, ông Đam khẳng định. Theo ông Đam, sáp nhập NH được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Đặc biệt, cổ phần hóa NH theo hướng đại chúng, không để cổ phần do một nhóm nhỏ nắm giữ, rồi chi phối chéo phụ thuộc vào nhau, giữa các NH với doanh nghiệp (DN) bất động sản.

Về tỷ lệ 5% NH trong hệ thống được đánh giá rất yếu kém, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NH nhà nước cho rằng không thể công bố danh tính từng NH do những lo ngại về tác động tới lợi ích của hệ thống NH, “như một bà mẹ không muốn nói rõ con mình đứa nào yếu kém”. “Sẽ phân loại NH thành từng nhóm để có biện pháp kiểm soát tín dụng với từng nhóm”, ông Tiến nói.

Quan điểm của Chính phủ, theo ông Đam, ngoài cổ phần hóa các NH thương mại nhà nước, các NH thương mại ngoài quốc doanh cũng sẽ cổ phần hóa, tiến hành sắp xếp từng bước theo hướng, NH nào mạnh hơn sẽ được tạo điều kiện hơn, NH nào khó khăn sẽ trợ giúp.

Chưa nhận được phương án miễn giảm thuế

Về chủ trương miễn giảm thuế hỗ trợ DN, theo ông Đam, “đến giờ phút này Chính phủ chưa nhận được phương án của Bộ Tài chính, không biết bộ đã làm chưa”.

Lý giải cho quyết định giữ nguyên giá, trong bối cảnh giá xăng đang có lãi, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, bình quân 30 ngày tính từ 27.10 đến 25.11, giá cơ sở với mặt hàng xăng thấp hơn giá hiện hành 288 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, mazut cao hơn giá hiện hành từ 1.204 đồng đến 1.334 đồng/lít. Đây là lý do Bộ Tài chính cân nhắc tăng trích quỹ với mặt hàng xăng, vì nếu giảm thì mức giảm quá ít, trong khi nguồn quỹ bình ổn hiện không nhiều.

Còn theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp gia hạn nộp thuế trình Chính phủ. Ngày 28.11, bộ đã có tờ trình báo cáo Chính phủ phương án, trong đó tiếp tục gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, đưa ra một số phương án để lựa chọn. Nhưng phương án miễn giảm thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội, sẽ được xem xét trình Quốc hội kỳ họp thứ 3 vào tháng 5.2012.

Ông Đam cho biết thêm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải xem xét chính sách hỗ trợ thuế không chỉ cho các DN có khả năng chịu thuế mà cả các DN yếu. Ngoài ra, Chính phủ nhận thấy mặt bằng lãi suất cao, đã yêu cầu NHNN xem xét hạ mặt bằng lãi suất, vẫn đảm bảo lãi suất dương nhưng linh hoạt. Cụ thể, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, lãi suất sẽ được điều hành theo hướng giảm dần cùng với mức giảm lạm phát. “Đến nay lạm phát đã có xu hướng chậm lại, năm tới lạm phát theo hướng thấp hơn năm nay. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát giảm dần, nhưng giảm ở mức nào sẽ còn có những đánh giá thận trọng, xem tính bền vững của việc giảm giá cả có đảm bảo hay không, mức lãi suất có đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền và đảm bảo cho NH huy động vốn”, ông Tiến nói.

Về chủ trương nới rộng tín dụng cho một số lĩnh vực bất động sản như xây nhà cho công nhân... của NH nhà nước, ông Đam khẳng định không mâu thuẫn với chủ trương chung thắt chặt tín dụng, mà nhằm mục đích duy trì sự phát triển hợp lý của thị trường.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.