Chỉ nên độc quyền sản xuất vàng

02/12/2011 00:12 GMT+7

Xóa sổ thương hiệu vàng miếng uy tín nhất, chiếm thị phần lớn nhất để "độc quyền" thương hiệu vàng miếng mới không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra nhiều bất cập cho thị trường vàng.

Xóa sổ thương hiệu vàng miếng uy tín nhất, chiếm thị phần lớn nhất để "độc quyền" thương hiệu vàng miếng mới không chỉ gây lãng phí mà còn tạo ra nhiều bất cập cho thị trường vàng.

 

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lãng phí và thiệt cho dân

Tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố, nhãn hiệu vàng miếng SJC sẽ là nhãn vàng của NHNN và sẽ đổi sang thương hiệu SBV. Như vậy, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Xét về mặt quản lý nhà nước, việc độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng là cần thiết và đúng đắn.

Tuy nhiên, việc độc quyền thương hiệu như nói trên sẽ gây lãng phí và nhiều hệ lụy không cần thiết. Đầu tiên là để chuyển tất cả vàng miếng SJC thành SBV sẽ tốn một khoản phí lớn cho ngân sách trong khâu đoạn phân kim và đổi thương hiệu. Đó là chưa kể, để xây dựng lên một thương hiệu mạnh như SJC đã phải trải qua rất nhiều thời gian, công sức. Dễ dàng xóa bỏ như vậy cũng là một lãng phí lớn.

Việc độc quyền thương hiệu vàng miếng sẽ gây lãng phí và nhiều hệ lụy không cần thiết

Quan trọng hơn, việc này còn tạo ra cơ hội kiếm lời cho các công ty vàng, gây thiệt thòi cho người dân. Hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp, các công ty vàng lấy lý do người mang vàng đi bán nhiều, không đủ tiền nên đành phải hạ giá mua vào (đã từng xảy ra với thương hiệu vàng miếng Rồng Thăng Long). Như vậy, người dân sẽ thiệt thòi lớn khi mua vàng giá cao nhưng phải bán với giá thấp hơn.

TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, độc quyền sản xuất vàng miếng là rất cần thiết trong vấn đề quản lý nhà nước cho nền kinh tế. Nhưng nếu NHNN xác định mình là người độc quyền sản xuất thì nên sản xuất cho nhiều đơn vị kinh doanh. Như vậy, các công ty có thương hiệu vàng miếng lâu nay vẫn được lưu hành, vẫn được tiếp tục kinh doanh. Theo cách này, hạn ngạch, chất lượng đều được NHNN quản lý, các đơn vị kinh doanh tùy theo năng lực sẽ mua nhiều hay ít vàng khi nhập khẩu trong hạn ngạch mà NHNN cho phép. 

Như vậy sẽ tạo công bằng cũng như không gây xáo trộn, lãng phí và thiệt thòi cho người dân giữ vàng như phân tích trên. Còn xóa sổ tất cả các thương hiệu vàng miếng, liệu SJC có chịu đứng ra để nhập khẩu vàng khi không còn thương hiệu và không được kinh doanh? Nếu SBV đứng ra nhập và sản xuất, nghĩa là Nhà nước tự nhập, tự bán thì càng "khó coi" khi cơ quan quản lý vừa đá bóng, vừa thổi còi, chuyển từ vai trò quản lý sang làm kinh doanh. "Thị trường vàng cần có một chiến lược rõ ràng.

Chiến lược này sẽ tránh sự ngẫu hứng trong phát ngôn, gây phập phồng cho doanh nghiệp và người dân trong những quy định, chính sách liên quan đến mặt hàng nhạy cảm là vàng. Nó cũng sẽ làm giảm thiểu hao phí toàn xã hội" - ông Chí nói.

Vẫn sản xuất lậu?

Giá vàng tăng mạnh

Ngày 1.12, giá vàng SJC tăng mạnh 600.000 đồng/lượng so với ngày 30.11.

Giá mua vàng SJC tại các công ty, ngân hàng ở mức 45,15 - 45,27 triệu đồng/lượng, giá bán ở mức 45,28 - 45,37 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tăng mạnh 46 USD/ounce, lên 1.753 USD/ounce.

Đại diện Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cho biết giá vàng tăng cao khiến lực chốt lời trên thị trường diễn ra mạnh.     

T.Xuân

Theo chỉ đạo của NHNN, các thương hiệu vàng không phải SJC đã ngưng sản xuất vàng miếng cả tháng nay. Việc này khiến nhiều công ty cho rằng, họ đối diện với nguy cơ thua lỗ bởi nguyên liệu bị tồn kho. Trên thị trường, thậm chí đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề, liệu NHNN có phải chịu trách nhiệm "bù lỗ" cho các công ty hay không khi hậu quả này là do những quy định từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, các công ty đang lợi dụng chính sách để "ăn vạ".

Có 2 lý do để chứng minh, vàng nguyên liệu tồn kho tại các công ty không thể nhiều. Đầu tiên là một thời gian khá dài vừa qua, NHNN không cấp hạn ngạch nhập vàng nên không thể có vàng mới nhập tồn kho, nếu có cũng rất ít là vàng cũ trước đó. Thứ 2 là dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng đã ban hành khá lâu nên hầu hết các công ty kinh doanh vàng đã chuyển vàng nguyên liệu sang vàng thành phẩm. Hơn nữa, NHNN cấm sản xuất vàng miếng chứ không cấm sản xuất vàng nữ trang. Các công ty này hoàn toàn có thể chuyển sang vàng nữ trang chứ không phải đã "tắc" mọi đường. 

Nhưng nghịch lý vẫn cho tồn tại các thương hiệu vàng miếng không phải SJC nhưng lại yêu cầu họ ngưng sản xuất có thể dẫn đến khả năng các công ty này tiếp tục sản xuất lậu khi máy móc, thiết bị của họ vẫn còn đó?  Điều này một lần nữa cho thấy, vấn đề cuối cùng vẫn là quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng, NHNN nên mở một công ty sản xuất vàng miếng của mình.

Công ty này sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương hiệu vàng miếng trên thị trường. Như vậy, với chất lượng như nhau (cùng một đơn vị sản xuất), các công ty kinh doanh vàng sẽ phải cạnh tranh về dịch vụ, uy tín... để giành được sự lựa chọn của người mua. Lúc đó mọi công ty kinh doanh vàng từ SJC đến AAA, Bảo Tín Minh Châu... sẽ trở thành kênh phân phối sản phẩm vàng miếng của Nhà nước. Thị trường vàng sẽ không rối như hiện nay. 

 Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.