“Chết” nhưng không chịu khai tử

17/04/2012 03:03 GMT+7

Ở nước ngoài, nộp đơn phá sản sẽ cho phép doanh nghiệp hay cá nhân cơ cấu lại các khoản nợ, giảm trừ những tổn thất nặng nề. Nhưng tại Việt Nam thì ngược lại.

Phá sản ở Việt Nam là đối mặt với công khai tài chính, tài sản trả hết cho chủ nợ, bản thân bị tước quyền kinh doanh... nên nhiều công ty đã "chết" nhưng không chịu khai tử.

Không chịu phá sản

Trong vài ngày qua, nông dân nuôi cá lẫn các chủ nợ của Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) xôn xao về việc gần chục hộ nông dân là chủ nợ của Bianfishco đã ủy quyền cho luật sư của mình chính thức đệ đơn lên TAND TP.Cần Thơ yêu cầu tiến hành  mở thủ tục phá sản đối với Bianfishco và đã được tòa nhận đơn. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, ông Trần Văn Trí, người đại diện cho Bianfishco đã tiến hành chi trả hơn 20 tỉ đồng tiền nợ lương tháng 3 của hơn 2.000 công nhân và tiền nợ mua cá của hàng chục hộ nuôi cá nhỏ lẻ, đồng thời tuyên bố Bianfishco không có ý định xin phá sản mà đang cố gắng tái cơ cấu lại để tiếp tục kinh doanh.

 
Dù nợ nần và gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Bình An không chấp nhận phá sản - Ảnh: Mai Trâm

Câu chuyện nợ nần của Bình An đã lùm xùm cả hơn tháng nay khi công ty này rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nợ không trả được và các ngân hàng không chịu cho vay thêm. Nhưng như nói trên, bất chấp món nợ lên tới trên 1.500 tỉ đồng, công ty này không chấp nhận phá sản. Đây là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

 

7 năm, 4 doanh nghiệp phá sản

Luật Phá sản đầu tiên ở Việt Nam có hiệu lực thi hành từ năm 1994. Qua 10 năm thực thi luật này, chỉ thụ lý được 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản trong đó, tuyên bố phá sản được chỉ có 46 doanh nghiệp. Phó chánh tòa kinh tế TAND TP.HCM cho biết: sau khi sửa đổi luật, từ năm 2005 - 2011, TAND TP.HCM chỉ thụ lý có 55 vụ và thực tế chỉ tuyên bố phá sản được 4 vụ, chưa đến 1%.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện nay con số  doanh nghiệp (DN) đăng ký giải thể trên địa bàn đang tăng đều đặn từng ngày. Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, hết quý 1/2012 có khoảng 2.200 DN giải thể, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước và trên 9.700 đăng ký ngừng hoạt động, tăng khoảng 6%.

Trao đổi với Thanh Niên, một thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, con số DN tạm dừng nghĩa vụ nộp thuế do không có doanh thu tính tới hết năm 2011 (theo khảo sát của Bộ Tài chính phối hợp với VCCI) là gần 80.000.  Đó mới là con số DN có đăng ký tạm dừng hoạt động và giải thể. Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 200.000 DN trên tổng số 600.000 không còn thực hiện nghĩa vụ thuế do không có doanh thu - số này cũng có thể đã rơi vào trường hợp giải thể nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, tất cả số liệu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sở dĩ số DN xin tạm dừng hoạt động chiếm đa số vì nó là cách hành xử ưa thích nhất của DN Việt Nam. Vì nó nhẹ nhàng, không rườm rà về mặt thủ tục và luật cũng cho phép DN được tạm dừng tối thiểu 1 năm và tối đa 2 năm. Sau đó, nếu không thể hoạt động tiếp thì giải thể. Vì vậy, đa số DN “chết” rồi nhưng vẫn không khai tử - số này mới đáng báo động hơn. “Hiện nay, không ít DN đã tạm dừng hoạt động, nhưng vì nhiều lý do không đến đăng ký. Kể cả số DN vẫn nộp thuế môn bài, nhưng không có doanh thu gì cả, loại này cũng rất nhiều” - ông Tứ nói.

Chết “bí mật”

Theo luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn luật sư TP.HCM, mục đích chính của luật Phá sản là tạo lối thoát nhân đạo cho những DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn tài chính, không còn khả năng trả dứt nợ. Theo cách nói của nhiều người, phá sản là “giựt nợ hợp pháp”, thanh lý hết tài sản còn lại để trả nợ. Hết tài sản thì chủ nợ coi như mất tiền. Như vậy có thể nói, phá sản cũng là lối thoát cho các DN rơi vào tình trạng bế tắc tài chính như nói trên. Vậy tại sao nhiều DN lại sợ và trốn phá sản?

Bởi lẽ, theo quy định của luật Phá sản, các ông chủ của DN bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN, trong thời hạn từ 1 - 3 năm, kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Vì vậy, chẳng ông chủ nào muốn ra tòa để bị tước quyền kinh doanh, quản lý. Tương tự, người giữ chức vụ quản lý, điều hành công ty 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của nhà nước ở DN khác bị tuyên bố phá sản cũng sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ DN nhà nước cũng như  DN có vốn nhà nước. Trong khi nếu chết “bí mật” vẫn có thể mở DN khác, xin làm quản lý ở đơn vị khác. Vì vậy, mới có chuyện 1 người đứng tên mở cả 50 chục DN, trong đó có 30 chục cái đã... chết - một thẩm phán tòa kinh tế TAND TP.HCM cho hay.

Sâu xa hơn, theo ông Quý, nhiều chủ DN trốn phá sản vì khi nộp đơn ra tòa, bắt buộc mọi chuyện về tài chính đều phải công khai. Khi đó sẽ “lòi” ra việc nhập nhằng chuyện sử dụng tài chính của công ty làm việc riêng không đúng mục đích, các khoản vay mượn, mua bán không nhập quỹ, hai hệ thống sổ sách kế toán... Đây là dấu hiệu phạm tội hình sự, có thể là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều DN nhập nhèm tài chính công - tư nên mọi chuyện sẽ bị phơi bày nếu làm thủ tục phá sản nên họ ngại.

Thêm 2 chủ nợ của Bianfishco nộp đơn cho tòa

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Ngân (Đoàn luật sư TP.HCM) - đại diện ủy quyền của các nông dân là chủ nợ của Công ty CP thủy sản Bình An (Bianfishco) - cho biết chiều 16.4, đã có thêm 2 nông dân chủ nợ của Bianfishco với số tiền 53 tỉ đồng nộp đơn lên  TAND TP.Cần Thơ yêu cầu tiến hành thủ tục phá sản đối với công ty này, nâng số đơn lên 9 (tổng số tiền Bianfishco nợ các nông dân này là 85 tỉ đồng).

Lê Nga - Mai Trâm - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.