Che giấu nợ xấu sẽ bị chế tài nghiêm khắc

05/06/2013 03:10 GMT+7

Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN, mục tiêu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.

Ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo là BĐS

Đề án nêu rõ nhà nước chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu do cho các đối tượng chính sách vay hoặc cho vay theo chỉ định của Chính phủ. Đối với các trường hợp khác, nhà nước chỉ can thiệp xử lý nợ xấu bằng nguồn vốn ngân sách trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế. Nguyên tắc khác là nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu thông qua ban hành các cơ chế, chính sách và tổ chức, quản lý có hiệu quả thị trường mua bán nợ.

 Những tổ chức tín dụng giấu nợ xấu sẽ bị thanh tra toàn diện
Những tổ chức tín dụng giấu nợ xấu sẽ bị thanh tra toàn diện - Ảnh: Ngọc Thắng

Đề án tập trung vào vấn đề xử lý nợ xấu của các TCTD VN, bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp (DN) và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng, mua trái phiếu DN. Tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản (BĐS).

Đề án cũng đưa ra các quy định đối với các TCTD trong việc chủ động xử lý nợ xấu, trong đó có việc cơ cấu lại nợ theo hướng: xem xét giãn thời gian trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính tạm thời và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu mới để trả nợ TCTD. Đồng thời, TCTD tiếp tục đầu tư, cho vay, bảo lãnh đối với khách hàng có nợ xấu do khó khăn tạm thời nhưng có triển vọng phục hồi và phát triển tốt.

Đáng chú ý, trong quyết định phê duyệt Đề án, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu “đối với các TCTD cố tình che giấu nợ xấu, không thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được Thủ tướng phê duyệt và các chỉ đạo của NHNN trong quá trình xử lý nợ xấu, NHNN được thanh tra toàn diện, và (hoặc) yêu cầu kiểm toán bắt buộc theo các nội dung do NHNN yêu cầu; hạn chế việc mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động…”.

Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 - 2014

Cũng theo đề án này, để tháo gỡ hàng tồn kho, nhiều bộ ngành liên quan được giao nhiệm vụ cụ thể. Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành địa phương thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập đối với DN nhỏ và vừa; DN đầu tư, kinh doanh nhà ở; DN sản xuất các mặt hàng liên quan đến ngành xây dựng…; đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010 (theo chính sách thu tiền thuê đất trước ngày Nghị định số 121 có hiệu lực thi hành).

Trường hợp tiền thuê đất sau khi được giảm vẫn lớn hơn 2 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2010 thì được giảm tiếp tiền thuê đất đến mức bằng 2 lần tiền thuê đất phải nộp của năm 2010.

Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1.7 tới đến hết ngày 30.6.2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1.7.2013 đến hết ngày 30.6.2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2...

Mở rộng tín dụng cho bất động sản

Liên quan đến tháo gỡ tồn kho BĐS, đề án nêu rõ NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục mở rộng tín dụng cho lĩnh vực BĐS ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của TCTD và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của NHNN, trong đó ưu tiên tập trung cho vay các dự án BĐS sắp hoàn thành, các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, lao động ở khu công nghiệp và các đối tượng chính sách khác với lãi suất phù hợp và không tính tỷ lệ dư nợ này trong tổng dư nợ cho vay BĐS bị khống chế.

NHNN cũng được giao chỉ đạo các NHTM nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Bảo Cầm

>> Nhanh chóng xử lý “cục máu đông” nợ xấu
>> Nợ xấu còn cao, doanh nghiệp phá sản còn nhiều
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm
>> Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng
>> Chính phủ “trả lại” đề án xử lý nợ xấu
>> Nguy cơ gia tăng nợ xấu
>> Cảnh báo nợ xấu tiềm ẩn
>> Tập trung xử lý nợ xấu
>> Đã xử lý được 39.000 tỉ đồng nợ xấu
>> Kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.