Cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức tiếp tục gặp sự cố

03/09/2015 15:52 GMT+7

(TNO) Ngày 3.9, Sở GTVT TP.HCM cho biết phần đường dẫn vào cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức lại tiếp tục tái xuất hiện hiện tượng trồi nhựa theo vệt bánh xe (1-3cm).

(TNO) Ngày 3.9, Sở GTVT TP.HCM cho biết phần đường dẫn vào cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức lại tiếp tục tái xuất hiện hiện tượng trồi nhựa theo vệt bánh xe (1-3cm).

Các vị trí trồi nhựa đã được cào bóc trong tháng 5.2015Các vị trí trồi nhựa đã được cào bóc trong tháng 5.2015
Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức được thông xe đưa vào sử dụng ngày 27.1.2013. Sau 2 tháng, lớp bê tông nhựa mặt cầu dày 7cm đã bị hư hỏng cục bộ (lún trồi 3-5cm) tại vị trí vệt bánh xe ở làn xe sát lan can cầu hướng từ Sài Gòn đi Biên Hòa (Đồng Nai), với chiều dài 35m (tổng chiều dài toàn cầu 570m).
Hiện tượng lún trồi bê tông nhựa không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của cầu nhưng ảnh hưởng đến độ êm thuận cho phương tiện lưu thông.
Tại thời điểm đó do công trình chưa tổng nghiệm thu bàn giao nên nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Thăng Long đã sửa chữa bảo hành toàn bộ mặt bê tông nhựa cầu vượt với phương án cào bóc mặt bê tông nhựa 7cm trên phần đường dẫn và trên mặt cầu, đồng thời thảm lại bằng 3cm bê tông nhựa polyme lớp trên (bê tông nhựa cường độ cao tương tự mặt cầu Sài Gòn) và 4cm bê tông nhựa thường lớp dưới. Công tác sửa chữa đã được tiến hành từ ngày 29.3.2013 và hoàn thành, thông xe vào ngày 10.4.2013.
Đường vào cầu vượt Thủ Đức sau khi được cào bóc các vệt nhồi nhựa (chụp ngày 31.8.2015) - Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấpĐường vào cầu vượt Thủ Đức sau khi được cào bóc các vệt trồi nhựa (chụp ngày 31.8.2015)
- Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp
Đến tháng 6.2014, sau hơn một năm khai thác, phần mặt đường làn xe tải phía bên phải theo hướng từ TP.HCM đi Biên Hòa tiếp tục có hiện tượng trồi nhựa theo vệt bánh xe ở phần đường dẫn vào cầu. Sở GTVT đã chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 yêu cầu nhà thầu thi công (Tổng công ty xây dựng Thăng Long) cào bóc phần trồi bê tông nhựa để tạo bằng phẳng và đã thực hiện hoàn thành vào ngày 13.6.2014.
Qua ghi nhận thực tế, Sở GTVT TP.HCM kết luận: "Phần mặt bê tông nhựa trên cầu sau khi được nhà thầu sửa chữa bảo hành toàn bộ thì đến nay chưa xảy ra trồi nhựa. Tuy nhiên, phần đường dẫn vào cầu vẫn tiếp tục tái xuất hiện hiện tượng trồi nhựa theo vệt bánh xe; các bộ phận kết cấu khác của công trình (dầm, mố trụ…) vẫn làm việc ở trạng thái bình thường. Hiện tượng biến dạng bê tông nhựa không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của cầu”.
Theo Sở GTVT, nguyên nhân của hiện tượng lún trồi lớp bê tông nhựa mặt cầu do lưu lượng xe quá lớn (khoảng 11.500 xe quy đổi/ngày đêm/một làn) so với hồ sơ thiết kế (8.300 xe quy đổi/ngày đêm/làn xe) và có một phần do xe quá tải gây ra.
Hiện cầu chỉ có 4 làn xe dành cho 2 hướng lưu thông trong khi số làn xe cần thiết phải là 8 làn xe. Phần lớn các phương tiện tải nặng, theo thói quen chỉ tập trung lưu thông vào một làn xe sát lan can cầu (trong khi được phép lưu thông cả 2 làn), với mật độ xe cao, tải trọng lớn, tác động liên tục, trùng lặp tại vị trí vệt bánh xe làm mặt bê tông nhựa không đủ điều kiện đàn hồi dẫn đến hằn lún.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Sở GTVT đã chỉ đạo Khu 2 xử lý tạm các vị trí trồi nhựa bằng cách cào bóc phần bê tông nhựa bị trồi trên đường dẫn vào cầu (tháng 5 và tháng 8.2015). Đến nay mặt đường đã đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia lưu thông trên công trình.
Nhận thấy hiện tượng trồi nhựa đang xảy ra không chỉ tại địa bàn TP.HCM mà phạm vi toàn quốc, trên các tuyến đường có lưu lượng xe tải lớn, Bộ GTVT đang nghiên cứu tìm hướng giải quyết triệt để.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.