Cẩn trọng khi giao dịch ký quỹ

02/09/2013 03:20 GMT+7

Giao dịch ký quỹ là hoạt động không xa lạ với các nhà đầu tư chứng khoán, nhất là sau khi chính thức được cho phép từ giữa năm 2011. Tuy nhiên, hoạt động này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà không phải nhà đầu tư nào cũng lường hết.

Lãi suất cao ngất

Trong khi lãi suất (LS) cho vay của các ngân hàng (NH) đã giảm mạnh về mức 10 - 11%/năm thì LS cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn dao động từ 15 - 17%/năm. Một số CTCK có đưa ra mức vay ưu đãi 14%/năm, nhưng khoản giải ngân này chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chủ yếu dành cho các khách hàng lớn với doanh số giao dịch hàng chục tỉ đồng. Theo các CTCK, việc LS margin vẫn giữ ở mức cao hoàn toàn do thỏa thuận mà không bị chi phối bởi quy định nào. “Điều quan trọng nhất là CTCK sẽ căn cứ theo các “đối thủ” cạnh tranh khác, cũng như nguồn vốn của mình, để tăng hay giảm LS này vào từng thời điểm nhất định”, lãnh đạo một CTCK nói.

 Sử dụng dịch vụ margin trong thời điểm hiện nay khiến nhà đầu tư dễ bị “cháy” tài khoản - d
Sử dụng dịch vụ margin trong thời điểm hiện nay khiến nhà đầu tư dễ bị “cháy” tài khoản
 - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Margin chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư tổ chức có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu và chỉ áp dụng khi thị trường đã bước vào xu hướng tăng giá mới hạn chế được rủi ro. Riêng với nhà đầu tư cá nhân, không nên sử dụng dịch vụ này mà chỉ nên đầu tư bằng đúng số tiền mình đang có để không bị “cháy” tài khoản

TS Nguyễn Văn Thuận,
Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM

Giải thích cho việc không thể giảm mạnh LS margin, nhiều CTCK cho rằng vì thời gian vay margin thông thường chỉ kéo dài từ 30 - 60 ngày, nên với LS 0,04 - 0,5%/ngày “tính ra không nhiều”. Hơn nữa, nhiều CTCK cũng đi vay lại tiền của NH hoặc từ các nguồn khác nên họ phải nâng LS cho vay lại để bù chi phí... Do đó, dù ngó nhau nhưng các CTCK cũng không để giảm mạnh LS cho vay margin khi đây là nguồn thu khá lớn cho các công ty này. Đặc biệt, với nhiều CTCK, khi LS gửi tiết kiệm NH chỉ còn 7%/năm thì chuyển sang cho nhà đầu tư (NĐT) vay margin là cách kinh doanh tốt nhất. “Mức LS cao như vậy, việc một số CTCK áp dụng mức LS ưu đãi 0% trong vài ngày đầu tiên khi NĐT vay cũng không có gì lạ. Điều này nhằm mục tiêu thu hút khách hàng và cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường. Đặc biệt, một số CTCK còn đưa ra gói sản phẩm cho khách hàng là doanh nghiệp vay mua cổ phiếu quỹ với số tiền có thể giải ngân lên đến 50 tỉ đồng…”, một chuyên gia tài chính phân tích.

Nguy cơ giải chấp

Các CTCK sẽ cho NĐT vay tiền để mua cổ phiếu với tỷ lệ 50 - 60% trên tổng giá trị danh mục cổ phiếu (CP) được cầm cố. Nói dễ hiểu hơn, nếu NĐT đang có trong tài khoản là 100 đồng hoặc một danh mục CP được chấp nhận cầm cố có giá trị tương đương 100 đồng thì có thể được vay thêm 50 - 60 đồng để sử dụng mua CP. Đòn bẩy tài chính này sẽ giúp NĐT gia tăng lợi nhuận khá nhanh chóng khi CP tăng giá. Tuy nhiên, khi giá CP cầm cố trong tài khoản bị giảm mạnh dưới một tỷ lệ quy định thì các NĐT phải bổ sung tài sản hoặc tiền để ký quỹ. Nếu không bổ sung kịp, các CTCK lập tức bán ra số CP đang được cầm cố để thu hồi tiền vốn của mình.

Đây là hoạt động bán giải chấp đã liên tục diễn ra trên thị trường khi giá CP sụt giảm triền miên. Đặc biệt, hoạt động margin hiện nay đa phần được tính trên toàn tài khoản của NĐT nên bất kỳ một CP nào giảm giá NĐT cũng có thể bị yêu cầu nộp thêm tiền hoặc bán CP ra để bảo đảm tỷ lệ margin. Thậm chí, nhiều khách hàng sử dụng margin chéo, tức là lấy tài khoản này bảo lãnh cho tài khoản khác, lấy các khoản đầu tư dài hạn để bảo lãnh cho các khoản lướt sóng ngắn hạn, thì khi bị giải chấp đôi khi các mã CP mạnh lại là đối tượng bị bán ra đầu tiên.

Việc bán ra CP với bất kể giá nào được xem là “ác mộng giải chấp” với NĐT khi bị rơi vào tình trạng này, vì thường rất ngắn sau đó tài khoản NĐT sẽ bị “cháy” sạch. Không chỉ thế, hoạt động giải chấp thường diễn ra ở nhóm CP blue-chips sẽ kéo theo cả thị trường giảm giá không phanh và tiền của nhiều NĐT khác cũng bị bốc hơi theo.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định việc sử dụng đòn bẩy trong đầu tư tài chính như margin luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhất là biến động của thị trường chứng khoán thường không đúng theo dự báo của các NĐT. “Margin chỉ thích hợp cho các NĐT tổ chức có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu và chỉ áp dụng khi thị trường đã bước vào xu hướng tăng giá mới hạn chế được rủi ro. Riêng với NĐT cá nhân, không nên sử dụng dịch vụ này mà chỉ nên đầu tư bằng đúng số tiền mình đang có để không bị “cháy” tài khoản”, TS Thuận nói.  

Mai Phương

>> Nhiều cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ
>> Xây dựng văn bản pháp lý cho giao dịch ký quỹ
>> Sắp có khung pháp lý cho giao dịch ký quỹ
>> Sẽ có thêm giao dịch ký quỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.