Bỏ qua TPP khiến Trung Quốc tổn thất ra sao?

07/10/2015 11:53 GMT+7

(TNO) Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có lẽ sẽ là một trong những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

(TNO) Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có lẽ sẽ là một trong những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo bài phân tích đăng ngày 6.10 của Bloomberg.

Bloomberg cho rằng Trung Quốc nằm trong số những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không vào TPP - Ảnh: Reuters Bloomberg cho rằng Trung Quốc nằm trong số những nước thiệt thòi nhiều nhất khi không vào TPP - Ảnh: Reuters
Do Trung Quốc không vào TPP, Mỹ rộng đường tập trung củng cố chặt hơn các mối quan hệ giao thương với các quốc gia trên toàn cõi châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thêm lợi thế để tiếp tục xúc tiến chiến lược xoay trục về khu vực này.

Bắc Kinh ban đầu từ chối gia nhập TPP, gọi đây là biện pháp kiềm chế sự trỗi dậy Trung Quốc của Washington; tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hiện tỏ ra quan tâm đến khả năng tham gia trong tương lai, theo Bloomberg.

“Trung Quốc có thái độ cởi mở đối với việc thiết lập các hệ thống tuân thủ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có lợi cho sự hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng hy vọng TPP và các hiệp ước thương mại tự do khác trong khu vực có thể tạo ra lợi ích song phương, qua đó có thể đóng góp cho phát triển giao thương, đầu tư và kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương”, theo một bình luận về TPP của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Fielding Trần, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận định rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc nhiều khả năng sẽ mất một số thị phần tại nhiều thị trường lớn, như Mỹ và Nhật Bản, lẫn nhỏ, chẳng hạn như Việt Nam.

TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.