Bình Thuận hút... điện gió

25/11/2011 09:45 GMT+7

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng cho điện gió, chính quyền tỉnh Bình Thuận đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư phong điện để biến những vùng nghèo khó thành "cục pin xanh" phát điện.

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng cho điện gió, chính quyền tỉnh Bình Thuận đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư phong điện để biến những vùng nghèo khó thành "cục pin xanh" phát điện.

Ưu tiên điện gió

 
Cánh đồng điện gió của REVN với các trụ điện gió do chính công ty này sản xuất - Ảnh Quế Hà

Theo thống kê của Sở Công thương Bình Thuận, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận cho 12 nhà đầu tư triển khai thực hiện 16 dự án (DA) điện gió. Tổng công suất đăng ký lên đến 1.370 MW với diện tích chiếm đất khoảng 15.000 ha (trong đó có 354 ha đất của 6 DA sử dụng đất vĩnh viễn, diện tích đất còn lại có thời gian sử dụng 50 năm). Hiện nay các DA đã xây dựng được 11 cột đo gió, nhiều DA đã lập xong báo cáo đầu tư trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch và chấp thuận về mặt chủ trương.

Sở dĩ Bình Thuận có nhiều nhà đầu tư bởi nơi đây có gió lớn thổi quanh năm, ít bão, nhiều khu vực có các ngọn đồi cao, vận tốc gió có thể đạt tới 7 m/s.

Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Trần Văn Nhựt cho biết, từ chủ trương chung của Chính phủ ưu tiên phát triển năng lượng sạch, nắm được lợi thế của địa phương, Bình Thuận luôn ủng hộ và sẵn sàng cho các nhà máy điện gió mọc lên.

Điện gió  không gây ô nhiễm môi trường, không phát thải các chất độc hại cho con người nhưng nó có thể gây tiếng ồn nếu quá gần khu dân cư. Những nước sản xuất điện từ gió nhiều nhất là Hoa Kỳ (25.388 MW), Đức (23.903 MW), Tây Ban Nha (16.740 MW), Trung Quốc (12.200 MW).

Ở Việt Nam, duy nhất cả nước hiện nay chỉ có một dự án của REVN với 25 tua-bin ở huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Từ tháng 9.2009, các Tua-bin gió của công ty phát điện vào lưới quốc gia khoảng 50 triệu KWh điện.

“Thứ nhất, điện gió vừa giải quyết vấn đề thiếu điện hiện nay. Thứ hai, nó tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư khác vào tỉnh đầu tư các lĩnh vực công nghiệp sản xuất, công nghiệp phụ trợ và du lịch, dịch vụ”, ông Nhựt nói.

Một lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong, nơi có nhiều DA điện gió nhất tỉnh giải thích: “Những DA điện gió tạo được công ăn việc làm cho dân địa phương từ khâu xây dựng, thi công các hạng mục công trình đến việc làm công nhân trong nhà máy. Mặc khác, là "thủ đô" điện gió nên nhiều du khách người Việt rất ngạc nhiên khi đứng trước cánh đồng điện gió ở huyện tôi. Chính nhờ các trụ điện gió mà chúng tôi thu hút thêm khách du lịch".

Tận dụng diện tích

Các trụ tua-bin điện gió có thể ở bất cứ địa hình nào, miễn là có gió. Hiện nay Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình đang xin đặt các trụ tua-bin ở ngay cánh đồng muối Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Thậm chí một vài DA khác còn có thể được đặt trụ tua-bin ngay trong khu rừng trồng của khu Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Với cách làm kết hợp như vậy, nhiều khu đồi núi, bờ biển vừa được tận dụng để trồng cây, làm muối vừa sản xuất ra điện năng.

Một cán bộ của Sở Công thương Bình Thuận nhận xét: “DA của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) thành công đã xóa bỏ hẳn được một vài ý kiến hoài nghi trước đây cho rằng các DA điện gió khó có thể thành công ở nước ta. Đồng thời chính DA của REVN đã bước đầu gầy dựng kinh nghiệm về công nghệ, kỹ năng lắp ráp, quản lý cho các DA đi sau".

Hiện nay, ngày càng nhiều DA điện gió xin được đầu tư tại Bình Thuận nhưng thách thức chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều DA vẫn phải thuê chuyên gia nước ngoài bởi ở cả Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, hầu như chưa có một cơ sở đào tạo các cán bộ kỹ thuật chuyên về điện gió. (Quế Hà)

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.